12:29 - 25/08/2022
Mì ăn liền Hảo Hảo xuất sang Campuchia phải có chứng nhận kiểm tra ethylene oxide
Biện pháp tăng cường này sẽ được gỡ bỏ nếu nhà xuất khẩu đạt yêu cầu 5 lô hàng mì ăn liền Hảo Hảo liên tiếp không nhiễm Ethylene Oxide.
Sáng 25/8, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đã làm rõ được thông tin Campuchia kiểm soát mì ăn liền Việt Nam liên quan chỉ tiêu ethylene oxide (EO).
Theo đó, Văn phòng SPS Campuchia cho biết sẽ không cho phép nhập khẩu lô “Mì Hảo Hảo hương vị gà” của Công ty CP Acecook Việt Nam mà châu Âu (EU) phát hiện nhiễm EO do thực hiện biện pháp phòng ngừa vì lợi ích sức khỏe cộng đồng của nước này.
Campuchia cũng yêu cầu các lô mì ăn liền Hảo Hảo xuất vào nước này phải có chứng nhận kiểm tra EO. Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho nhân viên kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được tiến hành ở các lô hàng cho đến khi biện pháp được gỡ bỏ nếu đạt được yêu cầu 5 lô hàng liên tiếp không nhiễm EO.
Theo TS Nam, các nhà sản xuất mì ăn liền và thương hiệu mì khác xuất khẩu sang Campuchia không bị ảnh hưởng trong đợt này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phải chủ động kiểm soát chặt chỉ tiêu ethylene oxide trong mì ăn liền, đặc biệt là trong các gói gia vị đi kèm.
Trước đó, cuối tháng 7/2022, khi EU công bố thông tin về việc 1 số loại mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam có chứa EO, các cơ quan chức năng Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì có chứa chất này. Điều đó khiến các nhà nhập khẩu Campuchia lo ngại nên không dám lấy hàng mì ăn liền từ Việt Nam vì bị sợ bị làm khó.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết theo quy định của Campuchia, thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về an toàn của nước này hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, dù luật Campuchia chưa quy định về chất EO trong mì ăn liền nhưng họ có thể viện dẫn tiêu chuẩn EU để áp dụng.
Một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam đã bị EU cảnh báo chứa EO vượt mức cho phép từ 1 năm trước và kéo dài đến nay, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Givral tạm ngưng kinh doanh bánh su kem sau vụ ngộ độc ở Thủ Đức
Tiến sĩ ‘nước mắm’ bị mời ra khỏi phòng họp
Quê hương là mùi nước mắm truyền thống
8 ‘giờ vàng’ để… uống nước
Dừng thẩm định dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm
Tags:Hảo Hảomì ăn liền
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này