09:15 - 06/06/2018
Đôi bạn keo sơn
Tiêu thụ sản phẩm luôn là vấn đề nóng của doanh nghiệp hiện nay. Chuyến đi ThaiFex cho nhiều ví dụ và kinh nghiệm thực tiễn hay.
Toàn bộ hội chợ thực phẩm đồ uống quốc tế ThaiFex là cuộc đấu xảo khổng lồ sản phẩm mới. Tại đây, việc tung sản phẩm mới luôn được các công ty có sức cạnh tranh hàng đầu coi là giải pháp hữu hiệu nhất.
Câu chuyện nhỏ tại ThaiFex
Chuyên gia về dừa Chaocok “nức tiếng giang hồ” về chuyện tung sản phẩm mới. Doanh nhân đầu tiên tôi gặp tại ThaiFex là tổng giám đốc Beinco, một doanh ngiệp mới dám đầu tư 7 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến dừa đúng tiêu chuẩn ngay từ đầu. Ông Trần Văn Đức, nguyên tổng giám đốc Betrimex, đưa tôi đến trước “toà nhà trắng màu dừa” của Chaocok, rồi nói: “Tôi mê phong cách và cách đi của doanh nghiệp này. Chaocok góp phần định hình phong cách của Beinco, họ miệt mài nghiên cứu và hầu như tung sản phẩm mới hàng ngày”.
Bằng những nghiên cứu sinh học, bằng thay đổi màu sắc, mùi vị, công năng, dải sản phẩm của Beinco quả là đang thách thức mọi trí tưởng tượng. Cả khu vực chợ organic của Thái cũng vậy, chỉ là hữu cơ thôi mà, nhưng họ có đủ kiểu chế biến, nhiều phân khúc giá và phân khúc khách hàng: giàu, trung lưu, cao tuổi, trẻ con, có vẻ như sự sáng tạo là không gì cản nổi. Ngay cả sầu riêng. Để hạ mùi nồng nặc của thứ trái cây vua này (Thái Lan gọi sầu riêng là vua trái cây), họ đem nướng, pha với hương dâu tây… Còn gạo thì khỏi chê. Hàng trăm mẫu mã với can thiệp của sinh học, của phối trộn, của thay đổi chức năng.
Nhưng như nguyên lý chính của ThaiFex được trình bày rõ, sáng tạo sản phẩm mới không phải sự đổi thay tuỳ tiện, nhắm thị trường có gì mới là làm theo, mà đó là kết quả của nghiên cứu phát triển rất dày công. Công việc nghiên cứu này thường là những trung tâm chuyên nghiệp, các quỹ đổi mới sáng tạo của chính phủ, và cả các trường đại học. Doanh nghiệp đặt hàng và nhận lại hàng với mức “khá đạt yêu cầu”.Nghiên cứu thị trường (các xu hướng tiêu dùng mới, nhu cầu mới…) và các công nghệ mới. Các xu hướng mới của tiêu dùng thực phẩm lại có liên quan rất hữu cơ với lối sống hiện đại hiện nay: sống xanh, thân thiện môi trường, doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại khu vực triển lãm “Đổi mới sáng tạo” của hội chợ, thể hiện các định hướng mà nhà cung cấp thực phẩm nếu không nắm, chắc chắn bị rơi ra ngoài cuộc chơi.
Trường đại học – “bạn của nhà nông”
Đến thăm trường đại học Kasetsart, một trong ba trường đại học nông nghiệp lâu đời của Thái Lan, tận mắt thấy “nhà máy sản xuất thử” của trường đại học và để được nghe nói về những câu chuyện xảy ra hàng ngày ở đây: nông dân đến trung tâm thí nghiệm, nói rõ nhu cầu, trường nghiên cứu, sau đó đưa giải pháp, ký hợp đồng rồi sản xuất thử. Mối quan hệ này không dễ xảy ra ở Việt Nam mà sau nhiều cuộc hội thảo phân tích, vẫn thấy căn gốc sâu xa là thiếu cơ chế hợp lý và sự tin cậy lẫn nhau. Về lại Việt Nam, tôi còn nghe trường đại học này còn là thành viên trong bộ ba hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa ba trường đại học: Michigan (Hoa Kỳ), Cần Thơ (Việt Nam) và Kasetsart (Thái Lan). Lại nhớ chuyện năm qua, trung tâm chuyển giao công nghệ của đại học Cần Thơ chấp nhận thực tế là chẳng chuyển giao công nghệ được bao nhiêu, còn lý do thì… trùng trùng!
Phối hợp giữa công thức chế biến, vai trò của sinh học và công nghệ mới, sau khi nắm chắc thị hiếu của thị trường, đó là lý do khiến món “yaourt đông khô hữu cơ” của Vinamit thu hút được những doanh nhân người Nhật. Họ là những người khảnh ăn, ăn ít; nhưng đã ăn thì phải tốt cho sức khoẻ. Công nghệ lên men sữa hữu cơ thành yourt, đưa lợi khuẩn trong công thức bí mật làm cho YoV hơn hẳn các sản phẩm cùng loại có tại hội chợ (của Thái và Nhật). Việt Nam không thiếu nguyên liệu, thậm chí còn “chất” hơn nguyên liệu các nước, theo chuyên gia thực phẩm thế giới thường nói. Nhưng Việt Nam thiếu hẳn khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và cũng thiếu khâu nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thị trường.Tất nhiên, yếu tố không kém phần quan trọng vẫn là mạng lưới phân phối, dù sản phẩm có tuyệt vời đến mấy mà không có người bán cũng “đứng ngoài chơi”.
Ngẫm đến ta
Tôi tổng hợp nhanh để nói với những nông dân quê tôi: xu hướng chính, từ 2N đã thành 2S. Nghĩa là từ nhu cầu ăn No và Ngon (2N), thế giới giờ đòi hỏi thực phẩm phải ăn tốt cho Sức khoẻ và Sắc đẹp (2S). Người sản xuất phải minh bạch quy trình nuôi trồng chế biến, bảo toàn đa dạng sinh học và hệ thống tổng hợp sinh thái, giảm thực phẩm gốc động vật và tăng gốc thực vật… Còn công nghệ chế biến phải chuyển từ nấu nướng, xông khói thành lên men và sấy khô (công nghệ sấy lạnh đang lên ngôi). Về hình thức, thức ăn nhanh, ăn liền đang thịnh hành. Tất cả đó là những nghiên cứu khoa học. Rồi đến quá trình thử nghiệm như cách đã làm tại hội chợ: trưng bày nguyên liệu thiên nhiên (như đậu biếc), công thức đã nghiên cứu, sản phẩm bán thành phẩm hay gia vị phối trộn bên cạnh, và cuối cùng là sản phẩm mẫu để mời khách dùng thử, cho nhận xét… Đây là phần việc của công đoạn kiểm tra sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất thật.
Thái Lan đã chuẩn bị “nướng sầu riêng” để tháng 7 tới đưa lên vũ trụ, nói là phục vụ các phi hành gia và các chuyến du lịch vũ trụ sẽ bắt đầu từ năm 2022, cũng là để bảo vệ cái tên tự xưng “Nhà bếp của thế giới”. Việt Nam cũng chẳng phải hoàn toàn thua kém.
Về giống lúa, chuyên gia lai tạo giống Hồ Quang Cua cho rằng đã hơn mười năm, Thái không có loại giống mới ưu tú nào được đưa ra. Họ càng không có ý tưởng mạnh mẽ quyết liệt “biến tất cả cây lúa thành ra thành phẩm, thành một bữa cơm ngon” như doanh nhân trẻ Phạm Minh Thiện đang theo đuổi, và càng thêm tự tin sau năm ngày anh rảo khắp ThaiFex. Nhưng họ có… chiến lược với tầm nhìn xa, có lực lượng chuyên nghiệp được đầu tư đúng mức từ chính phủ (quỹ nghiên cứu thị trường, các trung tâm đổi mới sáng tạo) và sự chắp cánh cho doanh nghiệp tư nhân bằng mọi cách, cũng như có một yếu tố thành công cốt tử: sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng giữa các bên.
Không nhắm vào Thái Lan, nhưng họ là đối trọng để ta tìm cách đi khác biệt. Trong cách đi đó, bắt đầu vẫn là phải trang bị cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam, chuẩn chất (tiêu chuẩn – chất lượng) là chuyện nền tảng. Và đôi cánh để bay chính là “đôi bạn keo sơn”: phát triển sản phẩm và phát triển thị trường.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này