11:09 - 03/02/2021
Những HTX kiểu mới và hành trình chinh phục GLOBALG.A.P. ở ĐBSCL
Hợp tác xã (HTX) kiểu mới không hẳn là một khái niệm mới nhưng trở thành “hot trend” trong thời gian gần đây.
ThS. Nguyễn Kim Thanh, một trong những chuyên gia tiêu chuẩn của Trung tâm BSA, đã có một thời gian dài gắn bó với các HTX cây ăn trái ở ĐBSCL với tư cách là “mụ vườn” hỗ trợ nông dân tiếp cận, vận hành… và “làm chủ” các tiêu chuẩn Localg.a.p. (gần đây được GLOBALG.A.P. đổi tên thành Primary Farm Assurance) và GLOBALG.A.P. “Rất nhiều kỷ niệm”, ThS. Nguyễn Kim Thanh đã mở đầu như vậy khi trò chuyện với Thế Giới Hội Nhập Xuân 2021 với đúc kết: “Hành trình áp dụng tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. và Primary Farm Assurance cho các HTX cây ăn trái và lúa trong khuôn khổ dự án CoopEnable tại Cần Thơ và Đồng Tháp đã để lại rất nhiều kinh nghiệm sau này có thể được sử dụng như là cẩm nang, giúp ích cho các dự án hoặc mở rộng số lượng thành viên được chứng nhận của HTX hoặc phát triển số lượng HTX nông nghiệp được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu trong tương lai”.
– HTX kiểu mới không hẳn là một khái niệm mới nhưng trở thành “hot trend” trong thời gian gần đây. Là một người “sống chung” với không ít HTX ở ĐBSCL, bà có thể phác họa nhanh chân dung của mô hình này, đặc biệt là với những nơi bà gắn bó?
– Trước hết, HTX đang được tổ chức và vận hành như một tổ chức xã hội hơn là một thực thể kinh tế. Hầu hết HTX có nhân sự chủ chốt nằm trong bộ máy chính quyền địa phương hoặc được chính quyền địa phương phân công nhằm mục đích hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội, cho nên năng lực vận hành một hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn còn quá nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, HTX không thể cung cấp cho thành viên các dịch vụ nông nghiệp cần thiết (ví dụ như kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh và dịch hại cây trồng, thu hoạch, sau thu hoạch), hoặc có cung cấp nhưng thành viên không quan tâm do các vấn đề liên quan đến giá cả, trả chậm hoặc chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Và cuối cùng là vấn đề bán hàng, việc tìm kiếm thị trường không dễ đối với ban vận hành HTX, lại càng không dễ để thành viên sẵn lòng bán sản phẩm cho HTX khi có sự chênh lệch giá với thị trường tự do.
Có một câu mà ông giám đốc HTX nông sản an toàn An Hòa phát biểu trong một buổi làm việc làm tôi nhớ mãi, ông cho rằng HTX cần phải học cách “thở bằng chính cái mũi của mình” thì mới mong có cơ may tồn tại trong hoàn cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng tình với ông về điểm này, HTX cần phải chủ động hơn trong việc tổ chức và giúp thành viên hiểu được tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn, hãy dừng thái độ xem đây là việc của nhà nước!
– Vậy, với các xã viên, tức các thành viên HTX thì có thể định vị họ như thế nào?
– Mua vật tư nông nghiệp là một thách thức lớn trong quá trình làm tiêu chuẩn, nguyên nhân chính là do bà con không có thói quen lưu giữ chứng từ mua bán, không ghi chép. Thêm vào đó, cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở nông thôn cũng không cung cấp hóa đơn bán hàng cho người mua.
Vấn đề lớn thứ hai là kỹ thuật trồng, mặc dù được tập huấn thường xuyên bởi các tổ chức và cơ quan chuyên môn, thế nhưng hầu hết bà con chọn làm theo cách riêng nên sổ tay kỹ thuật trồng sử dụng cho đánh giá tiêu chuẩn rất khác so với thực hành tại vườn trồng hay đồng ruộng; việc bón phân dựa trên kinh nghiệm hơn là phân tích dinh dưỡng đất và xác định nhu cầu cây trồng.
Bên cạnh đó, có thể nói rằng không thể nào chứng minh được việc quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng sản phẩm bảo vệ thực vật của bà con là đảm bảo an toàn thực phẩm. Thuốc được sử dụng dựa trên kinh nghiệm của bà con và tư vấn của cửa hàng vật tư nông nghiệp. Khuyến cáo từ trung tâm dịch vụ nông nghiệp hay trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật của địa phương thường bị phớt lờ. Bảo hộ lao động đảm bảo an toàn và sức khỏe khi xử lý sản phẩm bảo vệ thực vật còn sơ sài. Quản lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng chưa tốt tại đa số nông hộ, mặc dù nhiều nơi được trang bị các thùng/bể chứa tập trung.
Thu hoạch và bán hàng thường do thương lái thực hiện, bà con gần như không bận tâm đến việc sản phẩm của mình được bán cho ai và bán đi đâu. Giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm trước khi thu hoạch gần như bị bỏ qua. An toàn và vệ sinh trong cả quá trình thu hoạch không được chú trọng.
– Có thể đó là những khởi đầu khó khăn, nhưng được biết các dự án tiêu chuẩn do bà hỗ trợ triển khai, đều có được những kết quả ban đầu, bà có thể chia sẻ?
– Khi kết thúc dự án, về cơ bản bà con nhận thức được rằng nên mua vật tư nông nghiệp cùng nhau để thuận tiện cho lưu giữ chứng từ, tất nhiên sẽ còn mất rất nhiều thời gian để có thể thống nhất được quy trình trồng trong cùng một nhóm thực hiện tiêu chuẩn. Bà con nhận thức được rằng nên có một đội ngũ chuyên quản lý sâu bệnh và dịch hại, vừa đảm bảo sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh và đúng liều lượng, lại vừa đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người thực hiện xử lý sản phẩm bảo vệ thực vật. Nhiều nơi được trang bị thêm thùng chứa hoặc cải tiến thiết kế, tạo thuận lợi hơn cho bà con khi vứt bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Về thu hoạch, bà con nhận thức được cần phải vệ sinh vùng trồng, không để chó, gà vào vườn trồng trước khi thu hoạch, cần lấy mẫu và phân tích dư lượng cho mỗi vụ trồng.
Trong số ba HTX tham gia chương trình chứng nhận, HTX nông sản an toàn An Hòa là HTX duy nhất thực hiện được hầu hết các khuyến cáo. Phía HTX nhận thấy với cách tiếp cận trao quyền và số hóa dữ liệu sản xuất, đã có sự chuyển biến đáng kể trong nội tại HTX trước và sau khi tham gia chương trình chứng nhận của dự án CoopEnable.
– Bà có thể nói chi tiết hơn về những tay đổi tích cực đó?
– Trước đây ban giám đốc HTX chỉ bao gồm một giám đốc phụ trách phần bán hàng và một phó giám đốc chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật. HTX không có đội ngũ được triển khai áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đa số công việc trông cậy vào nhân sự kiêm nhiệm của trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. HTX chưa có dịch vụ nông nghiệp cung ứng cho thành viên. Thành viên có thể bán cho HTX hoặc bán cho thương lái theo mong muốn của thành viên.
Khi triển khai tiêu chuẩn, HTX đã có được một ban vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu kiểm soát nhóm của GLOBALG.A.P.. Ban vận hành này bao gồm hai nhân sự từ hội nông dân của xã (cũng là thành viên HTX), một nhân sự từ trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xã có chuyên môn về kỹ thuật trồng nhãn và bảo vệ thực vật và hai nhân sự là nông dân trẻ (thành viên HTX) sử dụng tốt các ứng dụng cơ bản của Google. Tài liệu hệ thống quản lý chất lượng của HTX được biên soạn và chia sẻ trong nội bộ ban vận hành thông qua một ổ đĩa chung Google Drive thuộc tài khoản Google của trưởng ban. Thông tin quá trình sản xuất được ban vận hành nhập vào các biểu mẫu Google từ điện thoại thông minh và quản lý trực tuyến.
Một số thành viên HTX bắt đầu hướng đến việc thay thế dần vật tư nông nghiệp hóa học bằng các sản phẩm sinh học. Ban giám đốc ký hợp đồng phân phối phân bón hữu cơ và bán lại cho thành viên có nhu cầu, khởi đầu cho dịch vụ nông nghiệp.
Dự án kết thúc vào tháng 7 năm 2020, với số lượng thành viên của HTX An Hòa được chứng nhận là 39 (trên khoảng gần 50ha). Ông Hùng giám đốc cho biết sang năm 2021 ông sẽ xin ngân sách tỉnh để mở rộng số thành viên tham gia chương trình chứng nhận ra toàn xã. Ông nói tiêu chuẩn giúp ông tự tin hơn khi giao dịch với các đối tác.
– Có thể hình dung đó là những thay đổi từ cấp vĩ mô, tức bộ máy vận hành, còn với các xã viên?
– Trước đây thành viên không quan tâm đến việc lưu giữ hoặc ghi chép thông tin mua và sử dụng vật tư nông nghiệp, lượng sản phẩm bán. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật để ở đây, ở kia trong vườn trồng hoặc bỏ ra kênh, mương.
Sau khi thực hiện tiêu chuẩn, thành viên bắt đầu ghi sổ theo tiện ích của mình hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên vận hành được phân công. Các thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật được trang bị (12 thùng) và đặt ở khoảng cách thích hợp để thành viên không phải di chuyển quá xa.Các thành viên tham gia chương trình đồng ý với nhau rằng họ sẵn lòng bán sản phẩm được chứng nhận thông qua HTX khi được yêu cầu.
Kinh nghiệm và bài học thực tiễn này được đúc kết từ quá trình làm việc với HTX nông nghiệp và hộ sản xuất, bao gồm:
– HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (vú sữa)
– HTX Xoài Tân Thuận Tây
– HTX Nông sản an toàn An Hòa (nhãn)
– Hộ sản xuất Cũng Quang Tiến (lúa).
Kim Nguyễn thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này