10:20 - 21/09/2023
Sở An toàn Thực phẩm không phải ‘cây đũa thần’!
TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn Thực phẩm (ATTP) sau 6 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý Ban ATTP TP HCM, về mô hình hoạt động mới và những chiến lược bảo đảm ATTP tại TP trong thời gian tới.
– Thưa bà, Sở ATTP có khác gì so với Ban Quản lý ATTP hiện nay?
– Về mục tiêu, tiêu chí, nhiệm vụ thì sở và ban giống nhau – đều thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng quản lý ATTP, tham mưu tốt hơn cho UBND TP.HCM trong lĩnh vực được phân công nhằm mục tiêu chung làm cho người dân an toàn, an tâm khi sử dụng thực phẩm.
Điểm khác, sở là một thực thể đã có quy định trong luật còn ban là dạng thí điểm nên gặp một số vướng mắc về pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra. Chúng tôi đã làm tốt trong thời gian thí điểm nên mới được nâng lên sở.
Chúng tôi hy vọng mô hình sở được tháo gỡ về mặt pháp lý khi có quy định rõ ràng, dễ dàng áp dụng. Nhìn chung, mô hình sở yên tâm về pháp lý, thuận lợi trong áp dụng luật.
– Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm có bị xáo trộn gì về thủ tục khi nâng cấp từ Ban Quản lý ATTP trở thành Sở ATTP?
– Khi chuyển đổi mô hình, một vấn đề phải chấp nhận là các thủ tục hành chính, giấy tờ phải đổi tiêu đề, một loạt quyết định phải ban hành lại. Nhiều chương trình, kế hoạch của ban ban hành cũng phải làm lại.
HĐND thông qua Nghị quyết thành lập Sở ATTP ngày 19/9 nhưng mô hình Sở ATTP chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2024. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức cùng với các ngành các cấp làm sao cho ít xáo trộn nhất, đỡ mất thời gian, không ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Sở ATTP sẽ có những chương trình đột phá nào trong quản lý ATTP trong thời gian tới?
– Với mô hình ban đã thống nhất đầu mối quản lý ATTP từ 3 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế. Khi nâng cấp mô hình sở chúng tôi tiếp tục những thành quả mà ban đã đạt được là tập trung 2 nhánh: xây dựng thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn nhưng nâng cấp thành chương trình dài hơi, có chiều sâu hơn.
Khi ban được chuyển đổi sang mô hình sở, được sự công nhận của cấp trên, của cộng đồng, được giao nhiều quyền hơn để thực hiện mục tiêu sẽ giúp công tác bảo đảm ATTP hiệu quả hơn. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP không thể làm trong một sớm một chiều. Sẽ không có hình thức sở ban ngành nào là “cây đũa thần” giúp công tác bảo đảm ATTP được hoàn thiện 100% hay làm tất cả mọi người hài lòng được.
Bởi những khó khăn, thử thách trong công tác quản lý ATTP đã kéo dài nhiều năm như hoạt động sản xuất – kinh doanh còn manh mún; nhiều điều khoản trong luật còn có độ vênh, thậm chí là kẽ hở cũng như nhân lực và tài chính dành cho quản lý ATTP không dồi dào. Dù vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa trong điều kiện đã được trang bị để hoàn thành nhiệm vụ thông qua những tiêu chí cụ thể.
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thứ hai, lý tưởng nhất là không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nếu có sẽ giảm về số lượng, tính chất.
Thứ ba, tăng cường xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, nâng tiêu chuẩn thực phẩm. Mục tiêu là để người dân TP HCM nói riêng, cả nước nói chung được sử dụng thực phẩm tiêu chuẩn tương đương sản phẩm xuất khẩu. Không để tình trạng đồ tốt đem xuất khẩu, sản phẩm không đạt, của nhà trồng để lại cho thị trường nội địa.
Thứ tư, thông qua các số liệu kiểm nghiệm thực phẩm (giám sát hay thanh tra kiểm tra) các chỉ tiêu về ATTP, trong đó có độc tố phải nhiều hơn về số lượng mẫu và kết quả tốt hơn, giảm số mẫu vi phạm.
– Sau khi kiến nghị nhiều lần, đến nay ban mới được chấp thuận nâng cấp lên mô hình sở, bà có lời hứa gì với người dân TP.HCM trong công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới?
– Người ta thường nói, khôn ngoan thì không nên hứa gì cả! Tuy nhiên, chúng tôi đã hứa từ khi còn là ban đó là tập trung hết sức để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm ATTP và đến giờ vẫn tiếp tục thực hiện lời hứa.
Chúng tôi mong có sự đồng hành, thông cảm, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Nếu như chúng ta chỉ hô hào khẩu hiệu “ATTP, tôi cần thực phẩm an toàn” nhưng khi mua thực phẩm, sử dụng lại quên yếu tố an toàn, mua mọi lúc mọi nơi, không để ý tiêu chuẩn thì tiêu chí an toàn sẽ khó.
Không có lực lượng quản lý nào có thể làm thay bản thân mỗi người trong việc tự bảo vệ. Mỗi người dân tự bảo vệ mình về ATTP, ủng hộ thực phẩm sạch thì nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành hơn một nửa.
Tôi cũng lưu ý thêm, Sở ATTP cũng là thí điểm nhưng theo Nghị quyết 98 của Quốc hội – theo mô hình sở đã được quy định trong pháp lý, cao hơn một bậc so với Ban Quản lý ATTP chỉ là thí điểm theo quyết định của Thủ tướng. Do đó, chúng tôi phải rất nỗ lực trong thời gian tới chứ không phải yên tâm, dù như thế nào vẫn được tiếp tục hoạt động.
Chúng tôi cũng xin hẹn trong thời gian tới, khi tiến hành sơ kết, tổng kết mô hình qua các cột mốc nửa năm, 1 năm, 5 năm sẽ có sự so sánh bằng những thông số cụ thể để chứng minh cho lời hứa!
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này