09:47 - 26/10/2022
Thư Paris: ‘Mái nhà của gạo’ trong lòng nước Pháp
Với 500 ha trồng lúa, La Maison du Riz sản xuất chủ yếu 3 loại gạo, gạo tròn – giống gạo để cuộn sushi, gạo dài lứt đỏ và gạo đen.
Bạn thân mến
Lần trước qua Pháp, mãi mê với những lâu đài vua chúa tráng lệ, hàng hiệu mùa sale và những phiên chợ quê nên chỉ có thể gọi là cưỡi ngựa xem hoa.
Lần này, ngay từ lúc soạn vali đã tính chuyện phải tới cho được vùng Camargue nổi tiếng với gạo và muối, cũng là nơi có dấu ấn của người Việt trong lịch sử trồng lúa nước của Pháp và cả câu chuyện buồn của những người lính thợ năm xưa.
Phúc là đứa cháu ngang hông định cư ở Pháp hơn 30 năm, chìu ý tôi, dành mấy ngày nghỉ phép “hành trình phương Nam”. Cũng may là nó nói thiệt tình là con dốt mấy chuyện trồng trọt nên dịp này phải đi coi cho biết.
Khởi hành vào buổi chiều, bỏ lại mùa Thu ướt lạnh phương Bắc hai cậu cháu chạy gần cả ngàn cây số từ Paris về miền Nam nắng ấm, vùng châu thổ sông Rhône. Địa chỉ là một trang trại sẵn lòng đón tiếp: La Maison du Riz.
Cái tên “Mái nhà Của Gạo” vừa mộc mạc vừa kiêu hãnh đã gợi tò mò khi chúng tôi tìm kiếm thông tin trên mạng để lấy hẹn. Phải hẹn, bởi bên Tây tối kỵ tới nhà đường đột. Đặt lịch và đúng giờ, kể cả khi bạn tới nhà bà con hay bạn bè. Mới đầu còn ngạc nhiên lẫn bực bội riết rồi cũng quen, lại thấy hay.
Biết chúng tôi là người Việt, cô Marine Rozière, chủ nhân La Maison du Riz tiếp đón niềm nở, khoe mẹ của cô từng thăm Việt Nam hơn chục năm trước, cái thời phải qua phà mới tới Cần Thơ và bà rất thích Mekong Delta vì na ná Rhône Delta của bà. Marine kể dòng họ của cô nhiều đời canh tác lúa ở vùng này. Ba của cô là người tạo dựng nên La Maison du Riz vào năm 2015, là mô hình đón tiếp khách tham quan đầu tiên của vùng lúa nước Camargue.
Với 500 ha trồng lúa, La Maison du Riz sản xuất chủ yếu 3 loại gạo, gạo tròn – giống gạo để cuộn sushi, gạo dài lứt đỏ và gạo đen. Ngoài không gian chung gồm cửa hàng và một phòng trưng bày hình ảnh hiện vật kiểu bảo tàng lịch sử canh tác lúa, còn có 5 ngôi nhà nghỉ biệt lập dạng homestay.
Mỗi năm, La Maison du Riz làm một vụ lúa, trải dài suốt ba mùa. Cuối mùa Xuân chuẩn bị đất, nước; tháng 5 gieo tháng 10 gặt. Lúc chúng tôi tới, những cánh đồng lúa mênh mông đang mùa thu hoạch. Mùa Thu- nhuộm vàng lá úa thì lúa chín cũng nghiêng ngã một màu vàng óng ánh.
Quen ở miền Tây kinh rạch chằng chịt, qua tới Pháp thấy sông vừa ít vừa nhỏ, ít nhánh chi lưu, chỉ có đầm lầy, nên nước ngọt được dẫn vô đồng để canh tác bằng kinh đào và mương nổi xây xi măng, không khác mấy so với hệ thống thuỷ lợi ở những vùng trồng lúa miền Trung Việt Nam.
Marine giải thích qui trình canh tác lúa, chế biến gạo, với giọng điệu thoải mái, tự tin. Cô mở đầu rằng trồng lúa là một chuỗi công việc diễn ra quanh năm, và nhiều thế hệ nhà cô đã làm, không chỉ vì sinh kế mà còn với niềm đam mê.
Một hệ thống xay xát hoàn chỉnh thu nhỏ đặt trên bàn tưởng là mô hình minh hoạ ai dè vận hành rất êm khi Marine cho lúa vô đầu này, máy chạy ra gạo đầu kia. Những trang trại quanh vùng, trong hợp tác xã, vẫn đo tỷ lệ tấm cám gạo của mình bằng chính cái máy nhỏ này, “made in Italia” sản xuất năm 1950, nhãn hiệu Meccanica Guidetti & Artiali Vercelli.
Marine vừa điều khiển máy vừa giải thích cho khách tham quan. Giá như những đứa trẻ thành thị quê mình ( và ngay cả người lớn nữa) được nhìn thấy để hiểu thiệt nhanh hột gạo được làm ra thế nào, tôi thầm ước.
Phúc chăm chú nghe, nhìn một hồi rồi nói “Ăn gạo 48 năm, giờ mới hiểu, chỉ trong 10 phút”. Tôi bỗng nhớ không gian lúa mùa của ông bạn Tư Việt ở làng Cù Là – Kiên Giang với lần trình diễn thu hoạch lúa, giã gạo, nấu cơm… vừa hoài niệm vừa vỡ lòng kiến thức trồng lúa ăn cơm của cha ông ngày xưa. Văn hoá lúa nước Đông – Tây khá giống nhau.
Ở khắp nước Pháp, tôi thấy cửa hàng ở những điểm tham quan là chỗ giữ chân khách và “móc túi” một cách chuyên nghiệp và tinh tế. La Maison du Riz bán các sản phẩm từ trang trại và của các hộ dân quanh vùng. Đủ thứ sản vật địa phương, từ gạo, muối, phô mai, xúc xích cho tới bia gạo, rượu gạo, xà bông gạo và cả mỹ phẩm gạo… mà tôi chắc là khách viếng thăm sẽ mua, như tôi, dù giá không rẻ.
Cuối buổi viếng thăm, Marine đồng ý chụp chung một tấm hình rồi tặng tôi bó bông lúa làm kỷ niệm với lời hứa hẹn sẽ tới thăm Mekong Delta một ngày gần đây.
Sau tôi là một nhóm khách khác, đúng hẹn. Điều làm tôi suy nghĩ suốt trên đường về là một trang trại kết hợp du lịch như La Maison du Riz, sao họ làm hết sức nhẹ nhõm thong dong mà vẫn chuyên nghiệp. Tiếp khách, thuyết trình, bán hàng, chỉ với một mình Marine.
Hẹn thư sau, bạn nhé.
Paris, tháng 10/2022
Đỗ Khuê (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này