10:06 - 13/06/2016
Phú An Sinh chết vì ‘làm đúng chủ trương’
“Phú An Sinh thực hiện đúng chủ trương thì gặp khó khăn, còn những doanh nghiệp khác làm sai thì vẫn sống khoẻ là bất hợp lý”, ông Minh tâm sự với chúng tôi trước lúc bị tù tội.
Như chúng tôi đã phản ánh, trong số vô vàn nguyên nhân dẫn đến tù tội, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, từng chia sẽ chính việc nôn nóng thực hiện chủ trương quy hoạch giết mổ của UBND TPHCM thời điểm 2010, chuyển nhà máy từ quận 12 về Bà Rịa-Vũng Tàu.
Làm đúng quy hoạch nhưng rồi giám đốc thì lãnh 19 năm tù, còn công ty thì bên bờ vực phá sản.
Tham vọng nắm 20% thị phần của Phú An Sinh
Kể từ sau dịch cúm gia cầm cuối năm 2003, do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh, Phú An Sinh từ một cơ sở giết mổ thủ công đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền giết mổ tập trung đầu tiên tại TPHCM.
Với thương hiệu gà sạch, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, sản phẩm Phú An Sinh khi tung ra thị trường nhanh chóng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Lúc đó, dây chuyền giết mổ của Phú An Sinh còn khá khiêm tốn, công suất khoảng 200 con gà/giờ, nhưng mỗi đêm tung ra thị trường bốn năm ngàn con gia cầm, dịp cao điểm tết có khi tăng lên mười, mười lăm ngàn, chiếm tới 10% thị phần.
Nhớ lại, ông Minh bảo đây là quảng thời gian kinh doanh huy hoàng nhất trong đời mình.
Công việc kinh doanh đang lên thì TPHCM có chủ trương quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ. Đến năm 2010, phải chuyển toàn bộ các cơ sở giết mổ, trong đó có cả Phú An Sinh, An Nhơn, Vissan, Nam Phong… từ nội thành ra bên ngoài nhằm đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng trong thời điểm này, Chính phủ và các địa phương lại liên tục đưa ra chính sách ưu đãi đầu tư bằng việc hỗ trợ vốn, lãi suất thấp.
Phú An Sinh nhận thấy đây là cơ hội để thay đổi toàn diện quy mô công ty.
“Trong đầu tôi lúc đó suy nghĩ nếu mình đi trước sẽ có nhiều lợi thế hơn so với những doanh nghiệp đi sau”, ông Minh nói.
Sau đó, ông phác thảo ra phương án xây dựng một nhà máy giết mỗ công nghiệp đạt chuẩn, có đầy đủ trang thiết bị, hạ tầng với công suất giết 2.000 con gia cầm/giờ, tức khoảng 15 ngàn con/đêm.
Địa điểm ông chọn là Bà Rịa- Vũng Tàu, địa phương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế, đất đai và hơn hết là có lợi thế gần vùng nguyên liệu, thời gian đưa hàng về thị trường TPHCM cũng chỉ mất một giờ đồng hồ.
Thực tế, việc quyết định đầu tư nhà máy giết mổ quy mô như Phú An Sinh thời điểm năm 2007-2008 không phải ai cũng mạo hiểm, chỉ có người trong nghề, có kinh nghiệm, suy đoán hết lợi thế mới bạo gan bỏ một lúc ra hơn 40 tỷ đồng như Phú An sinh.
Ông Minh tính toán: các đơn vị khác chuyển lò giết mỗ ra sau theo chủ trương của thành phố và không phải ai cũng có lực để mở nhà máy nên chắc chắn phải thuê Phú An Sinh làm gia công.
Như vậy thì chỉ cần một đêm làm gia công 10 ngàn con gà, với giá 3.000 đồng/con, thì ông đã thu về 30 triệu. Tính ra một tháng có 1 tỷ đồng, trang trải chi phí 500 triệu, vẫn còn lời 500 triệu.
Vậy là một năm có 6 tỷ đồng và trong vòng 5 năm năm thu hồi vốn nhà máy mà chưa tính đến việc tự giết mổ và kinh doanh riêng.
Với logic tính toán như vậy, Phú An Sinh tự tin hướng đi của mình là đúng. Sản lượng giết mổ tăng lên cũng đồng nghĩa với việc thị phần nắm giữ không phải là 10% như trước mà dự kiến phải là 20%…
“Nếu siết chặt quản lý giết mổ, mua bán đúng quy định thú y, các doanh nghiệp phải chuyển hết ra ngoài thì sự cạnh tranh thị trường sẽ bình đẳng, lúc đó, chắc chắn công ty dễ dàng tăng thị phần, thậm chí chúng tôi còn có tham vọng mở rộng ra các tỉnh phía Bắc”, ông Minh tâm sự.
Làm tốt thua lỗ, làm sai sống khỏe
Kế hoạch xây dựng nhà máy trong 2 năm 2007-2008 không vấp phải bất cứ cản trở nào. Đến đầu năm 2009, Phú An Sinh đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ gia cầm lớn nhất khu vực phía Nam.
Việc đầu tư bài bản, sản phẩm giết mổ đạt tiêu chuẩn, hơn nữa Phú An Sinh sử dụng nguồn gia cầm tự nuôi, có nguồn gốc rõ ràng giúp cho sản phẩm gia cầm thương hiệu Phú An Sinh tiếp cận thị trường khá thuận lợi.
Nhiều khách hàng lớn như KFC, Lotte, Metro, hệ thống công ty dầu khí, các bếp ăn công nghiệp và nhiều công ty kinh doanh thực phẩm ùn ùn kéo đến đặt hàng.
Những tháng đầu năm 2009, doanh số tăng nhanh ngoài dự tính, từ 8 tỷ lên 10 tỷ thậm chí đạt 15 tỷ.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy nữa năm vận hành, mô hình phát triển từ cơ sở giết mổ nhỏ sang quy mô nhà máy lớn đã lộ yếu kém trong vấn đề cạnh tranh.
Khó khăn lớn nhất mà Phú An Sinh gặp phải đó là việc TPHCM đã không thực hiện đúng cam kết quy hoạch, các lồ giết mỗ vẫn tồn tại trong nội thành như Huỳnh Gia Huynh Đệ, An Nhơn, Vissan, Nam Phong…
Chẳng hạn, theo đề án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được UBND TP ban hành đầu năm 2005, lò giết mổ An Nhơn nằm trong khu dân cư, phải ngưng hoạt động vào năm 2010.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay lò này vẫn tồi tại, mỗi đêm giết mổ không dưới 40.000 con gia cầm…
Ngoài Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (An Nhơn) do tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) quản lý chậm tiến độ di dời, những lò khác như Vissan, Nam Phong và hàng chục lò thủ công khác…đến nay vẫn hoạt động bình thường.
Việc các lò mổ nội thành “được phép” tồi tại không đúng với thời gian quy hoạch một cách hợp pháp, đã đưa đến khá nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp. Mỗi đêm, chi phí mà doanh nghiệp giết mổ trong nội thành bỏ ra rất thấp.
So với các doanh nghiệp phải chuyển ra nhà máy ra ngoài như Phú An Sinh hay Huỳnh Gia Huynh Đệ sau này thì những lò mổ nội thành chỉ phải chịu chi phí vận chuyển sản phẩm từ lò mổ đưa ra thị trường rất thấp.
Tiểu thương chợ lẻ chỉ việc dùng xe hon-đa đến lò mỗ, như An Nhơn chẳng hạn đến lấy gia cầm về bán. Còn thịt heo chỉ cần sử dụng xe hon đa, ba gác máy chứ ít khi thấy dùng xe tải lạnh như theo bắt buộc quy định thú y.
Với quãng đường vận chuyển ngắn, đa số không phải trữ lạnh, sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng vẫn còn tươi nóng, cạnh tranh hơn hẳn so với loại thịt ướp lạnh vốn không được người tiêu dùng ưa chuộng của doanh nghiệp khác phải di dời ra ngoài…
Ông Phạm Văn Minh từng bức xúc nói đây là tình trạng cạnh tranh không bình đẳng. Thịt gà, thị heo đưa từ ngoài vào thành phố phải đóng bao bì, vận chuyển trên xe tải lạnh, thực hiện nghiêm ngặt quy định thú y.
Còn sản phẩm giết mổ tại TP chỉ cần chở trên xe gắn máy, tốn ít chi phí và có thể vận chuyển giờ nào cũng được.
Cũng một bộ lòng gà nhưng các lò mỗ ở An Nhơn bán ra 4.000 đồng (vào thời điểm 2010), còn ướp lạnh chỉ có 2.000-3.000 đồng.
Tương tự một bộ lòng heo ướp lạnh cũng có giá thấp hơn 12-15% so với bộ lòng còn tươi, nóng giết mổ ngay tại thành phố.
“Phú An Sinh thực hiện đúng chủ trương thì gặp khó khăn, còn những doanh nghiệp khác làm sai thì vẫn sống khoẻ là bất hợp lý”, ông Minh tâm sự với chúng tôi trước lúc bị tù tội.
Hoàng Bảy
Theo VietQ.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này