15:20 - 03/11/2023
Thị trường 24/7: Trà sữa, phở Việt nhượng quyền sang Philippines; BĐS thế giới đang ‘hỗn loạn’
Khách hỏi mua sản phẩm “Made in Vietnam” trên Alibaba tăng 47%: Trong 9 tháng đầu năm, số lượt nhà mua hàng hỏi đặt sản phẩm “Made in Vietnam” trên nền tảng bán buôn trực tuyến của Alibaba tăng 47%, theo thông tin vừa được ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia của nền tảng bán sỉ Alibaba tại Việt Nam, công bố.
Ông Mike Zhang cho biết hiện có “hàng nghìn” doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ của Việt Nam có mặt trên nền tảng này. Một số đơn vị đã tham gia lâu năm như đồ nội thất Nghĩa Sơn, đồ điện tử Lioa, thực phẩm Rita, bao bì Bình Minh, sản phẩm tóc Apohair. Về cơ cấu, nhóm ngành có nhiều nhà cung cấp Việt Nam hàng đầu là thực phẩm và đồ uống, nhà cửa và vườn tược, nông nghiệp và làm đẹp.
Là công ty con thuộc tập đoàn Alibaba, nền tảng bán sỉ (B2B) này ra đời năm 1999, nơi giao dịch hàng hóa trực tuyến giữa các doanh nghiệp toàn cầu. Nền tảng này đang có hơn 47 triệu nhà mua hàng là các doanh nghiệp từ hơn 190 quốc gia, tìm kiếm sản phẩm trong hơn 40 danh mục chính.
Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch nhập khẩu nông – lâm – thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 33,78 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, những mặt hàng nhập khẩu chính có bắp với khối lượng 7,96 triệu tấn, trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 5,2% về khối lượng nhưng giảm 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Lúa mì cũng là nông sản Việt Nam nhập nhiều với khối lượng 3,62 triệu tấn, giá trị 1,27 tỷ USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là đậu nành với sản lượng nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2023 là 1,53 triệu tấn, trị giá 975 triệu USD, tương đương khối lượng nhập khẩu của cùng kỳ năm 2022 nhưng giảm 8,5% về giá trị do giá nhập khẩu giảm.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, Việt Nam nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm của 2 ngành này ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu, đang ngày càng tăng.
63% dư nợ tín dụng tại TP.HCM có lãi suất dưới 10%/năm: Ngày 2/11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đã giảm mạnh, đối với cả các khoản vay cũ.
Đến thời điểm hiện nay, khoảng 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%; số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53% (chủ yếu những khoản dư nợ vay trung, dài hạn). Hiện dư nợ cho vay 5 nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên đạt khoảng 200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm.
Ông Lệnh cũng cho biết, đến nay đã có gần 35.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã tại TP.HCM được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ đạt gần 39.000 tỷ đồng, chiếm 27% so với cả nước; giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính Phủ đạt 23.225 tỷ đồng, cho 392 khách hàng vay, chiếm 36% so với cả nước.
Việt Nam xuất siêu cao nhất 5 năm: Cán cân thương mại của Việt Nam tháng 10 tiếp tục thặng dư 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu 10 tháng đạt hơn 24,6 tỷ USD, cao nhất 5 năm.
Dữ liệu này được Bộ Công Thương cho biết tại báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 10. Với mức trên 24,6 tỷ USD, xuất siêu 10 tháng đầu năm nay tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua (trừ 2021 ảnh hưởng Covid nhập siêu trên 1,4 tỷ USD).
Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và xung đột Nga – Ukraine kéo dài, Israel và lực lượng Hamas xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.
Trà sữa, phở Việt nhượng quyền sang Philippines: Mô hình Phở’S, trà sữa Phúc Tea và spa Care With Love của 3 doanh nghiệp Việt Nam vừa hoàn tất thỏa thuận nhượng quyền cho các đối tác tại Philippines, theo thông tin vừa được Công ty Go Global Holdings – đơn vị sở hữu quỹ đầu tư nhượng quyền dành cho các startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam và Đông Nam Á – công bố chiều 2/11.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đồng sáng lập kiêm CEO của Go Global Franchise Fund (GGFF), lần đầu tiên có 3 trong số 9 doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Go Global Holdings ký kết thành công nhượng quyền sang Philippines. Trong đó, Care With Love và Phúc Tea ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền (Master Franchise). Còn Phở’S có hợp đồng cụm chi nhánh, bắt đầu với ba điểm nhưng sẽ nâng cấp thành hợp đồng cho toàn thị trường sau khi vận hành thành công các chi nhánh đầu tiên này.
Dự kiến cửa hàng Care With Love đầu tiên tại Philippines sẽ được mở trong 2 tháng tới và quí 1/2024 mở thêm 3 cửa hàng. Trong khi đó, đối tác nhượng quyền của thương hiệu Phúc Tea sẽ mở khoảng 20 cửa hàng trong năm 2024 tại thủ đô Manila.
Thị trường bất động sản thế giới đang hỗn loạn, huy động vốn sụt giảm 71%: Theo báo cáo của Công ty dữ liệu đầu tư tư nhân Preqin (trụ sở tại London, Anh), trong quý 3/2023, trên toàn thế giới chỉ có 61 quỹ đầu tư bất động sản huy động được vốn với con số ít ỏi 18,2 tỷ USD, giảm 71% so với quý 2 (117 quỹ huy động được 63,4 tỷ USD).
Theo Bloomberg, thị trường bất động sản trên khắp thế giới đang hỗn loạn, khi việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương làm tăng chi phí vay. Việc định giá một số loại tài sản giảm, làm giảm lợi nhuận các nhà đầu tư có thể mong đợi. Đặc biệt với các tòa nhà văn phòng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa.
Theo Preqin, sự không chắc chắn về lãi suất sẽ tiếp tục đè nặng lên việc gây quỹ đầu tư và giao dịch bất động sản toàn cầu dù các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các loại bất động sản hoặc thị trường hứa hẹn lợi nhuận chắc chắn hơn.
ECB vẫn để ngỏ cánh cửa tăng lãi suất: Trong phát biểu ngày 2/11, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho rằng nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng này có thể cần thêm một lần tăng lãi suất nữa.
Bà Schnabel cho rằng các cú sốc phía nguồn cung có thể khiến các dự báo lạm phát không chắc chắn, sau giai đoạn dài ở mức cao. Điều này có nghĩa ECB có thể vẫn tăng lãi suất.
Bà có phát biểu trên một tuần sau khi ECB giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên trong hơn một năm. Các thị trường và các nhà kinh tế nhận định lãi suất sẽ vẫn ở mức 4% cho đến năm 2024, khi lạm phát đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây và giảm xuống 2,9% trong tháng 10 vừa qua. Theo bà, mất một năm để giảm lạm phát từ mức 10,6%, nhưng sẽ cần gấp đôi thời gian này để đạt mục tiêu 2%. Tốc độ tăng chi phí trên mỗi lao động cần giảm xuống các mức phù hợp với lạm phát trung hạn 2%.
Campuchia lần đầu tiên xuất khẩu gạo xát sang Indonesia: Campuchia đã xuất khẩu gạo xát sang Indonesia lần đầu tiên, với chuyến hàng đầu tiên cập cảng thành phố Semarang tỉnh Trung Java ngày 2/11.
Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã đưa ra thông báo này trên kênh Telegram chính thức của ông. Ông Hun Manet cho biết đây là kết quả các cuộc đàm phán thành công nhằm mở cửa thị trường Indonesia cho gạo xát của Campuchia.
Khoảng 3.500 tấn gạo trắng đã được xuất khẩu sang Indonesia trong chuyến hàng đầu tiên. Tháng 8 vừa qua, Indonesia đã đồng ý mua 125.000 tấn gạo xát của Campuchia. Theo Hiệp hội gạo Campuchia, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 456.581 tấn gạo xát sang 57 nước và khu vực trong 9 tháng đầu năm 2023, thu 327,4 triệu USD. Trung Quốc và châu Âu là những thị trường chính của gạo xát của Campuchia.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này