
11:54 - 01/12/2018
Kashgar, ngày vui chợ phiên Zengi
Bữa chợ đó thiệt vui khi được hoà vào cuộc sống còn đậm chất xưa. Cứ tí ta tí tởn lê la. Khó có thể quên cái phiên chợ thú vị miền biên viễn Tân Cương xa xôi đó.
Đợt trước tới Tân Cương tôi vội quá chưa kịp ghé Kashgar. Quay lại từ Kyrgyzstan, do phải cõng ba lô lúp xúp chạy bộ trên con đường dốc không bóng người xe dài mấy cây số để kịp giờ làm thủ tục (nhưng rồi cũng bị trễ phải kẹt lại một đêm biên giới) ở cửa khẩu cũng là con đèo Irkeshtam cao 2.950m lạnh buốt, tôi đổ bệnh.
Quyết định dừng chân Kashgar nghỉ ngơi và thăm thú.Đang mệt, vẫn tò mò khi nghe tán chuyện mấy cái chợ phiên. Quyết định leo buýt đi Zengi trước vì chợ kia chủ yếu mua bán gia súc mà bữa trước bên Karakol đã lê la chợ phiên Livestock Market lớn nhất nhì Trung Á. Ham đi sớm, bị hố hàng vì chợ chưa nhóm. Bù lại, được tưởng thưởng buổi mai vắng yên phố xưa lung linh soi bóng bên dòng Tuman lững lờ mùa nước cạn.
Lung linh Ca Thập soi bóng Thổ Mạn Hà
Thuộc Tân Cương (Xinjiang), thành Ca Thập (Kashgar) nằm trên Con đường tơ lụa mà xứ bển gần đây cố phục dựng đường đất lẫn tiếng thơm cũ. Nên dễ hiểu khi chợ xưa làm lại to đùng.Nhưng chẳng biết vì tính thậm xưng quen thuộc hay do qua nhiều giai đoạn, thời đại mà cái tên thôi cũng khá rắc rối khi tìm thông tin, cách đi đứng. Dân bản địa gọi là chợ Zengi (Yengi), hay Grand Bazaar. Tới Sunday Market, Sunday Bazaar là bắt đầu trúc trắc vì chợ mở suốt bảy ngày, dù cuối tuần đương nhiên đông. Tới cái bảng hiệu chính thức Central & West Asia International Grand Bazaar (tạm dịch Đại thị Quốc tế của Trung Á và Tây Á) thì bó tay.Vì mới từ Trung Á về cũng đã thấy sai sai, nói gì tới Tây Á thênh thang.
Bon chen tới sớm, chợ vắng hoe hoét dù đúng ngày nghỉ của Chúa. Quầy kệ im ỉm, chỉ vài xe, gánh hàng ăn bày bán cho các ông bà chủ tranh thủ lót dạ trước khi dọn hàng là đông. Vọt khỏi chợ. Lúc trên buýt đã tăm tia nên cứ cây cầu và dòng sông phi thẳng. May mắn chạm góc Ca Thập cổ mai sớm soi bóng bên Thổ Mạn Hà (Tuman river) ngày nước cạn queo.
Thiệt tình là bữa trước đã lò dò hang cùng ngõ hẻm khu Old City của Ca Thập. Không vô mấy chỗ xanh đỏ bán vé, chỉ các khu phố nhỏ nhà xây gạch thô hay đất mộc đã mấy trăm năm – dù tuổi thiệt Ca Thập thì hơn 2.000. Khá thú vị với nếp sinh hoạt mộc mạc cũ người Duy Ngô Nhĩ vẫn rải rác đây đó. Nhưng góc hình cận mấy con phố thấp, hẹp, xám bụi, không ít những đổ sụp, nhàu nhĩ không lung linh bằng khi nhìn từ xa, nhấn nhá bởi Thổ Mạn Hà. Nhà cửa sắc vàng đất dậy sắc hơn trong nắng mai vàng ấm, bầu trời ốc đảo xanh lạ nhờ nhờ, chấm phá cây cầu dáng dấp tháp đền Ba Tư hoạ tiết chi li. Đi chơi chợ, được gặp góc đẹp thành xưa phố cổ Ca Thập coi như đã quá hời, tôi hớn hở quay lại. Theo những dòng ngựa xe giờ đang ùn ùn về.
Lắm thú vị chợ phiên Zengi
Là ốc đảo giữa sa mạc, Ca Thập từ xưa là điểm giao thương lớn nhất nhì của đường lụa tơ, nơi các nhánh của con đường thương mại cổ giao nhau, cùng các tuyến đường quan trọng khác, như xa lộ Karakorum ngày cũ, cả tới giờ… Trong toàn cái trung tâm bán buôn là cả thành Ca Thập, thương nhân quần hào vẫn tề tựu đông đúc nhất ở chợ Zengi mà theo đồn đãi là đã 2.000 năm tuổi. Dù bên phố mới giờ sừng sững cao ốc thương mại, hàng quán bóng bẩy… vẫn thấy nhiều xe hơi đời mới, nam thanh nữ tú dìu dặt đi chợ phiên.
Nổi tiếng và nổi bật nhứt vì rực rỡ sắc màu, đa dạng, tinh tế… là vải vóc tơ lụa, thảm thêu, tranh dệt Tân Cương, Trung Á… Từ nguyên cây vải đến cắt may sẵn thành quần áo, khăn quấn đội, mũ nón, túi xách… đủ loại. Kế đến, chẳng kém màu mấy là đồ thủ công mỹ nghệ, ly tách chén dĩa, gốm sứ, da thuộc, sơn mài… kể cả dao kiếm cung tên… Tiếp nữa là các loại trái cây khô, các loại hạt đặc sản Tân Cương. Dĩ nhiên không thể thiếu các loại cây trái tươi như đào, lê, dưa, táo… lạ thay lại rất mọng nước ngọt thơm ở vùng nhiều sa mạc, hoang mạc này. Hơi lạ khi thấy mấy thùng đường phèn tít tận đây – vì hồi nào cứ nghe người Quảng Ngãi tự hào đặc sản riêng mình họ.
Thú vị bữa vui chợ phiên Zengi đó không chỉ vì hàng hoá đa dạng, ngồn ngộn mà được hoà vào cuộc sống vẫn đậm chất xưa cũ.Không chỉ với khách du mà cả người Ca Thập. Nhất là chủ nhật, người quê ùn ùn lên phố bán buôn, sắm sửa. Xiêm y lối cũ, mộc mạc chuyện bán mua, nhẹ nhàng chuyện giá cả, thử đồ, bẽn lẽn kéo tấm mạng che mặt trước vài ống kính hơi sỗ, vui vẻ bên những hàng ăn uống thử thức lạ, món mới cùng đám nhóc tì lắng quắng… Nên có kẻ cứ tí ta tí tởn miết, về cứ khoe hoài ảnh hình với bạn bè thân sơ. Mà sao có thể quên buổi chợ vui miền biên viễn Tân Cương xa ngái đó được?
bài, ảnh Thái Hoãn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này