08:42 - 30/05/2018
Để ‘giải cứu nông sản’ chẳng lẽ không còn tập nào?
Giải cứu nông sản là câu chuyện dài nhiều tập. Đối tượng, địa phương, nhân vật từng vụ việc có thay đổi nhưng kịch bản vẫn là: nông dân được đặt hàng, thu hoạch xong, bị bẻ kèo, hàng ứ thừa tràn lan, kêu gào xã hội giải cứu.
“Nghi phạm” có khi là thương lái, và thường là Trung quốc, có khi là doanh nghiệp đã ký hợp đồng…
Giải cứu và câu chuyện tiêu chuẩn
Ở chuyện 9kg ớt, đối tượng là một doanh nghiệp Hải Phòng không nêu tên, và lý do là giá ớt trên thị trường rớt quá. Và mãi đến hôm qua, mới thấy doanh nhân bị cho là “bẻ kèo” này xuất hiện trên mạng xã hội với giọng hài cay đắng, anh Nguyễn Sơn Trung. Anh kể rằng, do mưa kéo dài suốt những tháng cận tết, qua tới đầu năm mới có thể gieo giống. Trồng ớt mùa hè là không tốt, anh khuyên nông dân Quảng Trị đổi sang trồng thứ khác. Cả nông dân và chính quyền không đồng ý, nhất là chính quyền cho rằng, không thể thay lời, đã nói trồng ớt là trồng ớt. Rồi ớt bị bệnh, hỏng ngay trên cây.Nông dân thấy vậy, xịt thuốc trừ sâu vô tội vạ, doanh nghiệp bỏ hàng, không mua do không đạt chất lượng. Vậy tại sao tỉnh lại giải thích với báo chí doanh nghiệp bẻ kèo do thị trường rớt giá? Và buộc công chức mua thứ trái bị sâu bệnh, ngậm đầy thuốc trừ sâu. Làm sao ăn? Qua thông tin từ anh Trung, nếu đúng, thì có một điều rõ ràng: doanh nghiệp không bẻ kèo do giá thị trường rớt, sợ bị lỗ. Nhưng vẫn còn nhiều điều khó hiểu: trồng ớt trái mùa không tốt sao vẫn trồng? Ớt bị sâu bệnh, sao không cản nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu? Doanh nghiệp không lấy hàng sao không nói lý do, để bị giải thích sai…? Ớt ngậm thuốc sâu, còn ép bán cho công chức?
Dù ngổn ngang nhiều câu hỏi, chung quy vẫn là thiếu sự chia sẻ giữa chính quyền, nông dân và doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng nhất, nổi bật trong câu chuyện này là, sản xuất quá coi nhẹ tiêu chuẩn và tính an toàn. Không thể bán cho ai nếu ớt hay các loại nông sản khác không đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng.
Quả thực, đại bộ phận nông dân còn hết sức mơ hồ tiêu chuẩn.Xưa nay, nền nông nghiệp chưa từng đặt nó thành cốt tử. Tiêu chuẩn là lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, mà cũng là yếu tố được nhà nhập khẩu thế giới xem xét đầu tiên. Và nó cũng đang làm cho nông sản Việt Nam lên bờ xuống ruộng (chất cấm trong cá tra, tôm xuất khẩu, trong trà, gạo, trái cây… bị FDA và các cơ quan kiểm định EU liên tiếp cảnh báo xuất khẩu đang diễn ra hàng ngày). Muốn sản xuất tiêu chuẩn, chỉ có cách tạo nhận thức, hướng dẫn và tiến hành làm chứng nhận, sau đó liên tục kiểm tra việc tuân thủ. Cho đến khi nông dân quen, thành tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích chính mình.
Giá trị gia tăng và thị trường
Việc quan trọng nữa của cạnh tranh nông sản là tìm giá trị gia tăng, và tìm thị trường. Về giá trị gia tăng, không đâu cung cấp ví dụ tốt hơn tại hội chợ thương mại quốc tế về Thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm và bán lẻ và nhượng quyền thương mại ở châu Á (ThaiFex) mà tôi đang tham gia. Vừa đến gian hàng Việt Nam, được ban tổ chức xếp vào gian “thực phẩm cao cấp”, thấy ngay bên cạnh là một “ngôi nhà có lầu màu đỏ và đen, treo hình một quả ớt to nằm ngang, làm giá treo tấm bảng tên thương hiệu. SOTHAI, tương ớt của người Thái” (sao họ biết nỗi niềm 9kg ớt của mình mà xát thêm muối vào?). Phía sau là một ngôi nhà cao tầng khác, với tên “Chuyên gia về dừa”. Rõ. Chế biến thật tinh và đa dạng. Nắm vững chuyên ngành tối đa để gia tăng giá trị. Đâu cần tuyên ngôn gì.Bạn cứ nhìn hai bức ảnh chụp khi gian hàng còn chưa mở cửa này là hiểu.
Còn Việt Nam chúng ta, bộ Nông nghiệp cũng ý thức rất rõ vai trò ngành chế biến nông sản, thể hiện là đã thành lập cục mới chuyên về chế biến. Nhưng nhiệm vụ làm chế biến đâu chỉ việc của mình bộ Nông nghiệp. Còn là việc của ngành sáng tạo, nghiên cứu thị trường (chế biến theo nhu cầu thị trường) và cả công nghệ. Là việc của rất nhiều người: nghiên cứu, thử thị trường, sản xuất. Còn tìm thị trường là việc căn cốt hơn, kém nhau rất rõ giữa chuyên gia các nước. Một công ty kinh doanh dám vỗ ngực, xưng là chuyên gia ngành dừa, chắc chắn các tổ chức nghiên cứu sáng tạo của họ phải là “trùm”. Như vậy, chế biến còn là việc của nghiên cứu + kinh doanh, nên Israel mới nở rộ hình thức biz-lab, đem hai nhà: nghiên cứu và kinh doanh ngồi lại gần nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau ngay từ khâu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hôm nói chuyện với 80 nông dân nòng cốt của 30 hội quán của Đồng Tháp, tôi thấy họ khá rành rẽ thông tin và trao đổi thật sôi nổi, cởi mở. Cuối cùng, họ yêu cầu đưa ra những việc cụ thể cần làm ngay. Tôi nói liền: chỉ cần đề nghị lãnh đạo quan tâm, giúp hai việc, một là đề nghị các sở cùng đại học Đồng Tháp, lập ra một nhóm nghiên cứu thị trường, tập trung nghiên cứu một số ngành và các quốc gia bạn hàng chính, rồi có cơ chế thông tin thường xuyên cho nông dân (tạo thói quen coi tin tức thị trường là cơm gạo hàng ngày). Thứ hai là tổ chức một nhóm chuyên gia năng động (trẻ, có sức khoẻ, sử dụng tốt tiếng Anh, biết về ngoại thương), đi tham dự chừng sáu hội chợ quốc tế chuyên ngành uy tín có liên quan (ví dụ hội chợ thực phẩm, thuỷ sản, gao, trái cây) và khi về, lập tức chia sẻ thông tin, cơ hội cùng các hội quán. Hội quán vừa qua đã thực sự là nơi tạo nhận thức và tương tác giữa các chuyên gia, nhà quản lý với nông dân, nay, nếu luôn được cấp “lương thực” thông tin về thị trường qua nghiên cứu và qua các hội chợ quốc tế chuyên ngành, thì đó mới là cách truyền cảm hứng hiện đại và phù hợp nhất thay vì những cuộc truyền cảm hứng “giá trị sống” nặng kỹ thuật tâm lý.
Đi tìm giá trị gia tăng từ chế biến, kế đó là quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường thì điều căn cốt là sự phối hợp (hai chữ liên kết, phối hợp chắc phải là bài kinh nhật tụng của người Việt mình, vì lãnh vực nào cũng thấy yếu?). Nên, nếu nói trách nhiệm chỉ là của bộ Nông nghiệp hay Công thương cũng không đúng. Có cái bộ nào bao trùm để “ép” họ liên kết phối hợp với nhau không, và đã bắt đầu là theo đuổi công việc đến cùng, từ nhỏ tới lớn không?
Có một thứ nông sản ta có lợi thế đặc biệt để có thể phát huy ngay mà còn chưa được chú ý là: Chỉ dẫn địa lý. Chúng ta vẫn đang lãng phí gia tài lớn đó. Lâu nay, chúng ta giao về cho địa phương, chưa phân vai được giữa ba bộ thì khó vì phải có chính sách phát triển cho các đặc sản rất quý này. Nước mắm Phú Quốc bị Thái chiếm rồi. Vải thiều Trung Quốc kinh doanh tốt, mà ta còn chưa xong khâu chế biến. Dừa thì khỏi nói với ba anh Thái, Ấn và Philippines. Vậy, trước nhất phải chăm lo ngay và tốt các Chỉ dẫn địa lý. Và cho nông sản, ta đang thật cần một đạo diễn. Với kịch bản được xây dựng rõ ràng, thực thi tận tâm, hiệu quả.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này