08:55 - 27/11/2023
TS Dương Văn Ni: Sinh kế bền vững cho người đồng bằng
Hễ nói tới biến đổi khí hậu (BĐKH) là người mình hay nhắc đến nước biển dâng, còn nói về sinh kế thì luôn đi kèm với chữ bền vững. BĐKH có liên quan đến chuyện nước biển dâng, nhưng “sinh kế” và “sinh kế bền vững” lại khác nhau một trời một vực.
Sinh kế là làm bất cứ thứ gì để có thêm nguồn thu nhập – là cách sống – còn có bền vững hay không thì lại là chuyện khác. Ví như, nhiều nơi ở ĐBSCL nông dân kêu bán lớp đất mặt trên ruộng, làm vậy thì họ có ít tiền cho con đi học, mua sắm vài thứ trong gia đình, nhưng cái kiểu “sinh kế” nầy có bền vững hay không thì rất khó đoán.
Vậy, sinh kế thì dễ nói rồi, còn khi nói “sinh kế bền vững” thì phải xét 5 tiêu chí bền vững như sau: 1) Bền vững về mặt môi trường (không làm ô nhiễm đất, nước, không khí; không làm suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái dinh dưỡng đất đai, nguồn nước); 2) Bền vững ở cấp độ gia đình (không ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ chồng vợ, cha mẹ với con cái, con cháu với ông bà); 3) Bền vững ở cấp độ xã hội (hộ gia đình với hộ gia đình; hộ gia đình với xóm làng, đoàn thể hay với cộng đồng; hộ gia đình với các tổ chức chính quyền); 4) Bền vững về mặt văn hóa (quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và giữa hiện tại với tương lai) và 5) Bền vững về kinh tế (cộng tất cả bốn cái bền vững nêu trên mà nếu phần được lớn hơn phần mất thì đương nhiên là có bền vững kinh tế rồi).
Do đó, để có “sinh kế bền vững”, còn phải biết đâu là giới hạn về mặt không gian và thời gian. Về thời gian thì phải tính cho bao nhiêu thế hệ? Còn xét về không gian, thì ở mức độ nào, cấp vùng hay khu vực? Phạm vi của quốc gia hay toàn cầu?
Ở ĐBSCL hiện nay, vào mùa nước nổi, đi từ Cần Thơ lên vùng Đồng Tháp Mười thì chúng ta không khỏi ngạc nhiên là ở Đồng Tháp Mười thuộc miệt bưng, nơi có địa hình trũng thấp nhứt, vậy mà người dân trồng lúa trồng khoai ngon lành, đường sá nông thôn khô ran; còn ở Cần Thơ thuộc miệt vườn, nơi vốn dĩ là thủ phủ của cây ăn trái, vậy mà trong thành phố nhiều đường sá bị ngập như sông. Mà cũng đâu phải chờ đến mùa nước nổi mới thấy cảnh nầy, hễ mưa kéo dài hay mỗi con nước rong là thành phố bị ngập, bất kể mùa nắng hay mùa mưa.
Đất đai thì đâu có nở ra, trong khi đó con người cứ sinh sôi không ngừng. Năm chục năm trước ĐBSCL chỉ có vài triệu dân, giờ thì ngót nghét đến hai chục triệu người rồi. Vậy nên nơi nào có canh tác hay nuôi trồng thủy sản, thì người ta bao đê trong đê ngoài, giữ đất khô quanh năm để mà thâm canh tăng vụ; sông ngòi hay kênh rạch đều có cống đập chằn chịt để ngăn mặn ngăn lũ cũng để tăng vòng quay sử dụng đất.
Vì vậy, cũng chỉ có bấy nhiêu nước đó mà thôi, nhưng vì không còn chỗ chứa nữa nên đành tràn vô thành phố làm ngập đường, ngập chợ. Hóa ra, nếu chỉ xét ở cấp độ một địa phương thì có vẻ như đâu đó đã có “sinh kế bền vững”, nhưng nếu mở rộng ra cho toàn ĐBSCL, thì điều đó cần phải xem xét lại.
Nói như vậy để thấy là muốn có được “sinh kế bền vững” là điều rất khó khăn, cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người trong toàn xã hội của một nước, đôi khi còn phải mở rộng ra toàn thế giới bao gồm tất cả các quốc gia. Như chương trình giảm khí phát thải toàn cầu nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay là một ví dụ.
“Sinh kế bền vững” phức tạp và khó khăn như vậy, nên có đốt đuốc đi tìm thì cũng chưa chắc có cái nào để mà coi. Mà người xưa đã dạy “trăm nghe không bằng một thấy”, vậy nếu không thấy thì làm sao tin được là liệu có mô hình “sinh kế bền vững” nào hay không?
Thật ra thì “sinh kế bền vững” đã có sẵn trong mỗi con người chúng ta, nhưng vì nhiều lý do mà chúng chưa được “đánh thức” để giúp chúng ta biến nó thành hành động. Ví như tiêu chí bền vững về mặt môi trường, thì người xưa luôn dặn là ứng xử với thiên nhiên thì phải tránh làm “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, tức là nếu chúng ta làm ô nhiễm môi trường, khai thác tận diệt tài nguyên thiên nhiên, thì nhiều thế hệ sau nầy sẽ phải trả giá.
“Cây có cội, nước có nguồn” là nhắc nhở mỗi người chúng ta đều có gia đình, dòng họ, nên đừng làm điều gì để gia đình hay dòng họ bị ảnh hưởng xấu. Hay “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là khuyên chúng ta biết chia sẻ, yêu thương nhau giữa con người với con người và con người với cộng đồng để giữ gìn “tình làng nghĩa xóm”.
Có lẽ lời khuyên bình dân và cô đọng nhứt của khái niệm “sinh kế bền vững” mà người xưa đã đúc kết và truyền lại cho con cháu là câu “làm để đức, mặc sức mà hưởng”! Trong đó, chữ “đức” bao hàm tất cả bốn khái niệm bền vững (môi trường, gia đình, xã hội, văn hóa) và chữ “hưởng” là hiệu quả kinh tế đương nhiên sẽ đến.
TS Dương Văn Ni*/Mekong Connect
————
(*) Nguồn: Kỷ yếu Mekong Connect 2023.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này