
13:33 - 28/09/2016
Chuyện to, chuyện nhỏ và vừa to vừa nhỏ
Tầng hầm giữ xe Vincom Plaza Xuân Khánh – trung tâm thương mại, một phần trong quần thể kiến trúc Tower, shophouse, siêu thị – khai trương hôm 20/9 tại Ninh Kiều, mệnh danh “quận 1” của Cần Thơ, thường xuyên bị “ùn tắc” nhiều ngày sau đó.

Quần áo Thái là một trong những thế mạnh. Nhiều người Việt du lịch cuối tuần sang Thái để tìm hàng giá rẻ với mẫu mã lạ về nước bán lại hoặc nhái nhân bản. Ảnh: Ngọc Bích.
Những điểm giữ xe đường phố đang ăn nên làm ra chung quanh Vincom Plaza khi dòng người bị cuốn hút vào “thiên đường mua sắm” này.
Trong chuyện to có cái nhỏ
“Tại Vincom Plaza, hơn 80% điểm bán là hàng Việt”, chủ nhãn hàng Macat (Thế giới túi xách) nhận xét.
Một cư dân tinh tế nói rằng ông thấy hàng hoá của ViTimax, MyLan, Emspo, Liên Á, Chị Ong Vàng, An Phước, Mỹ Lan, Sensorial, Thiên Ngân, Macat… “nhưng không có nhiều sản phẩm làm tại địa phương hiện diện trong ‘thiên đường’ này”.
So với Vincom Plaza An Giang, Vincom Plaza ở Cần Thơ nhộn nhịp hơn nhiều. Các cư dân Cần Thơ cho biết: xếp theo đội hình từ trung tâm thương mại Cái Khế tới Big C, Lotte, Sense City, Thế Giới Di Động, Thế Giới Xanh… Vincom Plaza Xuân Khánh sang hơn cả.
Các thị dân ở Ninh Kiều nhận xét ở đây có nhiều hàng hơn, mới hơn cả Vincom Hùng Vương chỉ cách đó vài cây số.
Các trung tâm mua sắm hạng trung và hạng sang mọc lên tại Cần Thơ khá nhiều, tập trung ở nội ô Ninh Kiều, người tiêu dùng có lợi khi các doanh nghiệp đua nhau giảm giá từ 10 – 50% để kích cầu.
Với nhiều dự án “tham vọng” trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng Tây Nam bộ. Trong bốn năm nữa Cần Thơ sẽ có 14 siêu thị, 17 trung tâm thương mại mọc lên để thực hiện mong muốn này.
Năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Cần Thơ đạt trên 81.240 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014.
Sáu tháng đầu năm 2016, tổng mức bán ra hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Cần Thơ là 67.040 tỷ đồng.
Nếu dòng chảy hàng hoá mua vào bán ra tại Cần Thơ theo kiểu “trạm bơm chuyền”, đạp hàng sang các địa phương lân cận thì những con số nêu trên không đủ để phản ánh thực lực.
“Ngay cả khu bán nông sản sạch VinEco, hàng tươi, ngon, có nguồn gốc rõ ràng cũng không thấy hàng của địa phương được chào bán”, vị khách không muốn nêu tên này nói.
Chuyện nhỏ có cái to
Đối với tiểu thương chợ truyền thống, giống như những đợt sóng thần, các thiên đường mua sắm, mạng lưới bán lẻ, siêu thị… không chỉ làm tinh thần chợ truyền thống xuống tới “mắt cá” mà các tiểu thương cũng xấc bấc xang bang khi sinh kế khó khăn hơn.
Chị Bé Năm, tiểu thương bán tạp hoá trong nhà lồng chợ Xuân Khánh, cách Vincom Plaza Xuân Khánh vài trăm thước, than thở: “Tui bán ở đây cả chục năm, chưa bao giờ mua bán tệ hại như bây giờ”.
Chị Lê Thị Ước (quê ở Phong Điền, TP Cần Thơ) than thở phải sang lại sạp, ra chợ chồm hổm vì “hoàn cảnh bế tắc”, nhưng bây giờ chỗ nào cũng có chợ chồm hổm, chợ đêm, chợ chạy nên “đã khó lại càng khó hơn”.
Cần Thơ vẫn duy trì 107 chợ truyền thống và sẽ cấp phép xây dựng siêu thị mà không cần đo lường tác động khi thay đổi chiến lược trở thành trung tâm thương mại cấp vùng.
Ngược lại, các doanh nhân tỉnh Chachoengsao, Thái Lan, đã nhìn thấy tiềm năng phát triển nhiều mặt: công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, nông nghiệp… nếu hợp tác với Cần Thơ, ông Decha Jaiya, phó tỉnh trưởng tỉnh Chachoengsao, khẳng định.
Cần Thơ tìm kiếm và kỳ vọng vào các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật, Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc)… và gần đây là cơ hội đầu tư “hậu hội chợ” Việt – Pháp, vừa tổ chức.
Trung tâm thương mại Big C, phía nam đường dẫn cầu Cần Thơ, là ẩn số sau khi người Thái làm chủ. Mỗi lần Cần Thơ tổ chức hội chợ hàng Thái, đám đông người mua chờ hàng giờ trước cửa để tràn vào, thực ra chỉ là mua những loại hàng tiêu dùng rẻ tiền được các doanh nhân Thái làm phép thử dẫn dụ.
Và họ đã nhận được nhận xét “mát ruột”: nhiều loại hàng Thái trùng với hàng Việt nhưng chất liệu, mẫu mã có nhiều cái mới, tinh xảo, giá cả phù hợp…
Cũng có người cho rằng hội chợ hàng Thái chỉ bán trong 4 – 5 ngày, chứ nếu kéo dài mà không có gì mới hơn nữa cũng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
Đối với hàng ngoại, người Thái đợi đúng cơ hội khi người tiêu dùng Việt Nam “dị ứng” với hàng Trung Quốc thì hàng Thái trở thành sự chọn lựa thông minh.
“Những doanh nghiệp Thái Lan đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đưa hàng hoá vào thị trường Việt Nam: triển lãm hàng hoá, tuần lễ hàng Thái Lan và chương trình Ngày hội mua sắm hàng Thái Lan tại nhiều địa phương; và ngày càng nhiều cửa hàng, siêu thị tại ở các thành phố lớn trên cả nước, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm của Thái Lan, từ mì gói, thức ăn nhanh đến hàng gia dụng tại các cửa hàng tiện lợi”, ông Naronk Summat, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, cho biết.
Sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ tại Việt Nam, đặc biệt hàng điện tử, điện lạnh chiếm đến 70% thị phần.
Thái Lan đã đầu tư lớn cho đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải (cảng sông, cảng biển…) kết nối với các nước tiểu vùng Mekong mở rộng để hiện thực hoá tầm nhìn về trung tâm dịch chuyển và kết nối khu vực.
Theo bà Kanokporn Damrongkul, giám đốc phát triển kinh doanh của cục Triển lãm và hội nghị Thái Lan (TCEB), AEC khởi động khiến các nước tập trung vào ngành then chốt và tối đa hoá tiềm năng của mình.
Thực phẩm và nông nghiệp, đồ uống; in ấn, đóng gói – bao bì; năng lượng; máy móc – cơ giới hoá; may mặc; và y tế được xem là những ngành công nghiệp chủ lực phát triển nhanh trong AEC.
Ông Yuttana Thongphur, phó tổng giám đốc C.P Việt Nam, nghiên cứu thị trường Việt Nam, khuyên các doanh nghiệp Thái: mối quan hệ của Thái Lan và Việt Nam tốt, người Việt Nam thích xài hàng Thái.
Ngành thực phẩm có nhiều tiềm năng, nhưng nếu muốn đầu tư ở Việt Nam thì sản phẩm phải khác biệt.
Nhiều người Thái lấy vợ Việt, chở con đi học ở trường quốc tế, học tiếng Anh, tiếng Việt, đi chợ, nghiên cứu chính sách của Việt Nam rành rẽ tới mức tinh thông.
Trong khi đó nhiều đoàn nghiên cứu thị trường bầu đoàn thê tử nhưng hiếm khi có được một báo cáo đàng hoàng.
Nghịch lý hơn, các địa phương luôn mời gọi đầu tư, tổ chức hội chợ ì xèo tại địa phương, nhưng khi đối tác mời địa phương tham gia chào bán sản phẩm ở tỉnh nào đó của nước họ, thì việc rà soát thực lực rối như canh hẹ.
Hoàng Lan
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này