10:10 - 15/09/2020
Đậu Anh Tuấn: Sẵn sàng tâm thế cho sự thay đổi
Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Năm 2020 có lẽ là thời gian khắc nghiệt nhất với các hoạt động kinh doanh, thử thách liên tục các nhà kinh doanh.
Tương lai bất định
Cách đây mấy ngày tôi có đi thăm một dây chuyền sản xuất rất lớn của một tập đoàn nước ngoài, lịch đưa vào hoạt động là tháng 4 năm nay nhưng đã bị hoãn đến tháng 11, lý do đơn giản là chuyên gia kỹ thuật không sang được.
Mọi thứ đứng yên một chỗ. Kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường đã bị chậm ít nhất hơn nửa năm, nhưng không biết liệu tháng 11 đã hoàn chỉnh chưa. Quan trọng hơn là với thị trường đang xuống dốc, không hiểu dây chuyền thuộc loại hiện đại nhất thế giới, được đầu tư hàng triệu USD này có cơ hội để được chạy hết công suất hay không? Người quản lý chỉ lắc đầu ngao ngán.
Một chủ DN khác than thở hàng tháng trời không thể xuất khẩu hàng hóa của mình vì đối tác không thể cử chuyên gia sang kiểm tra, thẩm định hàng hóa. Mọi thứ đang tắc nghẽn.
Công nhân đã phải chia ca để đến công ty cho đỡ hiu quạnh và đang nhận mức lương tối thiểu. Nhưng ông cho biết chắc chỉ đủ sức cầm cự thêm vài tháng nữa, sau đó có lẽ buộc lòng phải sa thải công nhân và đóng cửa nhà máy.
Khi làm việc với nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý đầu tư cho biết rất nhiều dự án đã xong thủ tục hay đang xúc tiến đều đã tạm ngưng, đình hoãn vì chủ đầu tư đang khó khăn hoặc tạm dừng để nghe ngóng. Đầu tư mà nhất là đầu tư lớn lúc này có lẽ như trò chơi mạo hiểm. Nhiều chủ DN cho biết hiện nay không ai dám lên kế hoạch dài hạn, vì mọi thứ đều thay đổi quá nhanh và không thể dự đoán trước được.
Dịch bệnh Covid-19 có lẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến Việt Nam và thế giới. Sắp tới kinh tế thế giới ra sao, hoạt động kinh doanh khi nào bình thường trở lại, chắc khó có ai biết rõ. Mọi thứ đều sẽ không còn chắc chắn nữa. Có lẽ năng lực thích nghi và khả năng quản trị rủi ro là hai phẩm chất quan trọng nhất của người kinh doanh trong thời gian tới. Phải sẵn sàng tâm thế cho sự thay đổi.
Hãy tận dụng EVFTA
Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các DN nếu chỉ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu nguyên liệu do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu.
Đến khi tình hình cung nguyên liệu bớt căng thẳng, các thị trường lớn hàng đầu của Việt Nam như châu Âu, Mỹ đều đã lún sâu vào cơn bão Covid, hàng Việt do vậy bị khủng hoảng thị trường đầu ra. Rất nhiều ngành hàng rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn ngay từ đầu năm, kinh doanh bị sụt giảm và đình đốn nghiêm trọng.
Riêng với ngành du lich và dịch vụ, những chuyến bay rỗng, những khách sạn và khu du lịch vắng bóng người, những nhà hàng và cơ sở dịch vụ đìu hiu không có khách… Hàng hóa không bán được, dịch vụ không cung cấp được, trong khi các DN vẫn phải trả đủ tiền lãi vay, lương công nhân, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội, nhiều loại tiền thuế, phí khác…
Bối cảnh đại dịch Covid có lẽ cho chúng ta thêm bài học sâu sắc về việc phải đa dạng hóa thị trường. Một DN đang làm ăn bình thường, thuận lợi với một thị trường, nhưng cũng phải tính đến lúc thị trường gặp khó khăn. Để hết trứng vào một giỏ là rủi ro rất lớn.
Chúng ta nhớ lại những trục trặc sau vụ việc giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam năm 2014. Những căng thẳng, trục trặc giai đoạn đó khiến nhiều ngành hàng phải lao đao, xoay xở toát mồ hôi. Thí dụ, mặt hàng sắn lát, vốn có hơn 90% sản lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đã có thời kỳ nhiều tháng trời không thể xuất biên.
Về mặt chiến lược, sẽ nguy hiểm nếu DN Việt Nam chỉ quen với thị trường lớn và tương đối dễ tính, khi gặp trục trặc không thể xoay chuyển nổi. Chính vì vậy, nếu không nâng cấp mình, về chất lượng, trình độ công nghệ và tiêu chuẩn bền vững để giảm rủi ro, tránh phụ thuộc quá vào một thị trường, sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro cho DN Việt.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực mở cửa thị trường, đa dạng hóa các thị trường cho DN. Cùng với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, Việt Nam đã thông qua FTA với thị trường châu Âu EVFTA cách đây ít lâu, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, là sự bổ sung rất cần thiết.
Trong bối cảnh thương mại đầy biến động, EVFTA giúp DN Việt Nam đa dạng hóa thị trường, thay vì tập trung vào một thị trường lớn. Đây cũng là bước đi chiến lược của Việt Nam, khi chúng ta vừa có các FTA với ASEAN, Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á, các nước trong CPTPP và nay là EU…
Theo Đậu Anh Tuấn*/ĐTTC
————-
(*) Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này