16:05 - 27/03/2018
Trung Quốc cơ cấu lại các nhà máy thép và nhôm
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu, Trung Quốc cũng đã tự cơ cấu lại ngành công nghiệp này.
Giảm xuất thô
Căn hộ của vợ chồng Li Jinzi ở thị trấn Chengkouzhen, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc mấy tháng nay trở nên vô cùng lạnh lẽo, khi hệ thống sưởi của tòa nhà không hoạt động.
Cô Li làm việc tại một nhà máy sản xuất nhôm ở địa phương, ngành công nghiệp khổng lồ đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại toàn cầu. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp đặt mức thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu, mà Trung Quốc là một trong những đối tượng được nhắm tới.
Các quan chức và doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc có quá nhiều nhà máy thép và nhôm được chính phủ hỗ trợ, gây ra dư thừa sản phẩm và làm giá thành hạ. Phía Trung Quốc cũng không phải không nhận thấy điều này.
Năm ngoái, chính quyền địa phương tại Chengkouzhen đã cho phép nhà máy nhôm ở đây tạm ngừng hoạt động. Điều đó cũng làm mất nguồn hơi nước dẫn vào hệ thống sưởi ấm của tòa nhà nơi các công nhân sinh sống.
“Tôi phải mặc áo khoác bông dày ngay cả khi ở trong nhà”, cô Li nói với New York Times. “Tôi chỉ hy vọng nhà máy này sớm hoạt động trở lại”, cô nói.
Kể từ khi ông Trump công bố sắc lệnh thuế mới, một mặt, Bắc Kinh vẫn dọa sẽ tấn công trả đũa đối với hành động thương mại của Mỹ, mặt khác họ cũng đang buộc nhiều công ty phải đóng cửa các nhà máy lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, để cơ cấu lại nền kinh tế và quan trọng nữa là để “dọn sạch bầu trời”.
Trung Quốc giờ đây muốn các nhà máy làm ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, với công nghệ cao hơn, những thứ sẽ cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ ở mức hoàn toàn mới. Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi việc xuất khẩu tấm thép hoặc mảng nhôm, thay vào đó là bán những chiếc cầu đúc sẵn bằng thép, những bánh xe làm bằng nhôm hợp kim. Trong tương lai, họ nhắm tới những sản phẩm tinh vi hơn như cánh tay robot và xe điện, trong đó thép và nhôm chỉ là một phần.
Nhà máy Chengkouzhen ở Sơn Đông là trường hợp điển hình của một cơ sở tham gia vào quá trình chuyển nguyên liệu thô sang nhôm thô, và sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao của ông Trump.
Nhưng, vẫn là chủ sở hữu ấy, tập đoàn Qixing Group, lại đang điều hành một nhà máy khác nằm ở thành phố Châu Bình cách đó 90 dặm. Tại đây, người ta sử dụng nguyên liệu nhôm thô để sản xuất phụ tùng xe hơi và phần lớn mặt hàng này không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
“Hàng ngày, nhà máy vẫn hoạt động bình thường”, ông Geng Peiguo, 67 tuổi, người quét dọn vệ sinh bên ngoài nhà máy nói với New York Times. Bên trong, những tiếng kêu vang của máy móc cho thấy cơ sở sản xuất rộng cỡ vài sân bóng đá này đang được vận hành.
Hai nhà máy, hai số phận
Ngay cả trước khi Mỹ áp dụng chính sách thuế mới, xuất khẩu thép của Trung Quốc ra thế giới đã có xu hướng giảm, bắt nguồn từ những nỗ lực của Bắc Kinh để thu nhỏ ngành công nghiệp này, cùng với nhu cầu đang cải thiện ở trong nước. Tại phiên họp quốc hội đang diễn ra, Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc (NDRC) cho biết trong năm nay, Trung Quốc sẽ giảm công suất thép thêm 30 triệu tấn.
Xuất khẩu nhôm của Trung Quốc tuy không giảm nhưng tốc độ tăng chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây. Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc sẽ chưa thể từ bỏ ngay lập tức cách làm cũ chỉ trong vòng một đêm. Nhiều địa phương vẫn cần có những ngành công nghiệp này để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Ngay cả khi nhà máy Chengkouzhen ngừng hoạt động, thì các nhà máy sản xuất nguyên liệu nhôm thô ở đâu đó vẫn được mở ra. Ngân hàng Mỹ Morgan Stanley ước tính các công ty nhôm Trung Quốc sẽ mở rộng năng lực lên 11%, mặc dù họ cũng lưu ý rằng chính phủ có thể không khuyến khích một số dự án trong số đó. Năm ngoái, Bắc Kinh đã hỗ trợ việc mua bán công ty con của tập đoàn nhôm Trung Quốc, chuyển đổi khoảng 2 tỉ đô la Mỹ vốn vay thành cổ phiếu do các công ty nhà nước kiểm soát.
Trung Quốc cho rằng họ đang tự giải quyết vấn đề lãng phí của các nhà máy và vì vậy, việc đánh thuế của Mỹ là không cần thiết. Trung Quốc sản xuất hơn một nửa sản lượng thép và nhôm trên toàn thế giới nhưng chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ sang Mỹ.
Hai nhà máy ở Chengkouzhen và Châu Bình, đều thuộc sở hữu của Qixing Group, là ví dụ điển hình, cho thấy cách thức mà Trung Quốc xử lý các cơ sở sản xuất nhôm.
Qixing Group tuyển dụng khoảng 12.000 công nhân trên toàn tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc. Sau khi mở rộng kinh doanh sang bất động sản và một số ngành khác, Qixing bị thua lỗ và có nguy cơ phải đóng cửa các nhà máy của họ.
Tại Châu Bình, sau khi một số công nhân biểu tình vì lo ngại thất nghiệp, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Họ hỗ trợ 75% lương cho công nhân và giúp công ty trở lại hoạt động. Ngành công nghiệp nhôm đóng vai trò quan trọng ở địa phương. Các nhà máy thuộc sở hữu của Qixing và các công ty khác được cung cấp điện từ một chuỗi các nhà máy nhiệt điện lớn.
Trong khi đó, tại Chengkouzhen, chính quyền địa phương tìm thấy ít lý do hơn để giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động. Nhà máy nhôm này có 15 cột tháp bê tông cao lớn như những tòa nhà tám tầng. Nó nhập quặng bauxite khai thác từ Tây Phi và Úc, sau đó trộn với các hóa chất rồi đưa vào lò làm nóng để tách alumin ra khỏi quặng – bước đầu tiên để sản xuất nhôm nguyên liệu.
Mùa xuân năm ngoái, nhà máy đã ngừng hoạt động. Tới cuối hè, các thiết bị được dọn dẹp lau chùi. Việc bảo trì khiến hầu hết công nhân phải nghỉ việc. Cho tới mùa đông, các lò nung vẫn không hoạt động. Công nhân vẫn được nhận một phần lương, nhờ sự trợ giúp của chính phủ, để tránh tình trạng bất ổn. Một vài người được nhận thêm tiền để tới bật điện và tắt điện ở nhà máy.
“Chúng tôi nghe rằng nhà máy của Qixing có lợi nhuận tốt và có mức lương cao. Ai nghĩ nó sẽ sụp đổ?”, cô Li nói trong nuối tiếc. Cô và chồng đã chuyển tới Chengkouzhen năm năm trước và nghĩ mình sẽ tiến vững chắc vào tầng lớp công nhân công nghiệp nặng thịnh vượng ở Trung Quốc.
Mặc dù đang ở tình trạng tốt hơn, song công nhân của nhà máy Châu Bình vẫn lo lắng. Họ lo ngại rằng chính sách thuế của Mỹ cuối cùng sẽ tác động khiến cho chính phủ đóng cửa nhà máy. Hiện hai trong bốn lò nung của nhà máy luyện kim này đã tạm ngừng hoạt động.
“Nếu Qixing bị phá sản và chồng tôi bị sa thải, làm sao chúng tôi sống nổi?”, Liu Guifang, một bà nội trợ có chồng và chị gái làm việc cho Qixing, nói.
Zhang Hui, một thợ điện làm việc cho Qixing, cho biết ông đang có kế hoạch tìm một công việc mới tại các
công ty sản xuất thiết bị điện tử nếu Qixing đóng cửa hoàn toàn.
Ông Zhang cho hay ông biết ơn công ty đã nuôi sống gia đình, nhưng ông không bất ngờ trước thực trạng của Qixing. “Một lúc nào đó, điều xấu nhất sẽ xảy ra”, ông nói với New York Times.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này