12:46 - 13/01/2019
Chiếc vali, những bữa cơm và chậu ớt
Có chuyện phải tới những ngày cuối năm ngồi nghiền ngẫm sự đời mới hiểu. Lại có những chuyện qua nhiều lần cuối năm cũng chưa chắc thấm.
Đã đưa rồi đón không biết bao nhiêu kẻ đi người về, mà đâu đã nhớ hết, kể đủ chuyện buồn vui thương nhớ. Bởi nhớ thương làm sao đong đếm, lại càng không biết chứa ở đâu, đựng chỗ nào cho đủ.
Chiếc vali thương nhớ
Chiếc vali ấy hình thù ra sao, vuông tròn thế nào khó tả được, nhưng những gì đựng trong nó chắc là sẽ có người hiểu. Không biết hành trang của anh bạn chủ cơ sở tương Phước Khang khi rời Việt Nam định cư xứ người mang theo những gì, nhưng chắc chắn một điều là ông Thuận An, quê Miệt Thứ, qua Mỹ với 70kg đồ ăn toàn khô với mắm. Giờ chót còn vớt vát thêm 2 ký ba khía. Thảy đều đựng trong những thùng cạc tông quấn băng keo vàng chằng chịt. Tôi đặt tên cho nó là chiếc vali thương nhớ.Cái tứ này có là do một người bạn sau sáu năm định cư ở Mỹ quay về kể lại, rằng hũ tôm khô để dành trong tủ lạnh mấy đứa con không bao giờ đụng tới, nhưng vợ chồng anh lâu lâu lấy ra một nhúm nấu canh.Ăn và nhớ. Ăn không vì miếng ngon – dở mà cốt tìm trong đó những bóng hình xưa cũ. Nhúm tôm khô ấy chính là sợi dây níu giữ, ràng buộc mỗi người với quê nhà của họ.
Chuẩn bị qua Pháp thăm cháu, vợ chồng thằng con trai gởi về một danh sách dài toàn đồ ăn. Khô với mắm thì có thể hiểu được, đằng này: “ba mẹ ráng đem qua vài cái bánh cống, thèm quá chừng”.Chẳng qua là tụi nó nghe người quen tháng trước ghé Cần Thơ ăn bánh cống kể lại, và chắc là kể quá hay. Vậy là ráng gói ghém, để hũ mắm cho người này, gói khô tặng người kia. Rồi bên cạnh mớ chôm chôm, ổi, mận, bánh pía, tôm khô còn có mười cái bánh cống chiên sẵn bỏ vô thùng mốp giữ lạnh, bay cả ngàn cây số qua tới Paris.
Đêm mùa đông, những cái bánh cống hâm nóng cũng dòn rụm, thơm lừng, cũng đủ ấm áp những ngày cuối năm. Chút mùi quê hương đem theo trong chiếc va li có bấy nhiêu và chỉ kẻ xa nhà mới hiểu được những nhớ thương chất chứa trong đó.
Sẽ rất ngớ ngẩn khi hỏi táo Pháp với mận An Phước, trái nào ngon hơn. Ngồi nhìn cái cách cậu con trai cắt mận thành từng miếng nhỏ, và trái mận ăn tới hai lần trong ngày, mới thấy chiếc vali dẫu hình thù gì thì nhớ thương đựng bên trong nó vẫn là vô cùng.
Những bữa cơm Việt
Hỏi thăm ông bạn ở Lyon, cơm nhà ông Việt hay Tây? Định cư ở Pháp hơn 30 năm, vợ ông chỉ nấu toàn món Việt. Đó cũng là câu trả lời của hầu hết người Việt ở Pháp, nhưng dễ thấy thế hệ sau thích món Tây hơn cho dù vẫn ăn được món Việt. Được vậy là mừng rồi.Mấy bà mẹ đều nói vậy khi hầu hết những đứa trẻ lớn lên ở Pháp đều mù tiếng Việt, giỏi lắm thì nghe lõm bõm.
Qua tới Paris, các bữa cơm khách được mời đều nấu món Việt.Cá tra kho tộ, canh rau tần ô, thịt kho rệu; và hai lần trùng nhau món cá nướng cuốn bánh tráng. Cá hồi nướng, cũng mỡ hành, cũng đậu phộng rang, rau sống, bún… Miếng cuốn dù đủ đầy vẫn rung rung niềm nhớ khi L, một người bạn quê Cần Thơ than biết chừng nào mới được ăn cá lóc nướng trui. L bệnh hiểm nghèo mấy năm nay nên chuyện về quê coi như chấm hết, và nỗi niềm chỉ trút được khi có bạn cùng quê ghé thăm. Một buổi sáng ngồi bên nhau chỉ nhắc Cần Thơ, nhắc Cần Thơ Phố tôi làm bạn xem không sót số nào.
Con trai tôi có bạn gốc Cần Thơ ghé chơi. Bữa cơm tối không chuẩn bị trước vẫn kéo dài xôm tụ với món mắm. Quà đem qua có bột mắm của Bà Giáo Khoẻ, cô con dâu y theo hướng dẫn làm một tô mắm chưng lớn. Chỉ có dĩa rau, tô mắm mà chuyện quê nhà bàn luận xôn xao, dẫn dắt tới đủ món ăn từ quê ra chợ.
Chậu ớt hiên nhà
Trong những ngày ở Paris, tôi có một góc nhỏ ở ban công nhìn xuống công viên của khu chung cư Residence des Sables để ngồi hút thuốc. Mùa đông Paris lạnh giá, mấy chậu rau thơm thảy đều chết khô trơ cành nhưng cây ớt vẫn tỏ ra kiên cường với chùm trái lóng cóng trong gió lạnh. Ngày nào tôi cũng ra vô vài bận ban công này ngồi nhìn chùm ớt. Bên Tây ớt bán đầy siêu thị, nhưng người Việt vẫn thích trồng chậu ớt bên hiên nhà. Họ giải thích là ớt giống đem từ quê qua trồng ăn ngon hơn. Tôi không tin lắm điều này nhưng lờ mờ hiểu rằng, chùm ớt kiên cường trong giá lạnh ấy, dẫu ngon nhất trần đời cũng chỉ để dành ngắm.
Giống như mấy chậu ớt, bạc hà, rau răm của vợ chồng TP chưa lần nào hái ăn.Mùa đông, họ đem tất cả vô nhà để vừa giữ ấm cho cây vừa để ngắm. Một đêm ngủ lại nhà bạn, 6 giờ sáng thấy bạn lui cui chăm sóc mấy chậu rau mới hiểu thế nào là quê nhà, và sợi dây níu giữ kẻ tha hương mong manh biết chừng nào.
Đã có nhiều định nghĩa về quê nhà, nay xin được thêm vô chùm ớt và chậu bạc hà mà tôi đang nhìn thấy mỗi ngày ở Paris. Nó gần gũi và thiết tha lắm.
bài, ảnh Đỗ Khuê (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này