10:12 - 08/06/2023
Chủ tịch UBND TP.HCM: Giá trị cốt lõi của nghị quyết là ‘khai thông nguồn lực’
Hôm nay 8/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM, Phan Văn Mãi, trao đổi thêm về những đề xuất, cơ chế chính sách vượt trội để TP phát triển xứng tầm, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Thu hút, phát huy nguồn lực xã hội
– Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhận được nhiều ý kiến góp ý và sự ủng hộ từ các ĐBQH, ông chia sẻ về cảm nhận trước những ý kiến góp ý đó?
– Quá trình thảo luận, chúng tôi nhận được nhiều đóng góp, mong muốn có cơ chế chính sách mạnh hơn cho TP.HCM như cần có Luật Đô thị đặc biệt, cơ chế cho Trung tâm Tài chính quốc tế… và đề nghị thành phố cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để triển khai nghị quyết đạt hiệu quả. Hiện nay, TP đang khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để triển khai nghị quyết sớm nhất sau khi Quốc hội thông qua.
TP cũng đang phối hợp với Bộ KH-ĐT tiếp tục chuẩn bị đề án trung tâm tài chính quốc tế để sớm trình Quốc hội, tổ chức nghiên cứu về đề xuất xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM.
Chúng tôi cảm ơn các ĐBQH đã đồng tình và góp nhiều ý kiến sâu sắc cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết và cả cho quá trình tổ chức triển khai nghị quyết sau này. TP cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của ĐBQH, tiếp tục góp ý cho dự thảo nghị quyết.
– Ông có thể chia sẻ về những cơ chế chính sách đột phá vượt trội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững?
– Dự thảo nghị quyết mới có 44 cơ chế, chính sách được đề xuất so với 15 cơ chế, chính sách ở Nghị quyết 54. Nếu như Nghị quyết 54 tập trung tạo nguồn thu thì nghị quyết mới lại tập trung nhiều cho thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới. Dự thảo nghị quyết cũng thể hiện tính liên kết vùng khi đề xuất các cơ chế cho phép thành phố dùng nguồn lực của mình tham gia vào các dự án vùng, liên vùng, hỗ trợ một số địa phương trong và ngoài nước.
Ngoài một số nội dung đã có và bước đầu phát huy hiệu quả thực tiễn trong Nghị quyết 54, 3 nhóm còn lại tập trung ở các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới và các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.
Đặc biệt, nhiều nội dung trong dự thảo thể hiện rõ yêu cầu của Nghị quyết 31 là “phân cấp, phân quyền”. Trong đó, việc phân cấp, ủy quyền từ TP.HCM cho TP Thủ Đức và phân cấp, ủy quyền của TP Thủ Đức đối với các đơn vị trực thuộc sẽ được đẩy mạnh hơn, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.
Cùng với đó, các cơ chế phân cấp, ủy quyền trong quyết định, quản lý đầu tư, ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng… cũng sẽ giúp thành phố chủ động và kiến tạo hơn.
– Còn về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hoặc thí điểm các hình thức đầu tư mới, góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình?
– Giá trị cốt lõi của dự thảo nghị quyết chính là “khơi thông nguồn lực” cho TP, trong đó nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được ưu tiên.
Điều đáng mừng là chúng ta đã có chính sách đối với dự án đường Vành đai 3 (được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 57/2022) mở đường về chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Đây là một bước tiến đáng kể khi đã tạo sự chủ động cho thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn để bố trí vốn được ngay cho hoạt động đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng của TP.
Chỉ riêng về cơ chế BT trả chậm bằng tiền đã được thành phố triển khai trong các giai đoạn trước, góp phần phát huy hiệu quả thu hút nguồn lực tư nhân, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Trong dự thảo nghị quyết có một số điều kiện chặt chẽ về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình…, được soạn thảo trên tinh thần hết sức cẩn trọng, xác lập rõ trách nhiệm, trình tự và các nội dung cần thiết để áp dụng hiệu quả nội dung cơ chế chính sách.
Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất mở rộng phạm vi các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, với trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định về đầu tư PPP và pháp luật có liên quan.
Mục tiêu cuối cùng là làm sao huy động được các nguồn lực xã hội, từ “vốn mồi” là các cơ chế thông thoáng, nhất quán, minh bạch của nhà nước.
Nguyên lý này cũng được áp dụng thí điểm đối với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), tức có thể sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
“Linh hồn” của dự thảo là khơi thông nguồn lực
– Thưa ông, đâu là cơ sở để TP.HCM đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội đó?
– TP.HCM có rất nhiều tiềm năng về nguồn lực ở nhiều lĩnh vực cần được khơi thông, tạo động lực phát triển mới để từ đó đóng góp cho kinh tế cả nước. Nguồn lực đó bao gồm con người, đất đai, tài chính, khả năng tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, nghiên cứu, dịch vụ, thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.
Nếu có những cơ chế vượt trội, đột phá để gỡ vướng về thể chế, tạo động lực mới để thành phố tổ chức bộ máy phù hợp, tập trung triển khai các dự án hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… thì sức hấp thụ vốn của thành phố sẽ tăng lên, động lực phát triển mới cho TP chắc chắn được tạo lập.
Cùng với đó, địa chính trị – kinh tế của TP cũng là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực mới như: công nghiệp chip – vi mạch – bán dẫn, năng lượng xanh, cảng trung chuyển quốc tế… nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đề ra.
– TP.HCM kỳ vọng gì từ những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội đó đối với sự phát triển của thành phố, đặc biệt là tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước theo tinh thần “cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước” như Tổng Bí thư từng đề cập?
– Như tôi đã nói, “linh hồn” của dự thảo nghị quyết chính là khơi thông nguồn lực. Bởi nếu được Quốc hội thông qua và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, TP có thể thu hút cả trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư. Đó là động lực phát triển dành cho TP và cả nước. Tất cả sẽ thành một dòng chảy mạnh mẽ, xuyên suốt để cùng đổ về “biển lớn” – phục vụ nhân dân.
Nhưng, điều quan trọng lúc này cũng phải cần chuẩn bị nhân lực, năng lực và kích hoạt mọi nguồn lực để sẵn sàng hành động ngay khi nghị quyết mới có hiệu lực. Hành động phải được kiểm đếm bằng các đầu việc cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả phải lượng hóa trên từng giai đoạn, mức độ gắn với sự thụ hưởng của người dân, lợi ích doanh nghiệp và vai trò công chính của nhà nước. Để sau khi kết thúc nghị quyết, các cơ chế chính sách thí điểm sẽ “chuyển trạng thái”, thành pháp điển hóa, có tính hiệu lực pháp luật cho cả nước.
Từ một nghị quyết đặc thù đến đời sống xã hội được nâng chất, các nguồn lực được khơi thông, phát triển, cất cánh, đó là giá trị của sự đóng góp mà TP.HCM được vinh dự “mở đường”.
Theo Ngô Bình/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này