
10:16 - 03/09/2022
‘Chia rẽ’: bức tường nào đang ẩn giấu trong con người?
Ý niệm hay tạm gọi là khái niệm “chúng ta và chúng nó” hiện lên khắp nơi. Lướt mỗi dòng trạng thái, chúng ta đều thấy xung đột ý thức, thế giới quan, và “hành động bạo lực bằng chữ viết”.
Xin bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện được tác giả kể lại ở biên giới Ấn Độ và Bangladesh như sau: “Biên giới hai quốc gia này, có hàng rào dài nhất thế giới (hơn 4.000km) để ngăn người vượt biên. Năm 2011, cô bé 15 tuổi Felani Khatun cùng cha mình làm việc bất hợp pháp ở Ấn Độ muốn quay về quê thăm gia đình, chấp nhận trả cho một tay buôn lậu 50 đô la Mỹ để đưa họ vượt biên. Bình minh ló dạng, hàng rào biên giới phủ trong sương mờ, cô bé trèo lên một thang tre leo qua hàng rào. Bộ váy cô vướng vào dây thép gai, cô bé hoảng loạn và la hét cầu cứu cha. Sau hàng loạt vụ khủng bố xâm nhập trước đó, Lực lượng An ninh biên giới Ấn Độ đã được lệnh nổ súng bắn bỏ, và lính tuần biên giới đã tuân lệnh. Đó là một cái chết từ từ. Cô gái vẫn đung đưa trên hàng rào, chảy máu nhưng vẫn còn sống, suốt vài giờ liền. Khi mặt trời lên và sương mù tan đi, có thể thấy cô ở đó đang kêu khóc xin nước uống trước khi gục ngã vì những vết thương. Cái chết dần mòn kinh khủng đầy bạo lực.”
Những người di chuyển đang bỏ chạy khỏi nghèo đói và/hoặc bạo lực, hướng về những đất nước giàu có hơn, ổn định hơn. Và không chỉ trên thực tế, bây giờ trên các nền tảng mạng xã hội, mà dễ thấy hơn ở chúng ta là mạng xã hội Facebook – được coi là một xã hội và xã hội ấy chia rẽ khắp thế giới, buông lời công kích và thù hằn với nhiều “bộ lạc” xung đột. Ý niệm hay tạm gọi là khái niệm “chúng ta và chúng nó” hiện lên khắp nơi. Lướt mỗi dòng trạng thái, chúng ta đều thấy xung đột ý thức, thế giới quan, và “hành động bạo lực bằng chữ viết”. Ở đó, “ta có lý và họ không biết gì!”. Chẳng khó khăn gì để có một nhận định “sự chia rẽ vẫn đang tồn tại nếu chúng ta muốn dựng xây sự thống nhất”.
Trường hợp Trung Quốc
Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc mà nhiều người vẫn mang ý tưởng đó là sự chia tách thành “những ai là người Trung Quốc và những ai không phải” trong quá khứ. Bức tường bảo vệ Trung Nguyên của người Hán.Tuy nhiên, bức tường đó được xây lên dựa trên một ý tưởng đơn giản “ở một bên là văn minh, còn bên kia là sự man di mọi rợ”. Theo cách mô tả của nhà Trung Hoa học người Mỹ King Fairbank, Vạn Lý Trường Thành là “lằn ranh chia cắt thảo nguyên với đồng ruộng, du mục với nông nghiệp, và man rợ với văn minh”. Người Hán tin rằng, hoàng đế Trung Hoa có chân mệnh thiên tử trên toàn thế giới, là hoàng đế hợp pháp của thế giới, từ đó suy ra, mọi nhà cai trị khác đều thấp kém hơn, mọi nền văn mình khác đều ở đẳng cấp thấp hơn. Và, đến nay, điều đó chưa thay đổi.
Không chỉ bức tường cổ của nền văn hóa xưa, mà ngày nay một vài trang giấy cũng phân hạng công dân.Cụ thể, cái hộ khẩu. Cụ thể, tại Trung Quốc, dù ai đó tới Thượng Hải làm việc, nhưng hộ khẩu của họ ở vùng nông thôn làm nông nghiệp, họ đi làm lao động tay chân (đôi khi đến kiệt sức) và gởi tiền về cho gia đình thì cũng sẽ không được hưởng các quyền lợi y tế hay phúc lợi xã hội ở Thượng Hải. Điều này làm phát sinh một tầng lớp dân nhập cư đông đảo ở đô thị xuất thân từ nông thôn nhưng không có quyền thụ hưởng một phần các dịch vụ xã hội. Họ là công dân hạng hai ở quê vì là lao động tay chân, không được học hành đầy đủ, không có nhiều kỹ năng ngoài sức lao động, giờ lại cũng bị xem là công dân hạng hai ở thành phố. Nó làm cho con người lao động mất đi sự bình đẳng trong thụ hưởng thành quả lao động, sự đóng góp cho xã hội chỉ vì tờ giấy.
Trường hợp Hoa Kỳ
Cũng như Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, với ý đồ chia cắt giữa văn minh và man di mọi rợ, thì bức tường mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi trúng cử tổng thống đã xây lên nhắm tới “chia tách người Mỹ với người không phải Mỹ” giữa Hoa Kỳ và Mexico để làm giảm bớt người nhập cư bất hợp pháp.
Mặc dù các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã có ý thức về sự đa dạng chủng tộc và cố gắng thiết lập một quốc gia dưới quyền của Chúa với sự bình đẳng cho tất cả, “Bình đẳng trước pháp luật là một nền tảng vững mạnh để đạt được bình đẳng trên thực tế”
Vì sao lại có một bức tường mà Donald Trump quyết liệt xây lên, và lên cao và dài thêm? Vì rằng, theo những người ủng hộ Trump, dân nhập cư lấy mất công ăn việc làm của người Mỹ, cũng như ngăn chặn người nước ngoài vào và bảo vệ các giá trị Mỹ. Các bức tường giữa Mỹ và Mexico được củng cố qua các đời tổng thống, càng làm sâu sắc những chia rẽ. Không chỉ vấn đề người nhập cư, nội tình nước Mỹ cũng chia rẽ bởi một bức tường khác, đó là “làn da” hay sự phân biệt chủng tộc giữa các sắc tộc. Ở đó, làn da của bạn màu gì, xuất thân thế nào thì cơ hội của bạn cũng tỉ lệ tương đối vơi cơ hội quyền con người. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trẻ em da đen bộc lộ đầy đủ kỹ năng chậm hơn trẻ em da trắng, trong gia đình da đen thì học sinh được tiếp cận các tài liệu ít hơn, cha mẹ ít có thời gian hơn để đọc sách cùng con cái. Lớn lên, số học sinh da đen bị đình chỉ học hoặc bị cho thôi học cao gấp ba lần so với học sinh da trắng.Và, các trường có học sinh thiểu số và da đen chiếm đa số thì giáo viên được trả lương thấp hơn và được bố trí giáo viên cũng thiếu kinh nghiệm hơn.
Trường hợp Israel
Mặc dù chỉ có 3% “rào chắn ngăn cách” trên thực tế ngăn cách Israel và Bờ Tây của Palestine làm bằng bê tông, 97% còn lại được làm bằng dây thép gai, nhưng người ta vẫn gọi đó “bức tường”. Bức tường đó là tượng đài cho một trong những bất đồng khó xử lý nhất trên thế giới. Chính quyền Israel luôn tìm cách lấn dần hàng rào sang phần đất của Palestine, và họ gọi đó là “thực tế trên thực địa”. Tuy nhiên, thực tế là Israel đang ở trên thực địa của Palestine.
Sự phân biệt giai cấp và tôn giáo vô cùng mạnh mẽ, khoảng 79% người Ả Rập sống ở Israel tin rằng họ bị phân biệt đối xử. Tỷ lệ nghèo đói của người Ả Rập ở mức 50%, mức thu nhập của họ cũng thấp dưới đáy của kim tự tháp, và khó tiếp cận công việc được trả lương cao. Bởi lý do, những người Ả Rập sống ở Israel tự xác định họ là người Palestine. Bức tường vô hình từ việc tranh giành quyền lực giữa Hamas và Fatah đã đẩy các nhóm người vào thế đối đầu nhau.Quyền lực chính trị và thế giới quan giữa hai thế lực đối lập đã khiến xung đột sắc tộc và tôn giáo lên cao.
Israel là một quốc gia tiêu biểu cho khái niệm chia rẽ theo nhiều nghĩa, với những người rất khác nhau sống cạnh nhau, hay trong một số trường hợp, không thể sống cạnh nhau. Ví dụ rõ ràng nhất về thất bại trong tiến trình đối thoại của con người.
Trường hợp Trung Đông
Sự ly giáo là do tranh cãi về việc ai sẽ lãnh đạo Hồi giáo sau cái chết của Muhammad vào năm 632. Bởi vậy, sự chia rẽ giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia trong nội bộ đạo Hồi đã tồn tại từ thế kỷ thứ 7.
Sẽ là thơ ngây cho ai tin rằng, tôn giáo là yêu thương, là bao dung, là tốt lành cho tới lúc nhận ra, vì thế giới quan và tinh thần tôn giáo cực đoan khác nhau mà chính tôn giáo đã gây chia rẽ và hận thù. Tách biệt tha nhân thành “chúng ta và chúng nó” chứ không phải “chúng tôi và chúng ta”. Thế giới Ả Rập vẫn ở trong tình trạng “khép kín”. Có ba điểm thiếu hụt níu chân khu vực là: thứ nhất, thiếu quyền tự do nhất định, không bắt kịp tri thức toàn cầu về khoa học, tư duy chính trị, tôn giáo so sánh; thứ hai, thất bại trong việc đón nhận những phát triển về viễn thông để phát tán tri thức đã có; thứ ba, sự tham gia của phụ nữ vào chính trị thấp nhất thế giới. Sự khép kín đó đã níu chân thế giới Ả Rập và hiện nay trở thành một trong những điểm chia rẽ lớn trong các xã hội Ả Rập. Các chế độ Ả Rập vẫn đàn áp không thương tiếc bất đồng chính kiến, các quyền tự do cá nhân, nhiều ý tưởng của thế giới bên ngoài không được cháo đón, và “mười một nước Ả Rập đang rơi vào trong xung đột nội bộ”.
Đôi khi sự chia rẽ có vẻ dễ dàng hơn sự thống nhất.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này