09:15 - 05/05/2021
Chứng khoán tháng 5 lại băn khoăn ‘bán hay mua’?
Cứ đến tháng 4 hằng năm, giới đầu tư chứng khoán lại truyền tai nhau câu “sell in May and go away”. Đây là thành ngữ ứng với thị trường chứng khoán Âu Mỹ, nhưng cũng không phải không đúng với thị trường Việt Nam.
Liệu tháng 5/2021 sắp tới có phải là thời điểm nhà đầu tư sẽ bán tháo khiến thị trường giảm sâu?
Bán vào tháng 5 để đi chơi?
Một trong các tiền đề để thị trường chứng khoán tăng điểm là lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng. Trong quý 1/2021, lợi nhuận phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, một phần do lợi nhuận quý 1/2020 ở mức thấp. Điều này có thể lý giải cho tâm trạng hào hứng rót tiền vào thị trường chứng khoán trong quý đầu năm nay, nhất là với nhà đầu tư cá nhân. Thị trường có thể sẽ tăng điểm tiếp do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đến giờ vẫn đang khả quan.
Từ đầu năm đến giữa tháng 4/2021, chỉ số VNIndex đã tăng hơn 16%. Tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới cũng liên tiếp lập kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Chẳng hạn, trong tháng 3.2021, kỷ lục mới là có thêm hơn 113.000 tài khoản mới gia nhập thị trường. Nhưng liệu khí thế đầu tư chứng khoán hừng hực từ cuối năm 2020 đến nay có bị chặn lại bởi “lời nguyền” mà giới đầu tư vẫn truyền tai nhau là bán hết vào tháng 5?
Ông Hoàng Thạch Lân cho rằng diễn biến chứng khoán là một chuỗi thời gian. Nếu thị trường trong xu hướng tăng thì nó sẽ tăng đến khi có tin xấu xuất hiện. Ngược lại, chuỗi giảm sẽ đảo chiều khi có dòng tiền lớn đổ vào để “bắt đáy”, khiến lòng tham của đám đông trỗi dậy.
Còn ông Nguyễn Ngọc Huy Cường – giám đốc quản trị rủi ro, công ty chứng khoán Funan thì cho rằng, thành ngữ “bán tháng 5” không tác động nhiều đến thị trường Việt Nam. Từ tháng 5 đến cuối năm 2021, diễn biến chính của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là tăng điểm. Thanh khoản thị trường vẫn đang ở mức tốt. Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HOSE và HNX hồi cuối tháng 3 ở mức 15.000 – 16.000 tỷ đồng đã tăng lên mức 17.000 – 18.000 tỷ đồng vào giữa tháng 4.2021. Mức tăng này không nhiều nên khá bình thường. Để thị trường đảo chiều theo hướng giảm, phải có vài phiên (2 – 5 phiên) thanh khoản đột biến cỡ trên 20.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy giới “cá mập” đang “rút chốt” và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bán tháo theo.
Cơ sở giúp thị trường giữ xu hướng tăng là hầu hết doanh nghiệp vẫn đang ăn nên làm ra, rất ít doanh nghiệp trì trệ. Ngành chứng khoán cũng có nhiều quyết tâm lọt vào nhiều rổ chỉ số quan trọng của khu vực. Đồng thời, chứng khoán – hàn thử biểu của nền kinh tế cũng sẽ được Chính phủ hỗ trợ ở mức hợp lý trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.
Những ngành được hưởng lợi nhiều nhất
Có thể điểm danh trước vẫn là ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, kế đến là bất động sản và đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Thị trường chứng khoán tăng sẽ giúp các công ty chứng khoán hưởng lợi, ngoài phí môi giới, nguồn lợi còn đến từ cho vay margin và tự doanh chứng khoán. Ngành ngân hàng vẫn như thời gian qua, hưởng lợi ổn định dù người đi vay khó khăn. Riêng với ngành bảo hiểm, lợi thế thuộc về những doanh nghiệp mới triển khai hình thức phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong 1 – 2 năm đầu. Giai đoạn này, doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm có thể tăng đến 50%.
Ngành bất động sản cũng là ngành chiếm ưu thế. Ngay từ đầu năm 2021, cổ phiếu ngành này đã tăng đáng kể. Trong năm 2019 và 2020, doanh nghiệp ngành này đã hút được một lượng vốn rất lớn qua kênh trái phiếu. Cùng với việc được tháo gỡ nhiều vướng mắc từ đầu năm 2021 (Luật Đầu tư hay Xây dựng sửa đổi), các doanh nghiệp bất động sản có cơ hội phát triển bùng nổ trong năm 2021.
Còn theo quan điểm của ông Cường, từ giờ đến cuối năm 2021, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư chủ đạo. Thị trường sẽ tăng liên tục ít nhất đến cuối quý 2 và đầu quý 3 năm nay, khi các chính sách thắt chặt tiền tệ được khởi động. Bởi lẽ, một lượng tiền lớn liên tục đổ vào lĩnh vực không tạo ra hàng hóa trực tiếp như chứng khoán, là một tín hiệu rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Ông Cường dự đoán, cuối quý 3 hoặc chậm nhất là đầu quý 4/2021, Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành các chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến thị trường giảm bớt độ hưng phấn. Dù vậy, nhịp tăng của thị trường vẫn sẽ ổn định và giữ trên mức 1.200 điểm, cao nhất có thể đạt đến 1.400 điểm.
Các cổ phiếu được chú ý nhất là ngành bất động sản công nghiệp. Nhóm cổ phiếu này đã tăng đột biến trong năm 2020 nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay. Ngành tiêu dùng cũng sẽ nằm trong xu hướng tăng do nhu cầu tăng trưởng trong bối cảnh xã hội ổn định trở lại sau dịch Covid-19. Riêng ngành ngân hàng đã trải qua giai đoạn khó khăn và đang tích lũy lợi nhuận theo hướng tăng dần đều, cũng rất đáng để đầu tư. Nhất là với khả năng Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ vào cuối năm, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn lợi nhuận khác nhờ tăng lãi suất.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, giám đốc phân tích, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS), nguồn gốc câu “sell in May and go away” bắt nguồn từ nước Anh và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Âu Mỹ. Từ tháng 5 hằng năm, nhà đầu tư thường nghỉ lễ và du lịch để tận hưởng không khí ấm áp của mùa hè. Đến tháng 11 thì giao dịch tăng lại, khi vào mùa đông lạnh giá. Thành ngữ này không phải lúc nào cũng đúng nhưng thường xuyên ứng nghiệm trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Tại Việt Nam, thành ngữ này cũng được giới đầu tư chứng khoán xem xét cẩn thận, vì có nhiều năm, thị trường diễn biến đúng như thế. Lẽ thường, tháng 4 và tháng 5 là thời gian diễn ra đại hội cổ đông của doanh nghiệp niêm yết, thông tin được công bố đầy đủ khiến yếu tố kỳ vọng không còn, giá cổ phiếu cũng không còn đột biến sau giai đoạn này. Ngoài ra, thị trường Việt Nam tương thông nhiều với các thị trường lớn trên thế giới, nhà đầu tư lo ngại cũng là bình thường.
Hoàng Yến (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này