15:10 - 04/12/2023
Quản lý thị trường vàng bằng Nghị định 24 đã không còn phù hợp
Nghị định 24 đã áp dụng hơn 10 năm, hiện có nhiều điều không còn phù hợp đang làm thị trường vàng có sự méo mó, đòi hỏi phải sớm sửa đổi.
Sau hơn 10 năm triển khai, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã thiết lập lại trật tự thị trường vàng, ngăn được tình trạng vàng hóa.
Thế nhưng, mấy năm gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng, đồng thời chênh lệch giá trong nước và thế giới ở mức 13-14 triệu đồng. Điều này cho thấy nhiều quy định tại NĐ24 không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.
Vàng Việt Nam đắt nhất thế giới
Ngày 28/11, giá vàng thế giới chính thức bứt phá khỏi mốc 2.000 USD/ounce. Ngày 29/11, giá vàng giao ngay lên mức 2.043,94USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 5/5/2023. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ lên 2.067,1USD/ounce. Đồng USD dao động gần mức đáy 3 tháng, khiến kim loại quý vốn neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Dù vậy, giá vàng thế giới vẫn rẻ hơn nhiều so với vàng SJC. Bởi ngay sau khi giá vàng thế giới tăng tốc, giá bán vàng miếng SJC trong nước lập tức “phi nước đại” với mức tăng từ nửa triệu đến 1 triệu đồng trong các phiên cuối tháng 11.
Tại ngày 29/11, vàng miếng SJC lập kỷ lục mới với mốc 74,6 triệu đồng/lượng, vượt qua mức cao lịch sử 74,4 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 3/2022. Đến ngày 30/11, vàng miếng SJC hạ bớt nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức cao với giá niêm yết 72,4-73,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Với mức giá như vậy, vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 13,5 triệu đồng mỗi lượng. Tính từ đầu năm đến nay, vàng SJC đã tăng 6,5 triệu đồng mỗi lượng.
Đáng chú ý, trong đợt này vàng nhẫn 99.99 cũng theo sát đà tăng của vàng miếng và lập kỷ lục với mức giá 61,3-62,4 triệu đồng/lượng vào ngày cuối cùng của tháng 11. Tương ứng, mỗi lượng vàng nhẫn đắt hơn giá vàng thế giới 2,3 triệu đồng. Trong thời gian ngắn, chênh lệch giá mua – bán vàng trong nước cũng tăng lên 1,2 triệu đồng (vàng miếng SJC) và 1,1 triệu đồng (vàng nhẫn).
Như vậy, ngay khi mua 1 lượng vàng, người mua lỗ hơn 1 triệu đồng. Theo một chuyên gia kinh tế, giá vàng thế giới liên tục biến động, nhưng đó là vàng nguyên liệu – nguồn đầu vào để sản xuất vàng SJC.
Trong khi đó, NĐ24 quy định NHNN độc quyền dập và cung ứng vàng miếng SJC cho thị trường đã hơn 10 năm nay không thay đổi, tức NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Và thiếu cung là nguyên nhân khiến vàng SJC đắt đỏ, chênh lệch với thế giới ở mức cao và tách thị trường vàng của Việt Nam ra khỏi thị trường thế giới.
Thị trường ngày càng sốt ruột
Năm 2022, những bất cập của NĐ24 đã được đặt ra tại nghị trường của Quốc hội. Cụ thể, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng là điều khó chấp nhận.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho rằng do nguồn cung vàng miếng trong nước giảm cùng biến động giá vàng thế giới khiến các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro nên niêm yết giá khá cao.
Với vai trò quản lý nhà nước, NHNN sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều, do đó chỉ trong trường hợp cần thiết NHNN mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.
Mới đây, trong báo cáo Chính phủ được Thống đốc NHNN thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội, về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng vào tháng 10/2023.
Theo đó, NHNN cho biết thời gian qua đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, gồm Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.
NHNN cũng tổ chức lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết NĐ24, trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, NHNN sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện NĐ24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết).
Như vậy, NHNN chưa hé lộ sẽ có những thay đổi mới trong chính sách quản lý vàng. Trong khi đó, các quy định tại NĐ24 không chỉ khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, người mua chịu thiệt, còn “ngáng đường” phát triển của vàng trang sức.
Vì theo NĐ24, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, NHNN được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.
Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ và cung – cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN tổ chức thực hiện nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo về vàng trang sức diễn ra giữa tháng 11, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết triển vọng của ngành nữ trang, kim hoàn vàng của Việt Nam rất lớn, nhất là khi giá vàng miếng tăng, nhu cầu mua sắm đã dịch chuyển từ mục đích mua tích trữ sang vàng trang sức, với mức tăng trưởng 7-11% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vàng nguyên liệu, dẫn đến chậm chân trong việc phát triển ngành vàng nữ trang.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, chia sẻ hơn 70% trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của TP.HCM đang bế tắc trong kinh doanh do bị chặn nguồn vốn sản xuất và bị sự cạnh tranh quá lớn từ hàng sản phẩm nữ trang Trung Quốc.
Trước tình hình này, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng quy mô lớn liên tục đề xuất NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Gần đây nhất, VGTA và một số doanh nghiệp lớn đã kiến nghị NHNN cho phép được nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, kiến nghị sau nhiều tháng vẫn chưa được chấp thuận. Khó khăn nguồn cung làm giá vàng trong nước tăng cao đã thúc đẩy tình trạng buôn lậu vàng, làm “chảy máu” ngoại tệ.
Việc này ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo Cát Tường/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này