09:05 - 11/06/2019
63 tỷ đồng có làm ‘nổi’ chợ Cái Răng?
Chợ nổi Cái Răng hiện thời là phần còn lại của một cung đường từ chợ Hàng Dương tới Phong Điền. Ngày nay, chợ nổi là điểm thu hút du khách. Nhưng ít nhất phân nửa dân thương hồ – linh hồn chợ nổi – đã “bốc hơi”.
Dự án 63 tỷ đồng
Dân thương hồ ở chợ nổi Cái Răng bây giờ thưa thớt, dù TP Cần Thơ đưa ra dự án bảo tồn với số tiền 63 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng kêu gọi xã hội hoá. Đến nay, có 9/13 hạng mục công trình đã thực hiện (hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông, hỗ trợ vốn vay trên 6,685 tỷ đồng cho 122 hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn làm du lịch, mua bán trên chợ nổi); xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi; tổ chức thu gom rác; quầy hàng nổi trên sông; nhà vệ sinh công cộng trên sông; duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi… Bốn hạng mục tiếp tục làm là trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông.
Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chỉ đạo UBND quận Cái Răng đánh giá về quá trình thực hiện đề án vào tháng 7/2019, trong đó cần những đánh giá sát thực về số lượng thương hồ, các dịch vụ phục vụ du khách, dịch vụ lữ hành đưa khách đến chợ nổi và đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi để UBND tiếp tục đệ trình HĐND thành phố chọn lựa quyết sách bảo tồn và phát huy chợ nổi.
Nhiều nhóm nghiên cứu từ nhiều trường đại học đã phân tích nguyên nhân khiến chợ nổi mất thương hồ: 1- Đường bộ được đầu tư thông thương và ngày nay chợ trên đất liền gần như phủ kín huyện, xã. 2- Trung tâm lúa gạo Cái Răng một thời nhộn nhịp nay chành vựa không còn nữa. 3- Làng đóng thuyền “ngọt trớn” bên lộ vòng cung giải nghệ gần hết. 4- Một khi không còn mạch liên kết giữa chợ nổi – bến chợ trên bờ, không còn nhu cầu hàng hoá bức thiết như ngày xưa, chất chợ mất khả năng tiếp biến.
Có dạo những người làm thương nghiệp trong thành phố muốn biến các kho gạo bỏ trống làm “hậu cần” rót công nghệ phẩm cho dân thương hồ, nhưng khi hệ thống tổng kho của nhiều công ty lớn tràn tới huyện, ý tưởng này tiêu tan. Hơn phân nửa dân thương hồ đã lên bờ, hên thì tìm được mảnh đất cắm dùi, chưa may mắn thì lây lất trên chợ phường, chợ quận. Số còn lại sẽ hiện diện khi có sự kiện và được ban tổ chức “mời”.
Bàn cờ nhiều nút thắt
Dự án Ô Môn – Xà No trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn hàng và hoạt động điều phối ở chợ nổi. Một công ty tư vấn đề xuất giai đoạn 2 cần lập thêm 99 cống hở và cống ngầm, chỉnh trị lại hàng trăm kênh đào với số vốn bổ sung 1.200 tỷ đồng, gấp đôi mức dự toán giai đoạn 1.
Tận mắt thấy những chiếc xuồng chở trái cây miệt vườn Phong Điền, Ô Môn lèo lái khó khăn mỗi lần qua cống đập chảy xiết để tới chợ nổi, mới thấy có gì sai sai khi đối chiếu hình ảnh 100 năm trước mọi nỗ lực cho ghe xuồng thông thương, và ngày nay vùng tự chảy đầy cống đập với lý do kiểm soát lũ. Giờ đây lũ lớn là niềm vui của dân sông nước, thú vị của thương hồ, nhưng các nước ở thượng nguồn tranh giành nguồn nước cho thuỷ điện, cướp niềm vui của thương hồ.
“Dự án bảo tồn chợ nổi là một kịch bản có hậu. Nhưng nếu nhìn lại cung đường từ chợ Cái Răng tới khu nhà máy gạo Thanh Phong, cách thiết kế chợ nổi đương đại giống người kê vai vô quang gánh, nhưng chỉ có một đầu”, KTS Võ Minh Lạc, người sống gần chợ nổi, nói: “Chợ Cái Răng vẫn sầm uất nhưng trục đường kết nối với chợ nổi có điểm nghẽn, thay vì chỉ tập trung vô chợ vải thì cần thêm nội dung khác. Khu vực có nhiều di tích, như Thành “Cả Đạt” là một trong những gia tộc có công khai khẩn vùng đất này, một điểm nhấn rất hay, nhưng lâu nay câu chuyện người xưa bị bỏ quên”. Gia đình một người việt gốc Ấn ở gần chợ nổi nói thêm, ngôi nhà này được trùng tu có thể mở cửa đón khách như một bằng chứng của lớp người sinh cư gắn với chành vựa.
Một nhà kho của Nông trường sông Hậu cặp bờ sông được Nhà nước trưng dụng vào hạng mục khôi phục di sản, nhưng mỗi năm chỉ ồn ào trong ngày du lịch. Nhiều sinh viên lập từng nhóm thu gom rác, dạy tiếng Anh cho trẻ con ở chợ nổi, nhiều nhà nhiếp ảnh cố níu kéo hình ảnh dân thương hồ cố cựu và lớp trẻ cố gắng bảo vệ nét riêng trong dấu ấn kinh tế – văn hoá của chợ nổi. Một đài quan sát sẽ mọc lên – liệu sẽ mãn nhãn với sinh cảnh thưa vắng thương hồ và không có những câu chuyện dọc ngang sông nước? Giám đốc chi nhánh một công ty du lịch xây dựng chương trình “Những đêm trăng với dân thương hồ”.Trong khi nhiều công ty khác chỉ muốn khai thác bề nổi, vỏ lải chở khách chạy vòng vòng hoặc dừng lại chụp hình cười nói rồi lên bờ.
“Nhiều điểm du lịch bây giờ là màn kịch được diễn sâu, nhưng du khách không thích những màn kịch, cho nên đừng để chợ nổi như vậy”, TS Lê Anh Tuấn, trường ĐH Cần Thơ nói.Vấn đề là tìm phương sách để chợ nổi mua bán thật sự. Những ngành hàng nào còn sống được, có nhu cầu thì “đo lường” để có cách tổ chức, cùng nhau tìm những ngành hàng, dịch vụ mới để cuộc sống thực diễn ra, để những giá trịvăn hoá hiển hiện.
Chợ nổi bây giờ thuộc về quận Cái Răng, nhưng bản thân quận Cái Răng kêu gọi tài trợ cho những hạng mục xã hội hoá đã khó, dung hợp những ý tưởng thu hồi vốn và những điều kiện tìm lợi nhuận nhanh của nhà đầu tư, lại càng khó hơn.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này