09:13 - 20/12/2019
Xoay trong ‘cơn điên’ giá thịt heo
Cuối tuần, chị gái ở quê gọi điện hỏi: giá heo hơi trong đó như thế nào em, ngoài Thanh Hoá quê mình mấy hôm nay tăng miết, giờ đã lên 90.000 đồng/kg rồi, giá thịt bán lẻ ngoài chợ 150.000 đồng/kg. Không chỉ có heo, giờ thứ thực phẩm gì cũng lên theo, tiền làm thì không ra…
Khổ dân nghèo nông thôn
Chị gái cũng là thương lái mổ heo bán lẻ ra chợ, nói do giá heo lên quá cao nên đa phần người dân nông thôn đã không “đủ sức” ăn thịt heo nữa. Cái chợ nhỏ trong xã có dân số khoảng 200 hộ, trước đây mỗi phiên tiêu thụ khoảng 15 – 20 con heo, giờ bán ngắc ngứ không hết hai con. Heo lên giá nhưng cũng không có để mua, các trại nuôi của dân từ trại lớn đến bé đều chết hết ráo vì bệnh tả heo châu Phi. Vài thương lái trong xã còn cầm cự mổ heo thì phải tranh giành từng con ở một điểm bán trên thị trấn, nghe đâu là heo từ miền Trung chở ra. “Đâu chỉ có thịt heo, thịt gà, thịt vịt, cá mắm đều tăng theo, dân làm nông nghiệp lấy đâu ra tiền mà tiêu pha nhiều. Thời buổi bây giờ mà phải ăn dè sẻn, kham khổ như hồi bao cấp”, người chị phàn nàn.
Hầu hết các địa phương khác ở khu vực miền Trung hay các tỉnh phía Bắc, theo khảo sát, giá heo hơi cũng chạm mốc 90.000 đồng/kg. Có thể nói, đây là đợt tăng giá mạnh nhất và giá heo đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành nuôi heo ở Việt Nam. Có một điểm đáng chú ý là sau đợt bệnh tả heo châu Phi, đàn heo ở hai khu vực này còn không đáng kể, thương lái phải giành giật từng con heo, thậm chí trông chờ nguồn heo từ phía Nam đưa ra mỗi ngày mới có để giết mổ bán ra các chợ quê. Ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, một người bà con bán heo ở chợ Phò Trạch, nói cứ mỗi buổi chiều thương lái ở đây lại xúm xụm chia nhau từng con heo từ Bình Định chở ra. Trong tuần từ ngày 9 – 15/12, ngày nào giá heo hơi ở đây cũng tăng hai ba ngàn đồng, từ 75.000 đồng vọt lên 90.000 đồng/kg. “Heo vừa khan hiếm, giá tăng liên tục, nên dân họ cũng ít ăn lại, tiêu thụ đang chậm lắm rồi”, người bà con tâm sự.
Thịt heo tăng giá chóng mặt rõ ràng đang tác động không nhỏ đến đời sống đại bộ phận người dân nông thôn, nơi mà quy mô sản xuất vẫn ở dạng “tự sản tự tiêu”, không sản xuất ra được hàng hoá, đồng tiền lại càng khan hiếm. Thịt tăng giá tác động dây chuyền lên mọi thứ thực phẩm, như giá gà lông, vịt cũng tăng gấp đôi lên mức 100.000 đồng và 60.000 – 80.000 đồng/kg, cá mắm, rau củ, hay đến quả trứng cũng có giá khác trước. Người chị bảo bây giờ cầm 100.000 đồng ra chợ chỉ mua được dăm bảy lạng thịt, ăn được một bữa mà chưa có rau củ mắm muối. Dân vốn đã không có tiền, nay thực phẩm lên giá lại càng kham khổ thêm.
Tăng theo… kịch bản
Hồi cuối tháng 11/2019, giá heo hơi trung bình cả nước còn trên dưới 70.000 đồng/kg, thì các công ty chăn nuôi lớn đã đưa ra nhận định tăng giá cho hai tuần đầu tháng 12 lên mức 90.000 đồng rồi. Tất nhiên, dù sao đó chỉ là nhận định, nhưng chắc chắn họ phải có cơ sở, biết tình hình nguồn cung, tổng đàn heo cả nước còn ở mức nào, thì mới đưa ra nhận định lên giá được như vậy. Và thực tế, chỉ trong hai ngày cuối tuần qua (ngày 14 và 15/12), hàng loạt công ty như Japfa, Emivest, CJ hay Dobaco tăng liền 6.000 đồng, từ 82.000 lên 86.000 đồng/kg. Ngoài thị trường, giá heo ở hầu hết các địa phương đột ngột vọt lên 90.000 đồng.
Theo giới chăn nuôi, giá heo tăng đúng như “kịch bản” mà doanh nghiệp (DN) đưa ra trước đó hai tuần, và dường như việc giá heo tăng đã giúp DN đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất là chỉ trong vòng hai ngày, nhờ tăng giá 6.000 đồng/kg, họ thu về thêm 600.000 đồng mỗi con heo bán ra có trọng lượng 100kg. Và thử hình dung, có DN mỗi ngày bán ra năm bảy ngàn con heo, số tiền thu về là rất lớn. Tuy nhiên, việc tăng giá “có chủ đích” dường như không chỉ dừng lại ở việc kiếm thêm mấy trăm ngàn lợi nhuận, mà DN còn hướng đến mục tiêu lợi nhuận cao hơn. Một thương lái ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai, nói khi giá heo hơi lên 90.000 đồng/kg, thì cũng ngay lập tức sức tiêu thụ giảm, ví như chợ Hóc Môn còn khoảng 4.000 – 4.400 con trong hai đêm 14 và 15/12, thay vì xấp xỉ 5.000 con như tuần trước đó. Do giá heo hơi tăng, trong khi tiêu thụ giảm nên thương lái không dám bắt nhiều, sợ lỗ, theo ông, đây là điều mà các DN mong muốn, vì họ sẽ giữ được heo lại, nuôi để tăng trọng lượng lên thêm mới bán.
“Thay vì bán heo trọng lượng 100kg, giờ họ cố tình đẩy giá lên cao để thị trường tiêu thụ khựng lại, thương lái không mua nổi rồi giữ lại, nuôi thêm một tháng là có thêm 30kg, bán giá 90.000 đồng/kg được 2,7 triệu, trừ chi phí vẫn còn lời 2 triệu”, ông này phân tích.
Rõ ràng, tình hình đàn heo đang hụt nghiêm trọng, cho phép DN có những toan tính đầu cơ, thu lợi cao nhất cho mình. Thời điểm này, thị trường đang cần nhiều thịt heo làm nguyên liệu chế biến, người tiêu dùng có thể giảm ăn thịt heo lại, nhưng các cơ sở, DN chế biến thực phẩm không thể không lấy thịt heo làm giò chả, xúc xích… phục vụ tết Nguyên đán 2020 sắp đến. Hơn nữa, tết là thời điểm tiêu dùng tăng cao nhất và khi đó, theo nhận định, ai có heo là người đó nắm chắc cơ hội thắng lớn.
Ông Hùng, chủ cơ sở làm giò chả ở quận 9, cho hay hai ngày cuối tuần rồi các cơ sở giết mổ tăng giá thịt đùi và vai thêm 10.000 đồng, lên 140.000 – 150.000 đồng/kg, còn giá giò chả vẫn phải giữ mức 170.000 – 180.000 đồng như trước, vì nếu tăng giá theo thì bạn hàng không chấp nhận. “Chưa dừng lại đâu, chúng tôi còn được các lò mổ thông báo giá heo hơi tết này phải lên hơn 100.000 đồng/kg, thịt bán lẻ 200.000!”, ông Hùng nói thêm.
Ông Hoài, thương lái có “số” tại khu vực miền Nam, cũng cho hay các công ty điều chỉnh tăng giá, nhưng muốn mua không dễ. Phải mua đúng giá thị trường, nghĩa là tăng 4.000 – 6.000 đồng/kg so với giá công ty công bố mới có heo. Chẳng hạn, theo hợp đồng với công ty chăn nuôi cung cấp cho khách hàng lớn 2.000 con mỗi ngày, nhưng một mặt công ty điều chỉnh tăng giá, một mặt chỉ cung cấp được 500 – 600 con mỗi ngày.
Một thành viên hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam bộ thừa nhận, có phản ánh hiện tượng ghim hàng từ các công ty lớn, bán không đủ lượng theo hợp đồng… Không bao giờ thương lái mua được hàng đúng giá công bố, nhưng nếu trả thêm 3 – 5 giá, bằng giá thị trường lại có heo ngay”. Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng xác nhận thương lái khó mua được hàng theo đúng giá các công ty đưa ra, thường phải thêm vài giá.
Bảo Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này