13:15 - 22/12/2019
‘Lậu’ đò từ Malaysia qua Thái
Hồi đó hải quan cho phép đò cá, tàu hàng chở khách qua lại hai cảng biên giới đó, đóng dấu hộ chiếu rõ ràng… nên khách không phải đi lậu. Nhưng gọi vậy vì hàng hoá trên đò không hợp pháp và rất ớn lạnh!
Dự định chu du đường bộ và thuỷ từ Sài Gòn đi Nam Đảo xuyên tết của tôi tan tành ở Melaka. Ngay lúc đang tần ngần trước quầy vé cảng để mua vé phà qua Damai, Indonesia nhận tin nhắn hỏi chừng nào về để ở nhà cúng tất niên. Đã quyết định về, vẫn lần khân dừng đây đó. Từ Georgetown, Penang thay vì thẳng qua Thái, tôi đi Alor Setar, chuyển xe đi Kangar, nhảy taxi tới Kuala Perlis – có xe đi thẳng nhưng hụt giờ nên phải nhảy cóc. Ban đầu tính lên phà đi Langkawi chơi rồi mới qua Satun xứ Chùa Vàng. Lấn cấn mấy bận xe trễ trờ trễ trật, tới Kuala Perlis đứng trên bến một hồi tôi quẹo ngược ra cảng cá. Không đi Langkawi nữa dù phà chạy tới 7 giờ đêm. Phần bị kêu về nhà tới tấp, phần nghe dân mạng đồn thổi là đi tàu dân từ Kuala Perlis qua Satun vừa lý thú vừa rẻ. Nên quyết vậy, để rồi vừa thú vị vừa ớn óc!
Trên cảng cá, quơ tay múa chân một hồi tôi được dắt lên con đò nhỏ chở hàng, hướng Thái Lan thẳng tiến. Đò chỉ ba người, một tài công một tài phụ và một giang hồ vặt. Khách cũng không được ngồi ngoài – vì nào có chỗ, mà trong mui trùm bạt kín mít chất đầy các thùng hàng mà mới bước xuống bị xộc mùi xăng dầu. Hồi đó giá xăng Malaysia rẻ hơn bên Thái rất nhiều, nên có vụ này, như đợt miền Tây mình xăng “chảy” qua Cam vậy. Hay ho như chúng bạn đồn chẳng thấy, ngồi tum húm trong mui, trên con tàu nhỏ tròng trành, hôi rình xăng đó thấy thời gian như vô tận, cứ mong sao cập bến. Hỏi thử ngồi trên con tàu chở đầy nhiên liệu, còn bị trùm trong tấm bạt kín mít không biết bên ngoài đang có chuyện gì, tàu đang đi tới đâu thì có muốn gì hơn! Nhưng khi được giở tấm phủ, bước ra ngoài hít căng gió đại dương lồng lộng là tỉnh như sáo liền, còn cười thầm vì có thêm chuyện ly kỳ để “cưa bom”.
Đã hết đâu, còn thêm vài chuyện vui nữa, làm tôi càng khoái chí cái hành trình ta bà ngẫu hứng đó. Xe cộ ở cảng Tammalang, Satun chủ yếu đón khách phà từ Langkawi qua, mà chuyến cuối tới đã lâu. Xong thủ tục nhập cảnh, bước khỏi đồn thấy hơi teo khi hẻo bóng tuktuk, sỏngthẻo. Thấy chiếc tuktuk tuốt ngoài cổng, tôi tới hỏi liền bị hét giá trên trời. Xốc ba lô, quyết định cuốc bộ, vì 12km chớ mấy, cũng đâu phải chưa từng. Được mấy bước, chiếc xe máy đậu kịt, cậu trẻ miệt biển đen thui lấy tay chỉ chỉ cái yên sau. Biết là được cho đi nhờ, tôi leo lên. Xe phi như bay trong im lặng vì bất đồng ngôn ngữ. Về tới phố, cậu tử tế chạy vô trung tâm mới dừng. Leo xuống, chưa kịp nói câu cảm ơn là cậu đã vọt như tên.
Phố nhỏ Satun lại là ân sủng được ban thêm. Nằm cực nam Thái giáp Malaysia, nhiều giáo dân Islam… cứ tưởng gặp bốt đồn, rào kẽm gai giăng mắc, lính tráng hầm hố, bom đạn ì đùng… như hồi bên Pattani, Narathiwat… Nào ngờ rậm rì xanh mát, vắng vẻ, dân tình hiền hoà, hỏi gì cũng nhiệt tình giúp – ngay khi không biết!? Quyết luôn không đi xe tối lên Bangkok, tôi dừng lại, để có đêm nồng nàn lắm Satun. Dù chỉ ngăn ngắn vì phố yên vắng ngủ rất sớm, cũng may để tôi giữ sức tiếp tục lên đường chạy về nhà kịp tết.
Ra đi, vẫn thầm hứa một ngày về chơi. Nhưng giang hồ mạng nói hải quan giờ cấm tàu cá, tàu hàng chở khách qua biển biên giới nữa. Thay bằng xe minivan tiện lợi. Muốn đi đường biển phải từ Kuala Perlis phải qua Langkawi, từ đó đi tiếp tới Satun, bằng phà lớn hiện đại. Nên hành trình đi đò “lậu” kể lể này giờ chỉ là dĩ vãng hay đẹp không thể trở lại – như nhiều thứ khác trong đời!
bài và ảnh Thái Hoãn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này