09:14 - 05/11/2019
Vé máy bay tết vẫn khó rẻ
Còn khoảng gần 3 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng chị An Yến (quận 7, TP.HCM) đã đặt trước vé vì lo đường bay TP.HCM – Chu Lai không nhiều chỗ, và phải chọn giờ bay để thuận tiện cho con gái nhỏ mới gần 4 tuổi.
Gia đình 3 người, về quê ngày 26 tết (tức 20/1), dù đã chọn vé giá rẻ nhưng cả chiều đi lẫn chiều về vẫn “ngốn” hết hơn 16 triệu đồng. “3 năm trước mua vé về quê, sát ngày hơn mà giá cũng vậy. Đúng là tết, mua trước mua sau cũng không bao giờ có vé rẻ”, chị Yến than.
Mùa tết, hàng không giá rẻ hay truyền thống giá cũng không mấy cách biệt. Cụ thể, cùng chặng Sài Gòn – Huế (đi tối 25/12 âm lịch, trở lại vào ngày 5/1 âm lịch), Vietnam Airlines báo 6,5 triệu đồng/khứ hồi/người; Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific là 5,1 triệu đồng, còn Vietjet là 4,9 triệu đồng cùng chặng. Trong khi đó, “tân binh” Bamboo Airways đã thông báo hết vé cả 2 chiều. “Thấy báo chí đưa tin có hãng hàng không mới, nghĩ thị trường cạnh tranh thì giá vé sẽ rẻ, ai dè vẫn vậy. Đặt mua trước cả 3 tháng trời nhưng vẫn phải mua vé trên “đỉnh”. 5 năm liên tiếp, tôi thử mua nhiều thời điểm, so sánh nhiều hãng khác nhau nhưng gần như không có thay đổi nhiều, giá vé hãng nào cũng cao, không bao giờ mua được vé tết rẻ”, chị Nga thở dài.
Cũng như mọi năm, các hãng hàng không lý giải tết luôn là mùa cao điểm nhất trong năm, dù các hãng luôn cố gắng tăng số chuyến bay đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách nhưng cung vẫn không thể đủ cầu. Vì thế theo đúng cơ chế thị trường, không thể có vé giá rẻ dịp tết. Đáng nói, ngay cả khi vừa mở bán đã chỉ còn dải giá kịch trần vì hầu hết khách hàng không còn ngồi đợi hãng mở bán mới vào mua. Họ đặt trước qua các đại lý, khi hãng vừa chính thức tung vé, đại lý sẽ đăng ký ngay, “hốt” dải vé rẻ hơn.
Khảo sát một số công ty lữ hành – đơn vị trực tiếp chịu biến động từ giá vé máy bay – có thể thấy, rất khó để tìm ra các đường tour hạ giá nhờ giảm giá vé máy bay, ngay cả khi không phải tết. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing, Công ty du lịch TST, khẳng định sự có mặt của một hãng hàng không mới hoàn toàn không có ý nghĩa về việc giảm giá tour mà chỉ tăng cơ hội lựa chọn cho khách, thuận tiện hơn cho việc tăng tần suất tour.
Cái gì cũng cạnh tranh, trừ giá?
Được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng một thời gian dài, VN chỉ có 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air.
Trong đó, Jetstar Pacific là công ty con của Vietnam Airlines. Con số này quá ít so với 13 hãng hàng không thường lệ và gần 10 hãng bay thuê chuyến đang hoạt động ở Thái Lan. Số hãng hàng không đang khai thác ở VN cũng ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar và ít hơn 10 lần so với Indonesia.
Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa, quốc tế ở VN quá thấp so với khu vực là nguyên nhân khiến giá vé máy bay ở VN luôn ở mức cao. Vì thế, sự xuất hiện của Bamboo Airways hồi cuối năm 2018 được kỳ vọng là cú hích tạo nên bước đột phá cho thị trường hàng không, đặc biệt là mang đến những biến động về giá. Tuy nhiên, thực tế đã hơn 1 năm kể từ khi tân binh này có mặt trên thị trường, mặt bằng giá vé máy bay vẫn không đổi.
Trao đổi với báo Thanh Niên, đại diện một hãng hàng không thừa nhận theo đúng quy luật, càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, thị trường càng cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi. Sự cạnh tranh thể hiện qua 2 góc độ: giá và dịch vụ. Trong đó, dịch vụ hàng không phụ thuộc vào phân khúc và định hướng của hãng. Cụ thể, đối với các hãng hàng không giá rẻ, đã tiết giảm tối đa dịch vụ để tiết giảm chi phí thì sẽ cạnh tranh bằng chỉ số đúng giờ. Thời gian quay đầu của các hãng hàng không giá rẻ thường rất nhanh để tối ưu hóa thời gian khai thác nên rất khó để đảm bảo đúng giờ. Do đó, đây chính là yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh.
Đối với các hãng truyền thống (full service), các dịch vụ cơ bản mà hành khách có thể so sánh được bao gồm 3 giai đoạn, từ bán vé đặt chỗ, thủ tục check-in và dịch vụ trên không. Theo đó, sự khác biệt sẽ đến từ hạ tầng dịch vụ trang web, hệ thống thanh toán, đặt giữ chỗ, thông tin cung cấp trên các trang bán, sự đa dạng, thuận tiện về loại hình check-in… cùng một loạt các dịch vụ khác trên không như thái độ của tiếp viên, thiết kế ghế ngồi, suất ăn, thiết bị và các chương trình giải trí. Bên cạnh đó, có những yếu tố mà hành khách ít khi để ý như rèm, thảm lót, nhà vệ sinh có sạch sẽ hay không… những chi tiết này sẽ được cảm nhận rõ khi hành khách đi trên các máy bay đã khai thác sau 3 năm.
—————–
Hà Mai/Thanh Niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ve-may-bay-tet-van-kho-re-1144794.html
Có thể bạn quan tâm
Apple đầu tư 1 tỷ USD vào dịch vụ chia sẻ ô tô ở Trung Quốc
Giật mình với con số mua sắm online
Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra hoạt động livestream bán hàng
Tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt và ‘bêu tên’ trên truyền thông
Người Sài Gòn mua ‘cây nhà, lá vườn’ ở chợ tết Xanh – Tử tế
Tags:vé máy bay tết
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này