08:50 - 17/05/2019
Thoát khỏi tự ti hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
GS.TS Võ Tòng Xuân kể lần đầu tới Philippines vào năm 1961, nói gạo Sài Gòn họ biết đó là gạo Việt Nam. Công lớn của các thương nhân quốc tế, họ nhập gạo từ Việt Nam bán cho các nước từ hồi xửa hồi xưa.
Gạo là một trong những loại hàng hoá sớm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hồi xưa, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, chành là đầu mối cung ứng vào chuỗi. Hiện nay, Thái Lan vẫn còn duy trì hoạt động chành, họ học cách vươn ra thế giới, đinh vị như “thương lái quốc tế”, như những thương nhân có bề dày hàng trăm năm.
Thái Lan học cách làm của thương nhân quốc tế. Họ lập nhà máy ở Camargue, Pháp, rồi nhập gạo lứt từ Thái, lau bóng, đóng gói xuất khẩu sang nước thứ ba. Cách làm này vừa giảm chi phí, vừa tăng hiệu quả khai thác tài nguyên, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và giá trị sống của các tác nhân tham gia chuỗi.
“Các đại gia Việt Nam quá giàu trong nước mình, nếu họ mạnh lên để nhà sản xuất trong nước dựa vào đó phát triển mối liên kết chuỗi vươn ra nước ngoài, hoặc như người Thái trở thành thương nhân quốc tế, liên kết chuỗi theo cách đó sẽ giúp ích cho dân mình”, GS Xuân nói.
Gạo là điển hình tham gia chuỗi khá sớm, thì cá tra có nhiều bài học theo những nấc thang hội nhập, nhiều sóng gió, va chạm pháp lý hơn cả. Năm 2019, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) thuộc bộ NN-PTNT, cho biết cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ sớm đưa ra quyết định chính thức công nhận, sau khi công bố dự thảo công nhận tương đương đối với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cho cá tra Việt Nam, để lấy ý kiến công chúng.
Trong ba nước đề xuất công nhận tương đương hệ thống của Mỹ, gồm Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam có kết quả tốt nhất (Thái Lan và Trung Quốc đều phải thanh tra lại trước khi công nhận tương đương), tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với báo cáo của Việt Nam đạt mức cao nhất, 80% so với tỷ lệ ủng hộ cho Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 57% và 40%.
Đã có lúc dựa theo cách đánh giá tương đồng, lại áp đặt phi lý; nhưng kiên trì theo đuổi vận hội, điều chỉnh theo chuẩn mực để cá tra Việt Nam có thể thâm nhập sâu, rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, cuối cùng “vừng ơi mở ra”.
Bích Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này