
12:06 - 10/09/2017
Su Tong Pae, chuyện chiếc cầu đã gãy
Thiệt lạ, ở cái cái miệt hóc bà tó miền Tây Bắc xứ Thái, tôi lại nhớ miết những câu ca mến thương quá của ngày xưa cũ quê nhà, “hỏi rằng ai nâng niu mấy nhịp cầu tre…”
Mae Hong Son miền biên viễn Thái – Miến ôm ấp nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Đã mấy lần lang thang, tôi lại ngược cung đường hơn 2.000 đèo dốc lẫn khúc cua lớn nhỏ quanh co tìm đến khi tình cờ đọc, thấy hình ảnh cầu tre Su Tong Pae. Ngày sắp đi, ngỡ ngàng khi biết cầu vừa gãy, nhưng vẫn quyết chí lên đường. Để rồi vô cùng thú vị với chuyến viếng thăm cây cầu đã gãy.
“Ai đem bắc nhịp cầu tre…”
Miền biên ải, sâu tít trong những cánh rừng Tây Bắc, Mae Hong Son được vinh danh “miền hạnh phúc nhất Thái Lan” qua khảo sát năm 2013. Không là phố thị phồn hoa như Bangkok hay các miền du lịch lừng danh Phuket, Chiang Mai… phố thị bán buôn đông đúc Khon Kaen, Udon Thani… miệt sơn cước còn khá hoang sơ. Bù lại, giàu lịch sử, đa văn hoá với nhiều dân tộc cùng chung sống.
Từng thuộc Myanmar cho đến ngày Thoả thuận biên giới Anh Xiêm 1892 – 1893 dùng dòng Nộ Giang (còn gọi Salween, Salawin, Thanlwin) làm biên giới tự nhiên, Mae Hong Son mới về hẳn đất Chùa Vàng. Nên ngoài các sắc dân Miến như Karen, Yai… còn có nhiều dân tộc thiểu số Thái chung sống hiền hoà. Đa dạng sắc tộc, văn hoá, nhưng chung một tôn giáo. Sắc chùa Miến cạnh tranh màu chùa Thái, dáng chùa Hoa… Phật giáo là tôn giáo chính ở đây. Cũng là lý do cầu tre dài nhất xứ Thái ra đời. Rất lạ, vì cây cầu dài hơn 500m dù chỉ ngang qua dòng sông bề rộng vài mét.
Chuyện là làng Kung Mai Saak cạnh dòng Mae Sa Nga chảy dưới chân ngọn đồi có chùa Wat Phu Sa Ma toạ lạc. Băng qua cánh đồng ven làng kề sông, các tăng sư đi khất thực mỗi sáng cũng như người thôn xóm đi chùa đơm lễ dâng hương. Tạo điều kiện cho các sư cũng như dân làng nhất là những ngày mưa lũ sình lầy ngập lụt, dân làng đã dựng cây cầu tre thâm thấp nối từ xóm gò tới chân đồi. Vắt qua đồng, ngang sông. Nên dù bắc qua Mae Sa Nga nhỏ xíu, Su Tong Pae lại là cầu tre dài nhất xứ Thái. Giờ cũng nổi tiếng kha khá khi đã lên phim, truyền hình ở bển như Sunset over Burma… Nên kẻ ham vui từ nước Việt xa ngái cũng lò dò tìm tới.
“Hỏi rằng ai nâng niu mấy nhịp cầu tre…”
Tôi lang thang đợt đó cuối mùa An cư kiết hạ hội hè triền miên đất Thái. Đó cũng là lý do cầu gãy! Đông người tập trung trên cầu làm lễ, cùng với sức nước mấy ngày mưa lũ dữ dội trên thượng nguồn đã làm cầu khuỵ ngã đoạn ngang Mae Sa Nga. Đến nơi, thuê xe máy hỏi đường, cô chủ hỏi ngay biết cầu gãy chưa mà vẫn đi, rồi tận tình chỉ.
Canh đồng hồ xe hơn 8km mà chẳng thấy bóng dáng cầu, vội tấp quán bên đường hoa tay múa chân “Su Tong Pae”. Cậu thiếu niên chắc con dì chủ đang xớ rớ, quay qua nói với mẹ đôi lời rồi lận dao, búa quầy quả dắt xe. Dù biết người quê rất hiền, vẫn ơn ớn khi dì khoát tay kêu chạy theo cậu trai trên con đường rừng vắng hoe hoét. Nhưng máu liều nổi lên, tôi phóng theo. Chỉ thở phào khi bóng cầu tre thấp thoáng với đông đúc người loay hoay cắt đục vác khiêng. Cậu em cười chào thiệt hiền, không đợi cảm ơn ùa vào lôi dao, búa ra cắt nứa, đục tre. Thì ra vậy!!!
Hôm đó cầu gãy đã hai ngày. Có cầu tạm và những pô hình Su Tong Pae vẫn rạng ngời. Ăn gian mấy góc che đoạn cầu đổ hay lên đồi cao với toàn cảnh cầu mong manh chỗ gãy bé xíu đều đẹp. Cầu lát tre nứa đập giập cao chừng mét vươn xâm xấp trên đồng xanh lúa con gái mượt mà, băng qua Mae Sa Nga vẫn cuồn cuộn, xóm làng hiền hoà, núi đồi nhấp nhô tô điểm, chùa dáng Miến vuông vắn thanh thoát nhấn nhá… đẹp thanh bình.
Nhưng, nét đẹp lạ may mắn mà những đợt viếng thăm khác không thể có là cảnh nhộn nhịp rộn ràng sửa cầu. Từ áo quần đồng bào miền cao nhiều sắc pha với màu quân phục các anh lính trẻ, sắc cà sa chững chạc, nét bắng nhắng lũ con nít cũng lăng xăng cùng các chú tiểu chưa hết duyên trần tục con trẻ… Tình quân dân cá nước, nét đẹp đạo tốt đời, lòng yêu nước thương quê… mồn một qua bức hoạ đồng quê ngày chung tay vì cây cầu gãy.
Nhiều ham hố, tôi chia tay Su Tong Pae lang bang tiếp. Chiều trên đường về lại rẽ vô chia tay với dự định ngắm hoàng hôn trên cầu tre, đồng xanh. Ngỡ ngàng thấy cầu mới đã nối đôi bờ, chỉ còn đoạn nối với đầu cầu cũ chờ mai lát phên. Lũ trẻ quê cùng mấy chú tiểu tíu tít nghịch đùa rồi ì ùm xuống dòng xanh. Trên đường vui về phố, cứ mãi ngâm nga câu ca ngày thương yêu cũ quê nhà “hỏi rằng ai nâng niu mấy nhịp cầu tre…”.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này