
17:42 - 30/12/2016
Lặng lẽ chiều sông biên giới
Dòng Panj cuồn cuộn sóng. Afghanistan bên kia bờ. Tôi bên này, làng xưa Ishkashim miền quê Tajikistan ngày thu phong sương.
Xa lắm phía hạ nguồn loáng thoáng chiếc cầu biên giới – nhưng không có ai đến bên tôi chiều đó khi nắng đã phai, cũng chẳng có dáng huyền nào đền duyên mơ…* Chỉ mình tôi với tôi – như vẫn.
Từ Kyrgyzstan ngang qua biên giới Tajikistan, theo xa lộ Pamirs thênh thang lưng chừng trời tôi đến phố núi Khorog. Một thân một mình, chờ hoài vẫn không có khách để tham gia chung vào các cung đường du lịch, chia sẻ chi phí, tôi chen chân với người dân bản xứ leo lên chiếc xe cọc cạch, lội qua nước lũ cuồn cuộn ngày Tajikistan đang ngập lụt ngược về Ishkashim, ngôi làng xưa êm đềm với những di tích xưa cũ, như pháo đài Khaakha có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên (CN), bảo tháp Phật giáo Vrang có từ thế kỷ 4 CN… trên miền đất giờ tôn giáo chính là Hồi giáo này.
Lang thang theo Con đường tơ lụa miệt Trung Á
Ishkashim nằm trong hành lang Wakhan, được nhắc đến trong những hành trình của con đường tơ lụa ngày xưa cũ. Doi đất hẹp nằm trong thung lũng chạy dài giữa những dãy núi cao nối nhau ngút ngàn Pamirs và Karakoram – một nhánh lớn của Himalaya, xa lạ với người Việt nhưng khá nổi tiếng thế giới.
Nói riêng tí, Karakoram sở hữu đỉnh K2 cao thứ nhì thế giới nhưng được xem là khó chinh phục và nguy hiểm hơn Everest. Những vó ngựa viễn chinh của đại đế Alexander từ thế kỷ 3 trước CN, của Thành Cát Tư Hãn… đều từng ngang đây.
Tương truyền rằng nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo cũng đã từng đến. Còn những ai quan tâm đến lịch sử cận đại đều biết đến “Great Game” lừng danh – cuộc tranh chấp chiến lược giành lấy quyền lực ở vùng Trung Á giữa hai đế quốc Anh – Nga trong thế kỷ 19 cũng diễn ra tại hành lang Wakhan này.
Cổ xưa, lừng danh là vậy, nhưng chiến cuộc liên miên của xứ láng giềng Afghanistan, nội chiến trong nước, những khó khăn từ sau khi không còn dựa vào Liên Xô nữa… khiến làng nhỏ khá vắng vẻ.
Tuy nhiên, sự thân thiện nổi tiếng của người Trung Á nói chung và của Ishkashim nói riêng đã níu chân khá nhiều du khách Âu Mỹ ở đây, dù chỉ loanh quanh ngắm núi ngó sông, chơi đùa cùng lũ con nít. Các di tích xưa cổ nằm khá xa làng, xe cộ đường đất khó khăn nên mãi đến hôm trước khi chia tay làng tôi mới đi ké xe ghé thăm luôn một lượt.
Cũng không may, ghé Ishkashim mấy ngày lại không trúng thứ bảy nên lỡ mất dịp ngó nghiêng chợ trời biên giới được thiên hạ khen lấy khen để. Nhờ vậy lại có nhiều thời gian lang thang trên đường xanh ngắt bóng bạch dương vắng tênh mơ mòng về đường tơ lụa đông vui ngày cũ.
Thích sao những khi ghé thăm chợ quê mùa thu hoạch trái cây ngon ngọt rẻ không ngờ của xứ này. Yêu sao những khi băng qua những cánh đồng mùa thu, mang theo sách, theo bia – rất khác các xứ Hồi giáo khác món này rất phổ biến ở đây, để ra sông ngóng núi.
Mơ một ngày sang sông
Vì bên kia sông là núi già. Vì bên kia sông là Afghanistan, mà tôi không nghĩ lại gần đến thế miền đất vẫn đau đáu một lần đến, dù duyên may thì chưa. Chẳng hiểu sao, xứ sở đó có sức hút rất lạ kỳ. Mê mẩn với những “Người đua diều”, “Ông hàng sách ở Kabul”, “Ngàn ánh mặt trời rực rỡ”… tôi luôn mong ngày đặt chân lên đất nước nhiều khắc nghiệt, lắm hiểm nguy… nhưng cũng hấp dẫn lạ lùng với những di tích văn hoá cổ xưa, thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ – theo những gì đọc được. Nhưng mãi đến lúc Afghanistan chỉ ngay bên kia sông, tôi vẫn chưa đến được. Nên, chiều sông biên giới tôi đau đáu nhìn sang.
Dòng Panj, biên giới tự nhiên giữa Tajikistan và Afghanistan đoạn này hẹp đến không ngờ, nên Afghanistan cũng gần đến không ngờ. Ngỡ như vươn tay là chạm được vậy. Ôm sát sông, dãy Hindu Kush sở hữu nhiều ngọn cao hơn 7.000m, dù kiêu hãnh trắng xoá tuyết băng vĩnh cửu vẫn không thể soi bóng xuống dòng nước đục ngầu phù sa ngày mưa lũ đang cuồn cuộn.
Vài đồng nương lưa thưa nằm trong những bờ tường đá hay đất, xám lạ lẫm ôm mấy mảng xanh hiếm hoi trên triền núi đá. Khác hẳn bên này sông tôi ngồi, những đồng lúa, đồng cỏ chớm thu còn xanh ngắt hay nhuốm vàng, những dãy núi hùng vĩ bên kia màu tối chủ đạo, trơ trọi cỏ cây làm xám luôn cả hồn người viễn xứ chiều đó.
Tôi chia tay bến sông khi gió đã buốt, chiều nghiêng đã lắm. Núi đồi bên kia, trên con đường mòn mỏng tênh như sợi chỉ vắt vẻo treo lửng lơ sườn núi, mấy người dân quê Afghanistan chắc cũng đang về nhà, lững thững đi cùng mấy con lừa thồ nặng chầm chậm bước dần xa. Như chìm vào bóng hoàng hôn. Như mang theo cả hồn ai!
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
——————————————-
* Mượn ý bài Bên cầu biên giới của nhạc sĩ Phạm Duy.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này