15:13 - 03/11/2016
Loài cá ngon tên nghe quen
Có một món cá bè ngon nổi tiếng ở những thành phố như Đà Nẵng và Hội An với cái tên khó nghe: cá bè cu, còn được gọi tắt là cá cu.
Tên nó làm tôi nhớ đến ông hàng xóm trùng tên với cá, lúc nhỏ ai gọi cũng không sao. Lớn lên, ông luôn năn nỉ mọi người gọi ông là Cư. Cá chắc sẽ chẳng mắc cỡ như ông hàng xóm nọ nên gọi chắc hổng sao…
Chuyến đi Hội An vừa rồi, lúc lang thang qua các hàng quán dọc theo con đường Lý Thường Kiệt, một bên kia đường là cánh đồng Sơn Phô đã gặt còn trơ lúa chét với đàn cò trắng điểm xuyết giữa màu xanh, chúng tôi tình cờ vào quán Đại Nam Phố vì những ngọn gió đồng thật quyến rũ thổi vào.
Tình cờ gọi cái lẩu cá bè cu. Mấy ông bạn đi cùng lần đầu tiên được thưởng thức món cá cu nổi tiếng xứ này. Lại được thưởng thức ở cái xứ giá cả thật tử tế: 20.000 đồng/lạng cá và bia Tiger lạnh chỉ 14.000 đồng/chai.
Con cá này giông giống cá ngừ, nhưng mình dẹp hơn, thịt trắng muốt như da thịt nàng Bạch Tuyết được miêu tả trong cổ tích. Nhưng cái tên cá lại khiến ta khó mà so nó với phụ nữ.
Kể cả tên cá bè trong tiếng Anh là queenfish – cá nữ hoàng. Cá thịt ngon –dai và thơm – vậy mà chiều cuối tháng 10/2016, quán chỉ còn có ba lạng… Nên đành tiu nghỉu đổi sang cá đuối.
Sự hụt hẫng này cũng giống như bà Jacqueline đang làm vợ tổng thống lại tục huyền với tay lái buôn cù lao. Sự “đổi giường” vô thường giữa lên voi và xuống chó.
Đã vậy, cá còn được nấu với các loại rau mùi của cái xứ Hội An vốn khét tiếng về rau, nấu với ớt Quảng Nam cũng vô song nổi tiếng về vị thơm và độ cay dịu dịu dàng dàng.
Cái ngon ập đến một lúc với nhiều “đồ chơi” như vậy sẽ ở lại lâu dài trong ký ức, nhất là ký ức của những người ăn vỡ lòng món đặc sản miền Trung ở Sài Gòn khó mà có.
Cá bè có nhiều loại nào là bè chim, bè chang, bè lão, bè xước, bè cam, bè khế, bè quỵt, bè diễn, chẳng biết bè cu thuộc queenfish nào. Nhưng ngon có số má trong hàng cá bè. Chị Minh Hiền, một đồng nghiệp đã quá vãng, mỗi khi nhắc tới Đà Nẵng đều nhắc tới cá cu.
Nên hôm từ Hội An ra lại Đà Nẵng, chúng tôi lại tiếp tục thoả mãn sự thương nhớ cái ngon của cá cu bằng món canh chua cá cu nấu khế ở nhà hàng Mỹ Hạnh trên đường Võ Nguyên Giáp. Ăn giữa tiếng sóng vỗ ì oạp và gió biển lồng lộng. Nhìn xa xa dáng tượng Phật Bà vươn cao trên núi Ngũ Hành.
Cô phục vụ tên Thuỷ khi nghe gọi món cá bè cu bèn nhanh miệng nói quán “không có coá bè cu”. Phải đến khi nghe gọi tắt là cá cu cô mới xác nhận là quán “có coá cu”. Thiệt là kém cỏi cái trí lự của phục vụ.
Lát cá bữa trưa hôm thứ bảy chỉ to bằng ba ngón tay, chưa đủ độ dai và ngon nổi tiếng đối với loài cá nữ hoàng này. Khế cũng cho vị chua không hạp với món cá cho lắm. Nhưng dẫu sao miếng cá chua chua ấy chấm với mắm – được dặn phải là mắm Nam Ô – ăn đậm đà làm sao.
Người Đà Nẵng còn tôn vinh món cá cu nấu cháo. Có người còn phong cho nó xước hiệu “đệ nhất cháo”. Những ngày mưa sụt sùi miền Trung mà sì sụp với tô cháo cá nóng, với hành nén và tiêu, có lẽ chẳng còn cái ngon nào “gato” (1) cho nổi. Kể cả tô cháo hành bà Nở nấu cho ông Chí.
Ông bạn địa phương còn bày đưa cay bằng món rượu nổi tiếng Kim Long ở Quảng Trị do chính tay ông ngâm với nấm lim xanh. Cái mùi của nấm gỗ làm ta dễ liên tưởng tới những thứ rượu single malt (2) của Tây ủ trong thùng gỗ sồi.
Nói cho bằng hết, còn phải kể đến món cá cu hấp với sả bằm và ớt. Muốn tận hưởng cho bằng trọn vẹn cái ngon, cá phải được hấp tại bàn, để lúc nước sôi đủ độ nóng, mùi sả xông lên nồng mũi.
Cá hấp cuốn bánh tráng và rau sống, chấm nước mắm ngon, sẽ khó mà dặn lòng bữa nào phải quay lại Đà Nẵng thôi.
bài, ảnh Ngữ Yên
Theo TGTT
(1) ghen ăn tức ở.
(2) chỉ ủ bằng lúa mạch.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này