10:01 - 25/07/2022
An toàn thực phẩm vẫn trong ‘vùng đỏ’
Báo cáo tổng kết sáu năm hoạt động thử nghiệm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra những con số rất đáng lo ngại.
Kết quả lấy mẫu kiểm tra hàng hóa và xét nghiệm nhanh ở ba chợ đầu mối tại TP.HCM cho thấy: gần 50% số mẫu rau quả và trái cây có dư lượng chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu), hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.
Với số mẫu hạn chế và xét nghiệm nhanh, tỷ lệ “bẩn” đã lên đến 40 – 50%. Như vậy, tình hình vệ sinh và an toàn thực phẩm ở thành phố vẫn đang trong “vùng đỏ”. “Việc đưa ra con số về tỉ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật là chúng tôi xác định không thể cứ mãi để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu, còn giải quyết”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, phát biểu.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện khoảng 70% nguồn cung thực phẩm hằng ngày cho TP.HCM là từ các chợ, trong đó chủ yếu là ba chợ chính. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức có lượng nông sản nhập về hiện bình quân 2.500 tấn/đêm, trong đó 80 – 90% có xuất xứ trong nước. Chợ đầu mối Hóc Môn bình quân 2.037 tấn/đêm gồm nông sản, thịt heo. Chợ Bình Điền gần 2.000 tấn/đêm, trong đó rau củ, trái cây chiếm 983 tấn, thủy hải sản 977 tấn.
Tuy vậy, số lượng mẫu hàng hóa được lấy kiểm tra tại ba chợ này và lò mổ hiện nay rất thấp so với lượng hàng bán ra. Mẫu được kiểm tra với phương pháp test nhanh. Và khi có kết quả kiểm tra thì có khi hàng đã được tiểu thương bán cho người tiêu dùng – theo ông Nguyễn Nhu, Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Từ các kết quả xét nghiệm nhanh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm gửi văn bản thông báo cho cơ sở được lấy mẫu có kết quả giám sát không đạt và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của cơ sở, đồng thời yêu cầu cơ sở có báo cáo giải trình. Bà Phong Lan nói rằng chỉ khi có kết quả xét nghiệm chuyên sâu thì mới có căn cứu để xử phát. “Test nhanh chỉ mang yếu tổ sàng lọc, chỉ có thể phát hiện các hoạt chất cơ bản”, bà phát biểu.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cơ quan không đủ khả năng, tiềm lực để kiểm tra tất cả hoặc test chuyên sâu liên tục, mà buộc phải sàng lọc theo dạng nhóm hàng nguy cơ cao, mùa vụ để cảnh báo.
Ngoài ra, xét nghiệm chuyên sâu mất nhiều ngày, có khi cả tuần mới cho kết quả. Thực phẩm tươi sống có thời gian sử dụng ngắn, nếu giữ hàng của tiểu thương mà bị hư hỏng và khi có kết quả mẫu không vi phạm thì cơ quan chức năng phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng. Nếu không giữ hàng nhưng kết quả dương tính thì việc làm xem như vô nghĩa bởi hàng đã được “giải cứu”. Nhiều lắm thì chỉ phạt nguội hoặc yêu cầu chủ hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, cảnh báo.
Bà Phong Lan cũng đề nghị sự hợp tác của các tỉnh trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành là nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói Ban Quản lý An toàn thực phẩm với sự phối hợp lực lượng của ba sở – gồm Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT – là bước đột phá hay điểm sáng của thành phố. Mô hình thí điểm đã chứng minh hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Ông đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Quỳnh Thảo (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Vũ Thế Thành: Chất béo trans, biết làm thế nào bây giờ?
Sùng Y Xía khao khát bảo tồn nghề dệt thổ cẩm
Nước mắm Đảo Cát Hải vị Hải Phòng
Vũ Thế Thành: Ôi thiu chưa chắc đã gây ngộ độc
Cẩn thận cho trẻ em ăn rau củ
Tags:an toàn thực phẩm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này