09:32 - 08/10/2017
Sapa dưới những dấu giày
Xứ “thiên đường” mang tên Sapa những ngày cuối tháng 9 bỗng dưng đông khách lạ thường. Là do cuộc thi Vietnam Marathon Mountain 2017 (viết tắt là VMM 2017).
Nhờ vậy mà Sapa chật chội hơn và… dơ hơn. Nhiều người thề không bao giờ tham gia VMM nữa, chỉ vì mảnh đất này đã hết quyến rũ, như một “bà cô nạ dòng”!
Bụi và nóng!
14 năm trước, lần đầu tôi đặt chân đến với Sapa. Cũng chừng cuối tháng 9. Vậy mà, vừa rời khỏi thị xã (từ năm 2014 đã lên thành phố) Lào Cai, đã bắt đầu thấy lạnh đến run người, phải tròng thêm chiếc áo khoác dày mới yên thân. Còn sương, cứ là đà mặt đường. Mới 3 giờ chiều mà tài xế phải bật đèn để chạy. Khi đến Sapa mới thấm cái lạnh như Pleiku 30 năm trước. Phải thêm áo, thêm khăn choàng cổ, mua vội cái mũ len trùm đầu, dạo chợ đêm ăn gà đen (còn gọi là gà H’mông), hột gà nướng… Phố xá Sapa ngày ấy chưa rực rỡ ánh đèn như bây giờ, nhưng lại đẹp theo kiểu hoang dã của một phố thị miền sơn cước.
Nhưng từ khi khách du lịch đến nhiều, Sapa bầy hầy hơn, nhiều khói bụi, nhiều tiếng người, tiếng nhạc… Những con đường cày xới để làm mới không biết đã bao năm rồi mà vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Nên người và xe chen nhau đi. Mạnh ai nấy chạy. Vương Thuấn, gốc miền Trung, sống ở Sài Gòn, có chút danh phận trong làng thơ thẩn miền Nam, lần đầu đến Sapa, sau một đêm lòng vòng chẹp miệng thiệt dài, rồi buông lời: “Không nghĩ Sapa rách nát như vậy”! Nói về Sapa hôm nay, anh tài xế chuyên đưa đón khách du lịch theo đoàn tuyến Hà Nội – Sapa, ví von: “Sapa như một cửa hàng tạp hoá quê, đụng đâu bày đó”.
Còn nói chuyện ăn, đúng là nỗi khổ cho những ai muốn khám phá những giá trị riêng của ẩm thực miền Tây Bắc. Đâu còn cảnh quây bên bếp lửa than để ăn món gà H’mông nướng, hay cố mà nuốt tô thắng cố có mùi ngai ngái, thum thủm… Món thắng cố bây giờ sạch hơn, không còn mùi đặc trưng nhưng như món càri dê ở miền Nam! Ăn ngoài thì sợ mất vệ sinh và toàn là thứ đem từ Tàu sang. Còn ăn trong nhà hàng thì không khác gì ăn ở Hà Nội hay Sài Gòn, với mùi vị còn thua xa lơ xa lắc…
Sapa có nhiều khách sạn to hơn, tiện nghi hơn nhưng để xứng đáng với danh xưng “thiên đường nghỉ dưỡng”, còn thiếu cái đầu và bàn tay của một kiến trúc sư trưởng có tầm và có tâm.
Dưới những dấu giày
Theo người dân Sapa, cuộc thi VMM ngày càng thu hút khách tham gia và khách đi… cổ vũ! Như năm nay, có khoảng 2.500 người tham gia ngoài Việt Nam, còn hơn 40 quốc gia khác trên thế giới như Brazil, Hoa Kỳ, Canada…, chưa kể lượng “cổ vũ viên” tương đương với người tham gia chạy.
8h, ai đăng ký tham dự cự ly 21km, trong đó có tôi, tập trung tại nhà thờ Đá. Chẳng thấy sương mù. Nóng. Mồ hôi túa ra. 8h15 phút xe bắt đầu chạy, ngoằn ngoèo qua những con dốc của Sapa, độ 15 phút thì đến điểm xuất phát của cự ly 21km, theo như sơ đồ của ban tổ chức, với độ cao gần 1.300m (so với mực nước biển). 7km đầu là đoạn đường lên núi, có độ cao 300m so với điểm xuất phát. Vậy mà mệt nhưng, do còn sung sức nên nhiều khách tham gia vừa chạy lúp xúp, vừa chụp hình. Những bản làng của người Dao, người H’mông trông nghèo nàn, tơi tả. Vẫn còn đó những thửa ruộng bậc thang nhưng có miếng đã gặt xong, có thửa ruộng còn xanh. Có chút gì đó tiêng tiếc.
Trên quãng đường chạy, tôi bắt gặp những đứa trẻ đen đúa, ngơ ngác nhìn đoàn người với sắc màu xanh – vàng – đỏ – tím, ào qua trước mặt. Có người dừng lại chụp hình những đứa trẻ tội nghiệp. Chúng chìa bàn tay nói tiếng Việt lơ lớ: “cho tiền, cho kẹo, cho bánh…” Có người dừng lại cho chúng vài viên kẹo sâm dành để ngậm có sức trên đường chạy. Mang theo mấy thanh bánh tăng lực, tôi cho chúng ba thanh, còn dành cho mình hai thanh để lót bụng lấy sức, vì đoạn đường còn quá xa… Có đứa cúi đầu biết nói: cảm ơn.
Đến điểm nghỉ thứ hai (chỉ còn cách đích 7km), ăn vội hai trái chuối già hương, hỏi ban tổ chức, mới biết đây là “quãng đường tử thần” khi phải leo lên đỉnh Silverstone độ cao 300m với những con dốc “theo chiều thẳng đứng”. Những đứa trẻ người Dao biết cách kiếm tiền khi bán những cây gậy bằng trúc đá với giá 10.000 đồng. Vậy mà hay, không chỉ rẻ mà những cây gậy trúc rất dẻo, có thể chịu lực với người quá khổ (90kg trở lên).
5km cuối cùng là đoạn đường xuống núi. Lên núi “số” nào, xuống núi “số” đó. Tưởng xuống dễ nhưng không ít người lê chẳng nổi đôi chân. Gần tám tiếng đồng hồ thử lửa chính mình, nhìn thấy điểm đến trước mặt mà cố lê chân… Sớm hơn quy định 12 phút.
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tham gia cuộc chơi VMM. Và cũng là lần cuối cùng đến với Sapa. Có lẽ vậy…
bài, ảnh Song Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này