
11:18 - 13/12/2019
Trung Quốc mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lấy nhượng bộ thuế quan
Nhà Trắng đã đồng ý dừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc và giảm một số khoản thuế khác để đổi lấy cam kết của Bắc Kinh trong việc tăng mua các sản phẩm nông nghiệp.
Đây có thể xem là bước tiến quan trọng để giảm leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới .
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ đình chỉ áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 và giảm các mức thuế quan trừng phạt hiện hành. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ mua 50 tỷ đô la hàng hóa nông nghiệp của Mỹ vào năm 2020, gấp đôi số tiền Trung Quốc chi mua nông sản Mỹ năm 2017 – thời điểm trước khi cuộc xung đột thương mại bắt đầu.
Tuy nhiên, đến nay Nhà Trắng vừa chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào, động thái này đặt ra câu hỏi, liệu các điều khoản đã được hai bên đồng ý hay chưa.
Hai nguồn thạo tin cho biết, các nhà đàm phán Mỹ đang đề nghị cắt giảm thuế quan hiện có đối với hàng hóa Trung Quốc tới 50% cũng như đình chỉ các mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào 15/12, trong một nỗ lực nhằm bảo đảm thỏa thuận “Giai đoạn 1” đã được hứa hẹn hồi tháng 10.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm chậm tăng trưởng toàn cầu và làm giảm lợi nhuận, đầu tư cho các công ty trên toàn thế giới. Mỹ đã công bố trợ cấp 28 tỷ đô la cho nông dân bị ảnh hưởng bởi tranh chấp.
Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Craig Allen cho rằng, nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ là sự khởi đầu đáng khích lệ trong việc chấm dứt mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai phía. “Nhưng nó chỉ là khởi đầu. Các vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt rất phức tạp và đa diện. Họ dường như không thể giải quyết nhanh chóng.” – Craig Allen nói.
Trung Quốc đã mua 24 tỷ đô la sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào năm 2017, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 11/10 rằng hai nước đã đồng ý một thỏa thuận thương mại của Giai đoạn 1 với các tài sản trí tuệ, dịch vụ tài chính và một khoản mua từ 40 đến 50 tỷ đô la hàng hóa nông sản.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chùn bước trước cam kết phải mua một lượng hàng nông sản cụ thể trong một khung thời gian nhất định. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ muốn có quyền quyết định mua hàng dựa trên điều kiện thị trường.
Sau cuộc họp báo tháng 10, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi, liệu con số 50 tỷ USD có thực tế không.
Đậu nành chiếm một nửa số lượng nông sản Trung Quốc đã mua trong năm 2017. Nhu cầu đậu nành hiện cũng đã tăng lên ở Trung Quốc sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua.
Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ cắt giảm các thuế quan trừng phạt như một điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận nào trong Giai đoạn 1. Chính quyền ông Trump đã áp thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7/2018.
Mặc dù có vẻ như có một thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng không rõ liệu đó có phải là một thỏa thuận bằng văn bản, có thể hành động, hay liệu Bắc Kinh có đồng ý không, một nguồn tin có trụ sở tại Washington cho biết.
“Cho đến khi toàn bộ văn bản được công bố, sẽ không có gì đặc biệt. Hiện vẫn không rõ, đây chỉ là thỏa thuận về nguyên tắc hay thỏa thuận thực sự?” – nguồn tin này nói.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu ông Trump không đình chỉ thuế quan dự kiến sẽ có hiệu lực vào 15/12 tới, các quan chức Bắc Kinh sẽ áp dụng nhiều mức thuế đối với hàng hóa của Mỹ và có thể đình chỉ các cuộc đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2020.
Thuế quan mới của Mỹ vốn dự định sẽ áp dụng cho gần 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc như máy chơi game video, màn hình máy tính.
Vào tháng 8, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế 5% và 10% thuế quan bổ sung đối với 75 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai đợt. Thuế quan trong đợt đầu tiên được khởi động vào ngày 1 tháng 9, đánh vào hàng hóa của Mỹ bao gồm đậu nành, thịt lợn, thịt bò, hóa chất và dầu thô.
Thuế quan đối với lô sản phẩm thứ hai sẽ được kích hoạt vào ngày 15/12, ảnh hưởng đến các loại hàng hóa từ ngô và lúa mì cho đến máy bay cỡ nhỏ và đất hiếm.
Duy Khiêm (theo TGHN/Reuters)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này