08:53 - 08/06/2017
Doanh nghiệp thực phẩm Việt vào Mỹ giảm 45%
Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết, họ đã bị lọt vào danh sách doanh nghiệp (DN) không đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong khi đã có bề dày xuất khẩu vào thị trường này hơn 10 năm, cũng như không nhận được bất kỳ thông tin cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng.
Ngày 7/6, hội nghị cơ cấu xuất khẩu thực phẩm đồ uống sang Mỹ do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức đã diễn ra tại TPHCM.
Doanh nghiệp Việt bị chặn cửa vì thiếu thông tin
Lý giải thực tế trên, ông David Lennarz, Phó chủ tịch Công ty Registrar Corp, nhấn mạnh, từ đầu năm 2017, Cơ quan Quản lý thực phẩm, đồ uống và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã đưa ra quy định mới đối với yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm là thực phẩm chế biến, đóng gói, nông sản… khi vào thị trường Mỹ.
Theo đó, để ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với những trường hợp thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định mới nhất yêu cầu các cơ sở sản xuất chế biến, đóng gói hoặc nơi lưu trữ thực phẩm bao gồm thức uống và thực phẩm chức năng phải đăng ký.
Riêng với cơ sở sản xuất nước ngoài phải chỉ định một đại diện tại Mỹ. Quy định này cũng yêu cầu các DN 2 năm/lần vào năm chẵn, phải thực hiện gia hạn đăng ký; phải đồng ý để FDA đến thanh kiểm tra. Trường hợp DN không gia hạn sẽ dẫn đến kết quả là số FDA sẽ mất hiệu lực. Hệ quả là hàng xuất khẩu không thể vào thị trường Mỹ.
Trước đó, năm 2016, FDA đã gửi thông báo cho tất cả các DN là đại diện hoặc đơn vị thứ 3 ủy quyền của DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do đó, với những trường hợp DN bị từ chối không được chấp nhận xuất khẩu hàng vào Mỹ là do DN xuất khẩu Việt Nam không có đơn vị đại diện hoặc là bên thứ 3 được ủy quyền tại Mỹ, hoặc có nhưng đơn vị đại diện tại Mỹ không phản hồi thông tin xác nhận email của FDA chuyển trước đó.
Trên thực tế, ngay khi quy định mới trên được áp dụng, chỉ trong mấy tháng từ cuối năm 2016 đến đầu 2017, số DN Việt đăng ký mã xác minh được FDA cấp chứng nhận cho hàng vào thị trường Mỹ đã giảm từ 1.845 còn 806 doanh nghiệp!
Ngoài ra, hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của các DN Việt bị trả lại liên tục thời gian qua còn do quy trình kiểm tra chất lượng của Mỹ thay đổi theo hướng ngặt nghèo hơn. Thay vì trước đây, chất lượng sản phẩm chỉ kiểm tra tại cảng thì hiện nay, DN phải chứng minh chất lượng thông qua hồ sơ chứng nhận mỗi khâu: nguyên liệu – sản xuất – thành phẩm – bảo quản – vận chuyển đến thị trường xuất khẩu. Chứng nhận này phải do đơn vị thứ 3 độc lập của FDA chỉ định.
Gấp rút chuẩn hóa quy trình sản xuất và xuất khẩu
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 12,4 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Cơ cấu xuất khẩu của hàng Việt sang Mỹ trong những tháng đầu năm 2017 vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm qua như thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nông sản…
Tuy nhiên, xu hướng này đang có thay đổi theo hướng giảm dần. Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thừa nhận, DN Việt Nam phải đối phó rất nhiều rào cản thương mại do những ảnh hưởng từ chính sách quản lý mới từ Chính phủ Mỹ. Mặt khác, các DN Việt gặp khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước, chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này.
Ông David Lennarz nhấn mạnh, DN muốn xuất hàng vào thị trường Mỹ, bắt buộc phải được FDA cấp mã xác minh. Mã xác minh này được cấp thông qua một đơn vị là đại diện cho DN xuất khẩu tại Mỹ hoặc là đơn vị thứ 3 được ủy quyền. Quy định này được áp dụng cho tất cả các trường hợp đăng ký mới, gia hạn hoặc bị hủy mã số xác minh.
Doanh nghiệp cần có 3 năm để có thể lấy mã xác minh. Hiện tại, FDA vẫn đang chấp nhận đơn đăng ký gửi qua email. Doanh nghiệp lưu ý, nếu số FDA đã bị hủy, bắt buộc phải đăng ký lại số mới. Ngoài ra, hàng trước khi đến cảng, DN cần phải khai báo trước thông tin hàng thông qua DN đại diện tại Mỹ hoặc bên thứ 3 được ủy quyền.
Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục này. Tuy nhiên, vẫn còn một khâu mà DN cần chủ động hoàn thiện là đổi mới công nghệ sản xuất. Bởi quy định an toàn vệ sinh thực phẩm mới tại các thị trường xuất khẩu nói chung không chỉ đơn thuần là kiểm tra sản phẩm cuối cùng. Thay vào đó, kiểm tra theo hệ thống chuỗi từ nguyên liệu đến thành phẩm và cả quá trình vận chuyển. Do vậy, nếu không cải thiện công nghệ sản xuất, DN rất khó có thể vượt qua rào cản kỹ thuật này.
Theo SGGP
Có thể bạn quan tâm
Đi hội chợ đâu phải đi chơi
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Bình luận: Những bước đầu tiên chinh phục thị trường thế giới
Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM: chú trọng hỗ trợ DN vừa và nhỏ
Người Việt đã sẵn sàng hội nhập thị trường lao động ASEAN?
Tags:food safety modernization actfsmaluật hiện đại hóa an toàn thực phẩmthực phẩmxuất khẩu nông sản
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này