
21:59 - 16/10/2019
Chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu có dành cho doanh nghiệp nhỏ?
Nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa là vấn đề được quan tâm tại ngày hội các Nhà cung cấp 2019 tại TP.HCM.
Theo khảo sát, khi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thường nhận thức ngay một trong những rào cản là cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đối mặt với những thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ…
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án USAID LinkSME, trên thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy hội nhập. Với nền tảng tư duy thay đổi trong hội nhập, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ từng bước giải quyết được vấn đề hạn chế của mình để hội nhập sâu vào thị trường thương mại tự do.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế một số quốc gia và thế giới đang đi xuống. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dẫn dắt bởi tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI, thị trường tiêu dùng nội địa, nền sản xuất thay đổi theo xu hướng đáp ứng thị trường tiêu dùng…
Trước bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam được hưởng lợi ở lĩnh vực xuất khẩu, mở rộng thị phần tại Mỹ. Cụ thể, trong 9 tháng 2019 tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 28%.
Ngược lại, Việt Nam cũng đối mặt với thâm hụt thương mại với Mỹ. Những yếu tố này, đã đặt Việt Nam vào thế “bất lợi” và có thể bị Mỹ nêu tên là một trong những quốc gia thao túng tiền tệ. Còn trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần giải quyết những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, đầu tư công… để thu hút hiệu quả FDI.
Còn ông Jared Mecham, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh luồng tiền và Thanh toán quốc tế, Ngân hàng Citi Việt Nam cho biết, các công ty đa quốc gia mong muốn mở rộng đầu tư hơn là đầu tư mới tại một số quốc gia, khi dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Đặc biệt, nhiều công ty đa quốc gia được khảo sát cho hay, có “xem xét” chuyển dịch sản xuất, cũng như đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp đa quốc gia, hay trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI.
Đơn cử, so với một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá lao động, nguồn nhân lực, với những chính sách ưu đãi tốt cho doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, quy mô dân số của Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn cho những nhà đầu tư không chỉ dừng lại trong việc mở rộng đầu tư, mà còn có nhu cầu tìm kiếm thị trường mới hay khai thác thị trường tại nơi đặt cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, muốn thúc đẩy công ty nội địa, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp FDI, một số chuyên gia cho rằng, các nhà cung ứng cần hiểu rõ kỳ vọng của doanh nghiệp FDI để đáp ứng tốt nhu cầu của họ. Đặc biệt, chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu luôn luôn đòi hỏi nhà cung ứng đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế, quy định của nhiều thị trường khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở những quy định của doanh nghiệp FDI hay công ty mẹ.
Nhân Phương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này