
10:46 - 02/07/2022
Đừng mang rừng xanh về giam hãm trong nhà
Mùa bão lũ sắp về, tôi đã thấy những ánh mắt ngước nhìn bầu trời cầu nguyện. Làn da nám xám trên đôi cánh tay và bàn chân người nông dân co rúm.
Họ sẵn sàng với những cơn giận từ thiên nhiên, trả nợ cho những kẻ khoe mẽ giàu có và đủ đầy giả tạo đang từng ngày rút ruột rừng xanh.
Hằng mỗi năm… Bao gia đình lo lắng bị cuốn trôi, bị xô đổ. Nhiều ngôi làng bị cuốn trôi phút chốc trong cơn lũ. Đồi núi sạt lở vùi dập nhà cửa và hoa màu. Cả nước chứng kiến cảnh cứu trợ khẩn cấp, cảnh thân nhân thoát nạn qua một cơn mưa bão không còn thấy xác người thân, bao gồm cả con thai nhi chưa kịp chào đời! Bao cảnh nguyện cầu trong trục vớt, rưng rưng nghẹn nức nước mắt kiếm tìm niềm hy vọng cuối cùng của một người cha, một người vợ, một đứa trẻ…
Ở một nơi nào đó, và nhiều nơi như vậy. Nhiều người sung sướng chăn ấm, nệm êm ngồi ngắm mưa bão đổ xuống. Họ chê bai người dân hạ nguồn và người dân sống cheo leo rừng núi khờ dại, tại sao không chọn chỗ an toàn làm nhà mà lại sống trong những căn nhà tạm bợ ấy? Còn tôi, tôi không hiểu tại sao lại có những câu hỏi ngây thơ đến vậy! Nếu những người dân tộc anh em của chúng ta không sống ở những khu vực đó thì ai canh tác lâm nghiệp? Ai bảo vệ rừng? Ai trồng rừng? Ai bảo vệ biên giới? Ai là những nguồn tin báo cho biên phòng cảnh giác các thế lực xấu lần chiếm đất Việt? Hãy thử hỏi, hơn 2000km biên giới đất liền liệu có lực lượng biên phòng nào đủ người canh giữ? Và nếu người dân rời bỏ lâm nghiệp an cư bấy lấy nay, xuống đồng bằng liệu có đất đai cho họ canh tác? Trong khi nhà nước có chính sách giao khoán rừng, khuyến khích người dân canh tác và bảo vệ cũng như trồng rừng, vậy nếu họ bỏ xuống phố làm việc thì ai thay họ làm chuyện đó?
Có nhiều cái ngây thơ và hồn nhiên trước thảm kịch!
Tôi đi dọc đất nước, qua nhiều tỉnh thành suốt gần 20 năm qua. Trong nhiều gia đình giàu có, những bộ bàn ghế, giường, sập, tủ… được làm bằng những khối gỗ tự nhiên, có giá trị cả trăm triệu đến cả tỷ đồng. Cây cổ thụ thay vì trước gió bão sẽ che chắn cho đồng bào thì nay bị con người cắt thịt da mang từ rừng xanh về giam hãm trong nhà.
Không chỉ người giàu, những gia đình thu nhập thấp, cái nghèo còn cận kề, đường học hành của con cái còn bỏ ngỏ nhưng cũng kịp đem chưng trong gia đình mình những khối gỗ chễm chệ giữa nhà. Xin đừng mang rừng xanh về nhà để trang trí, hãy để thế hệ tương lai bớt đi “nhân tai”. Đừng chỉ ngồi đó để thương xót cho người dân không may trong bão lũ, đừng chỉ bố thí hay quyên góp làm từ thiện đôi đồng bạc để bớt đi mặt tội lỗi trong lương tâm. Hãy thật sự để rừng xanh bảo vệ đồng loại.
Đừng mang rừng về nhà?
Mỗi lúc về quê, tôi vào các gia đình người thân thăm hỏi.Nhà nào cũng có bộ phản gỗ, bộ bàn ghế gỗ nguyên khối, giường ngủ gỗ quý tự nhiên, chí ít thì bộ bàn ghế gỗ hạng thường.Mỗi bộ có giá trung bình 60 triệu, nhưng giá thấp cũng cỡ ngoài 40 triệu, cao hơn thì đong đếm bằng trăm triệu.Họ coi đó là biểu hiện của sự khá lên trong đời sống kinh tế. Nhà này thì nhà nọ cũng cố sắm cho có bằng được. Đua nhau thể hiện cái giàu có. Nhưng có giàu có thật không? Con cái đi học thì kêu không có tiền. Học phí thì thầy cô giáo giục đóng cả năm trời, than phiền đi học tốn tiền khoản này khoản khác, chần chừ khất hứa lần này lần nọ. Trong khi, mỗi đứa con đi học chỉ tốn chừng một vài triệu đồng nhưng vẫn than! Có đứa con mới học hết lớp 12, chỉ mong con cái đi làm chứ học hành tốn kém, tiền đâu mà đóng học phí, lại thêm “học hành tốn kém mà không biết tốt nghiệp có việc làm hay không?”, rồi lại có lý do “vì sức khỏe yếu, không đủ cho con đi học”… để từ chối cho con cái tới trường.
Biết bao tang thương mùa bão lũ, ai ai cũng xót xa! Vậy, nhưng có bao nhiêu người xót xa ấy vẫn vô minh như mình vô can. Họ xén rừng xanh bảo hộ để canh tác, bất chấp cảnh báo nguy hại dân sinh. Họ ung dung xẻ thịt rừng già làm du lịch. Rồi đến một ngày, những cánh rừng xanh bị hạ bệ hoàn toàn. Dòng nước đầu nguồn như thác lũ đổ ập xuống. Hạ lưu như chìm trong cơn đại hồng thủy mà Thượng đế giáng xuống dân Chúa năm xưa đã phạm tội. Ngày nay, con người chống lại thiên nhiên, nhưng chẳng có con tàu No-ê nào đủ chỗ để cứu lấy người dân vô tội. Than ôi, chỉ vì khoe khoang sự giàu có, trang trí cho hợp ngôi nhà mà chúng ta mua những dụng cụ được làm bằng những khối gỗ to sụ, tiếp tay cho lâm tặc, cho bọn phá rừng. Chúng đáp ứng nhu cầu cho kẻ sĩ diện hão, khoe khoang sự giàu có, nhưng đổi lại thì rừng xanh mất, thiên tai trút xuống đồng loại mình, mất mát này chúng ta chỉ thấm thía khi chính thân nhân ta phải chịu.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này