09:12 - 17/10/2023
Biến động tỷ giá và sức ép lãi suất
Ở thời điểm này, nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn. Để giảm áp lực, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút ròng trên thị trường mở qua kênh phát hành tín phiếu.
Thế nhưng, sau công cụ này của NHNN tỷ giá USD/VNĐ vẫn tiếp tục biến động mạnh, trong khi đó lãi suất đã có xu hướng tăng trở lại trên thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường liên NH.
Tỷ giá nổi sóng
Tỷ giá có dấu hiệu tăng từ khoảng tháng 7 sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tăng lãi suất. Thêm vào đó, thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường liên NH ngày càng nới rộng (trên liên NH cho vay VNĐ rất thấp nhưng USD rất cao). Áp lực này càng mạnh hơn khi đồng USD mạnh hơn trong các tháng gần đây.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 9, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, với tương quan chính sách tiền tệ của các NH Trung ương trên thế giới, sức mạnh đồng USD được dự báo duy trì ở mức cao ít nhất tới tháng 11. Trong khi đó, NHNN vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá vẫn thường trực. Trong tháng 8 và tháng 9, VNĐ giảm giá khoảng 2,5% so với đồng USD, đưa mức giảm lên khoảng 3% kể từ đầu năm.
Ghi nhận của ĐTTC tại ngày 13-10, tỷ giá trung tâm ở mức 24.077 đồng/USD, tăng gần 2% so với đầu năm. Tỷ giá mua – bán USD/VNĐ niêm yết trên website của Vietcombank ở mức 24.245 – 24.615 đồng/USD, tăng 3,9%. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do sau nhiều tuần phản ứng chậm đã bật tăng mạnh trong các phiên gần đây và đạt mức 24.630 – 24.730 đồng/USD trong ngày 11-10, tăng xấp xỉ 4% so với đầu năm và sau đó giảm lại về 24.570 – 24.620 đồng/USD.
Có thể thấy, thông điệp sau cuộc họp của Fed vào tháng 9 là lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn, kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed, đã dẫn dắt chỉ số đồng USD lập kỷ lục mới. Diễn biến này đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước 2 áp lực về lạm phát và tỷ giá. Nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát, thì áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn.
Từ sau cuộc họp của Fed, NHNN đã hút ròng trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu, và lãi suất tín phiếu tăng dần qua các phiên đấu thầu, kéo theo lãi suất liên NH cũng đã nhích lên.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho biết, chỉ số đồng USD tăng lên trên thị trường thế giới, có lúc đã lên đến 106-107. Nếu chỉ số DXY tăng lên mức 110, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để giảm áp lực tỷ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu với quy mô lớn chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tức thời để khẩn trương điều chỉnh tỷ giá hiện tại, không phải là biện pháp lâu dài.
Gây sức ép lãi suất
Tại cuộc họp gần đây nhất, Fed không tăng lãi suất mà chỉ thay đổi quan điểm về kế hoạch trong tương lai. Trước mắt không tạo ra những áp lực ngắn hạn trong trong tỷ giá VNĐ so với USD.
Và trong 1 năm vừa qua, tỷ giá các nước trong khu vực được điều chỉnh không phải quá mạnh, mức độ điều chỉnh tỷ giá Việt Nam cũng nằm trong mức trung bình của các nước trong khu vực. Song nếu tính cả một thời kỳ dài 10 năm, VNĐ là một trong số các đồng tiền mất giá thấp nhất so với đồng USD, tức VNĐ không theo xu hướng của đồng tiền các nước trong khu vực.
Nên nguyên nhân VNĐ biến động vừa qua cũng sẽ không đến từ xu hướng các đồng tiền trong khu vực mất giá, buộc chúng ta phải điều chỉnh tỷ giá để cân bằng cán cân thương mại song phương và đa phương.
Ngược lại về điều kiện trong nước, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư gần 22 tỷ USD, cầu ngoại tệ nhập khẩu không cao do nhu cầu yếu, kiều hối ước tăng trưởng so với năm ngoái, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Như vậy, nền kinh tế không có áp lực lớn về vấn đề ngoại tệ. Vậy vì sao tỷ giá lại biến động mạnh?
Trao đổi với ĐTTC, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, NHNN đã có một quá trình dài mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối từ đầu năm, tương ứng một lượng tiền mặt VNĐ sẽ chảy ra thị trường. Gần đây, NHNN đã điều tiết lượng tiền mặt này bằng cách phát hành tín phiếu sau một thời gian dài tạm ngưng và phát hành liên tục.
Sở dĩ NHNN gấp rút như vậy là vì đứng trước áp lực phải giữ tỷ giá năm 2023 tăng trong biên độ phù hợp. Song biên độ đó lại quá nhỏ, cho nên NHNN phải gấp rút hút tiền về để điều chỉnh. Vấn đề đặt ra tại sao nhiều tháng qua NHNN đã mua hàng tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối nhưng không phát hành tín phiếu, nay lại ồ ạt phát hành? Do vậy đã tạo ra hoài nghi, dòng tiền tìm chỗ trú ẩn và tỷ giá là một trong số đó, tạo ra hiện tượng đầu cơ, đẩy tỷ giá tăng trên thị trường.
TS Lê Đạt Chí phân tích thêm, càng về cuối năm, room tăng tỷ giá USD/VNĐ cho phép trong năm cũng sắp hết. Trong khi đó, NHNN phải cố giữ mức tỷ giá trong biên độ cho phép để đạt thành tích trong năm. Cùng lúc, dòng tiền nhàn rỗi, VNĐ dư thừa. Vì lẽ đó, thị trường tăng cường đầu cơ vào tỷ giá, và đầu cơ tỷ giá sớm muộn gì NHTM cũng sẽ có lời.
Thứ nhất, đầu cơ tỷ giá sẽ kiếm lời được ngay trong lúc dư thừa tiền. Thứ hai, đầu cơ tỷ giá có thể gây sức ép lên lãi suất. Thực tế, sau khi NHNN phát hành tín phiếu, lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất trên thị trường liên NH đã tăng trở lại trong những ngày gần đây. Với diễn biến đó, NHTM sẽ được hưởng lợi cho những tháng còn lại.
Để giải quyết bài toán này, TS Lê Đạt Chí cho rằng thay đổi cách điều hành biên độ tỷ giá. Trong vòng 13 năm qua, Việt Nam chỉ để VNĐ mất giá khoảng 13% so với USD, trong khi đồng tiền các nước khác mất giá gần 30-40%.
Một nền kinh tế tốt, có thặng dư thương mại lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhiều, mua ròng ngoại tệ nhưng luôn giữ biên độ tăng tỷ giá ở mức nhỏ và cho rằng như vậy sẽ ổn định tỷ giá. Nhưng thực tế, điều này lại khiến thị trường có cơ hội dẫn dắt tỷ giá để NHNN phải can thiệp, và hệ quả khi cố giữ biên độ tăng tỷ giá thấp đã dẫn đến hệ quả giới đầu cơ trục lợi, nhà điều hành phải tăng lãi suất, bán ngoại tệ để can thiệp.
Theo Yên Lam/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này