15:57 - 03/03/2023
‘Cuộc chơi’ mới của KIDO
Mới đây, thông tin về một tập đoàn sở hữu thị phần lớn nhất về kem đã quyết định thành lập công ty làm nước mắm đã khiến mọi người vô cùng bất ngờ.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn KIDO, doanh nghiệp đang nắm giữ 44,5% thị phần kem lạnh tại Việt Nam, đã quyết định đầu tư gần 200 tỷ đồng để thành lập công ty chế biến nước mắm. Doanh nghiệp mới được thành lập là Công ty cổ phần Thực Phẩm Và Gia Vị TA có số vốn điều lệ lên tới 200 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn KIDO góp 98% vốn tương đương 196 tỷ đồng. Ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT sẽ là người được chọn để quản lý phần góp vốn của KIDO tại công ty chế biến nước mắm.
Theo tiết lộ của ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc của KIDO tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm 2022 cho biết, mảng nước chấm (bao gồm nước mắm) sẽ là một trong 4 trụ cột trong chiến lược của công ty năm 2023 bên cạnh kem, dầu ăn và bánh kẹo.
Có thể nói, đây được coi là cuộc rong chơi tiếp theo của KIDO trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với một doanh nghiệp mà trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực F&B như KIDO. Chỉ mới cách đây chưa lâu, họ đã chính thức thoái vốn khỏi hai dự án lớn, mang tính chất đột phá của doanh nghiệp này vào mảng chuỗi đồ ăn, đồ uống tại Việt Nam.
Đầu tiên, KIDO đã quyết định đóng cửa một dự án liên quan đến sản phẩm ăn uống. Đó là quyết định giải thể Vibev, liên doanh 400 tỷ đồng giữa KIDO và Vinamilk vào đầu tháng 12 năm 2023. Sau đó là quyết định thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV, đơn vị vận hành của chuỗi Chuk Chuk, một dự án chỉ mới ra mắt từ tháng 6 năm 2021.
Rõ ràng, đây đều là những quyết định khá bất ngờ, dù cả hai dự án này đều cho thấy quyết tâm của KIDO trong mảng chuỗi đồ ăn đồ uống.
Tuy nhiên, có vẻ như cả hai dự án này cũng giống như những bước đi thăm dò trong quá khứ của KIDO khi bắt tay hợp tác với các công ty trong ngành sữa, giải khát nhằm hiện thực hoá việc mở rộng sang ngành đồ uống giải khát như Nutifood hay là Uni-President của Đài Loan, những cú bắt tay khiến KIDO phải nhận những thất bại “sấp mặt”. Giờ đây, rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ, KIDO đang cho thấy một cuộc làm mới mình bằng việc gia nhập vào thị trường gia vị, nước chấm của Việt Nam, một thị trường hấp dẫn nhưng cũng đầy sự cạnh tranh khốc liệt từ các ông lớn trong ngành.
Không dễ cho KIDO
Theo một báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường gia vị, nước chấm của Việt Nam được cho là có sự tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 25 – 32% cho đến năm 2022, trong đó nước mắm là mặt hàng có mức cạnh tranh cao nhất. Sức hấp dẫn của thị trường nước mắm đã thu hút nhiều “ông lớn” tham gia vào cuộc cạnh tranh phân chia thị phần, như Masan Group, Unilever, Acecook, Nestle, PAN Group… với những thương hiệu như Chinsu, Nam Ngư, Knorr Phú Quốc, Đệ Nhất, Maggi.
Mặc dù, cũng có không ít những đối thủ khổng lồ, đầu tư hàng chục triệu USD cho thị trường nước mắm. Nhưng, hiện tại các doanh nghiệp này vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với Masan, thậm chí thua lỗ, phá sản. Thị phần của các công ty này chưa chiếm nổi 20%.
Về phía KIDO, công ty cho biết nước mắm sẽ là 1 trong 4 ngành quan trọng của tập đoàn bên cạnh dầu ăn, kem và bánh kẹo. Theo tiết lộ của lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn này dự kiến liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có thể đây cũng chỉ là cuộc dạo chơi tiếp theo của KIDO khi mà mọi thứ dường như đã an bài…
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này