10:30 - 31/07/2021
Bốn hiệp hội DN đề nghị Chính phủ cho phép nhập vắc xin khẩn cấp
Bốn hiệp hội doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho phép các hiệp hội được chủ động nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm trực tiếp cho người lao động trong các doanh nghiệp hội viên.
Văn bản này được Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da – giày – túi xách, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử và Hội Mỹ nghệ – chế biến gỗ TP.HCM ký và gửi Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hôm 28/7. Văn bản nêu rõ: “Các hiệp hội đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ tập đoàn Royal Strategic Partner – Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngày 13/7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vắc xin của tập đoàn này”.
Bốn hiệp hội cho rằng, dù Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập vắc xin, nhưng hoạt động này sẽ có nhiều vướng mắc thủ tục vì “chưa có tiền lệ”. Vì thế tiến độ nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.
Do đó, họ đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn Royal Strategic Partner hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai hoặc thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội trực tiếp chịu trách nhiệm.
Các hiệp hội cũng mong muốn được đối thoại trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ ngành liên quan với các hãng trong nước cùng với các nhãn hàng lớn tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất và tiến độ xuất khẩu hàng hóa.
Khi vắc xin được nhập về với điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (đầu tháng 8) thì hàng trăm doanh nghiệp tại bốn hiệp hội sẽ đảm bảo duy trì sản xuất, chống dịch.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội ngành giày dép và thời trang Mỹ (AAFA) có trụ sở tại Washington đã gửi hai lá thư đến chính phủ Mỹ và Việt Nam hôm 28/7 yêu cầu được hỗ trợ – theo Nikkei Asia. Trong hai lá thư, AAFA đề nghị gửi thêm vắc xin đến Việt Nam và ưu tiên cho công nhân các xí nghiệp may mặc và da giày ở phía Nam đang trong tâm dịch.
Các nhà máy công nghệ cao như chip hay điện tử có đủ tài chính để thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng các xí nghiệp da giày và may mặc có biên lợi nhuận rất thấp không thể thực hiện được các quy định như vậy.
Tuy nhiên, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng phát sinh ra nhiều ổ dịch mới. Tại tỉnh Tiền Giang, chính quyền đã quyết định dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 đến khi có thông báo mới. UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn là 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.830,1 USD/ounce, tăng 22,6 USD, tương đương 1,25% so với chốt phiên trước. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của giá vàng tính từ ngày 16/6 và là mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm cao nhất tính từ ngày 6/5/2021, theo tính toán của FactSet.
2/ Do quy định mới về điều kiện hoạt động, danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận cuốc, việc giao hàng gặp rất nhiều khó khăn. Theo Saigon Co.op, công tác vận chuyển hàng hóa cho hơn 250 siêu thị, cửa hàng của đơn vị này đã từng bước được “khai thông” thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân. Tương tự như Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Big C cũng xảy ra tình trạng thiếu shipper. Các đối tác cung ứng shipper của siêu thị này đang tăng giá cước trong bối cảnh hạn chế nhân lực giao hàng. Đại diện hệ thống siêu thị Aeon thừa nhận, việc thiếu shipper đang xảy ra tại siêu thị này. Trong vài ngày qua, việc tìm shipper giao hàng bằng xe máy cho đơn online là rất khó khăn.
3/ Theo Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến hết tháng 4/2021, tổng lượng nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ vào Thổ Nhĩ Kỳ là 3.323 tấn, đạt kim ngạch hơn 11,95 triệu USD, tăng vọt 112,6% về lượng và tăng 39,6% so so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam hiện vẫn dẫn đầu, chiếm tới 92% thị phần kim ngạch xuất khẩu hạt điều vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng đầu năm nay với 3.082 tấn, trị giá gần 11 triệu USD, tăng mạnh 68,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh nhập khẩu hạt điều, có thể là do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nước này liên tục có các biện pháp giãn cách xã hội cùng với việc người dân dần thay đổi thói quen ở nhà nhiều hơn khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hạt như hạt điều tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
4/ Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 9.000 chiếc, tăng hơn 3.000 chiếc so với đầu tháng 6 và hơn 7.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong khi xe trong nước ồ ạt giảm giá thì lượng xe nhập tháng 7 bất ngờ tăng mạnh, khiến cung vượt cầu và cuộc đua doanh số bằng giảm giá sập sàn có thể sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm. Được biết, lượng xe nhập về Việt Nam nửa tháng 7 tăng mạnh so với cùng kỳ tháng trước và năm trước cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan của thị trường xe hơi Việt Nam. Lượng nhập hiện vẫn chủ yếu từ các nước ASEAN, trong đó tập trung lớn nhất từ thị trường Thái Lan, Indonesia. Về mức giá bình quân, nửa đầu tháng 7, giá xe con ở mức trung bình 395 triệu đồng/chiếc, giảm 55 triệu đồng so với cùng kỳ tháng 6 và bằng với mức giá bình quân tháng 7/2020.
5/ Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương cho phép liên danh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions Wind NV (Bỉ) thực hiện các thủ tục cần thiết báo cáo Bộ Công Thương về việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (Bình Thuận) do liên danh nhà đầu tư Bỉ, Nga triển khai với tổng mức đầu tư 72.900 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD. Dự án này có quy mô 1.000 MW được chia thành 2 giai đoạn. Các đối tác đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 có công suất 600 MW vào năm 2026 và 400 MW còn lại (giai đoạn 2) dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào năm 2030. Được biết, các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có.
6/ Cuộc khủng hoảng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi thứ từ xe hơi đến máy trò chơi điện tử. Và hiện điện thoại thông minh (smartphone) đang là ngành tiếp theo chịu tác động. Nguồn cung chất bán dẫn đã bị thiếu hụt trong năm nay do nhiều lý do, bao gồm việc nhiều nhà máy đóng cửa do đại dịch Covid-19 và nhu cầu về các mặt hàng điện tử tiêu dùng tăng cao. Theo Giám đốc điều hành Apple, sự thiếu hụt không phải ở bộ vi xử lý chính mà là chip cho các chức năng phụ như nguồn màn hình và giải mã âm thanh. Tuy nhiên, không chỉ Apple mà các nhà sản xuất nhỏ hơn như Lenovo, TCL của Trung Quốc và HMD Global của Phần Lan cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung. Hồi tháng 3, Samsung cho biết, có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cung cầu đối với mặt hàng chip trong lĩnh vực công nghệ thông tin và họ có thể hoãn việc ra mắt mẫu điện thoại Galaxy Note tiếp theo.
7/ Pfizer vừa nâng dự báo doanh thu vắc xin Covid-19 cả năm nay thêm 29%, lên 33,5 tỷ USD, vượt xa các nhà sản xuất khác. Pfizer đưa ra dự báo này trên cơ sở doanh thu tăng gần gấp đôi trong quý II. Trong quý II, Pfizer đã thu 7,8 tỷ USD nhờ vắc xin Covid-19. Đồng thời, hãng dược này cũng tin rằng mọi người sẽ cần liều tiêm thứ ba đang được Pfizer phát triển cùng đối tác BioNTech để duy trì tỷ lệ chống nhiễm virus cao. Công ty này có thể nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho liều tiêm thứ 3 sớm nhất vào tháng 8. Động thái để xin phép cho liều thứ ba đã vấp phải sự chỉ trích. Các cơ quan quản lý y tế Mỹ cho rằng vẫn chưa có đủ dữ liệu để chỉ ra rằng cần phải tiêm liều bổ sung.
9/ Nestle, công ty bán mọi thứ từ kem đến ngũ cốc và cà phê, sẽ tăng giá bán trong nửa cuối năm 2021 do chi phí đầu vào tăng. Dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân chính khiến Nestle và các tập đoàn khác điều chỉnh giá bán. Theo Reuters, Nestle sẽ bắt đầu tăng giá bán khoảng 2% trong thời gian còn lại của năm 2021 để bù đắp cho chi phí đầu vào tăng 4%. Nestle đã tăng giá các sản phẩm khoảng 1,3% trong 6 tháng đầu năm nay. Tuần trước, đối thủ của Nestle là Unilever cho biết cũng sẽ tăng giá bán nhiều sản phẩm đồng loạt tại các thị trường. Unilever lý giải việc này bằng việc dẫn chứng giá dầu đậu nành quý vừa qua đã tăng 20% và hiện cao hơn 80% so với năm trước. Theo CNN, việc một số nước nới lỏng biện pháp chống dịch dẫn tới thiếu hụt một số sản phẩm do nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi năng lực sản xuất chưa kịp trở lại bình thường.
9/ Tesla đã đồng ý bồi thường 1,5 triệu USD liên quan các khiếu nại về bản cập nhật phần mềm tạm thời nhằm giảm điện áp ắc quy tối đa của 1.743 xe điện thuộc dòng sedan Model S. Theo đó, chủ sở hữu của các phương tiện sẽ nhận được 625 USD cho mỗi xe. Khoản bồi thường 1,5 triệu USD đã bao gồm 410.000 USD phí và chi phí cho các luật sư của bên nguyên đơn. Các tài liệu cho thấy bản cập nhật tiếp theo của Tesla đã khôi phục khoảng 3% điện áp pin của những xe nói trên và bản cập nhật thứ 3 được phát hành vào tháng 3/2020 được thiết kế để khôi phục hoàn toàn điện áp ắc quy theo thời gian xe chạy. Theo dữ liệu của Tesla, đã có 1.552 xe được khôi phục hoàn toàn điện áp ắc quy tối đa và 57 xe đã được thay thế ắc quy, trong khi điện áp ắc quy của các phương tiện còn lại sẽ tiếp tục được khôi phục theo thời gian.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này