15:10 - 14/09/2023
Thị trường 24/7: Indonesia tính cấm bán hàng trên mạng xã hội; Vietcombank và Agribank hạ lãi suất tiết kiệm về 5,5%/năm
Từ 15/9, không được mang túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần ra đảo Cô Tô: Sau một năm triển khai khuyến nghị nhân dân, du khách không mang túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần và vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra đảo, từ 15/9/2023, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sẽ đưa khuyến nghị trên thành yêu cầu bắt buộc với tất cả mọi người khi ra đảo, theo TTXVN.
Hiện huyện đảo đã thành lập tổ kiểm soát ở cầu cảng Cô Tô, không chỉ áp dụng cho nhân dân, du khách mà đối với các tàu chở khách, chở hàng nếu không chấp hành quy định này sẽ không được cập cảng. Đây được cho là biện pháp mạnh địa phương này đưa ra để tạo thói quen, sự đồng bộ trong việc ngăn chặn rác thải nhựa, túi ni lông thải ra đảo.
Theo thống kê của huyện Cô Tô, mỗi năm, địa phương này đón từ 6.000 – 8.000 khách du lịch. Trước khi thử nghiệm việc ngừng sử dụng nhựa dùng một lần, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày, tạo thành áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo, nhất là đối với các loại rác thải lâu phân hủy.
Vietcombank và Agribank vừa hạ lãi suất tiết kiệm về 5,5% một năm: Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa điều chỉnh giảm lãi suất 0,2-0,3% với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, theo VnExpress.
Biểu lãi suất tại quầy của hai ngân hàng quốc doanh này tính đến ngày 14/9 tương tự nhau. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên ở mức 3%; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3% về 3,5%; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2% về 4,5%. Khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,8% xuống còn 5,5% một năm.
So với đầu năm, lãi suất huy động tại hai nhà băng quốc doanh này đã giảm 1,5-2%. Theo đó, nếu như đầu năm, khoản tiền gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng, khách được trả lãi 74 triệu đồng, nay mức lãi chỉ còn 55 triệu đồng. Mặt bằng lãi suất huy động tại Vietcombank và Agribank hiện giảm về gần tương đương giai đoạn lãi suất thấp kỷ lục vì Covid-19.
Đài Loan thay đổi chính sách e-visa dành cho Việt Nam từ 14/9: Từ 10h ngày 14/9, du khách Việt Nam sử dụng visa tân tiến của Hàn Quốc và Nhật Bản để xin e-visa nhập cảnh Đài Loan sẽ không được chấp nhận khi đăng ký trên hệ thống xét duyệt qua mạng, theo báo Tuổi Trẻ.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM xác nhận visa điện tử dành cho công dân Đông Nam Á khi sang Đài Loan du lịch (e-visa) được điều chỉnh. Quy định thay đổi chính sách visa này chỉ áp dụng duy nhất với du khách Việt Nam. Các nước Đông Nam Á khác vẫn áp dụng chính sách như cũ.
Như vậy, những du khách và gia đình đã có visa tân tiến Nhật, Hàn khi muốn đi du lịch Đài Loan sẽ không thể áp dụng khai visa điện tử, có kết quả ngay để nhập cảnh du lịch Đài Loan, mà bắt buộc phải chuyển sang hình thức nộp và xét duyệt hồ sơ xin visa như thông thường. Thời gian để xin thị thực visa Đài Loan thường kéo dài khoảng 8 ngày mới có kết quả. Riêng các visa đã được chấp nhận trước đó vẫn có thể sử dụng cho đến khi hết hạn.
Walmart, Carrefour, Boeing… đến Việt Nam tìm nhà cung cấp: Ngày 13/9, triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa “Viet Nam International Sourcing Expo” do Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức đã đón tiếp hàng trăm doanh nghiệp trong ngoài nước tham gia. Trong đó có sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Walmart, Carrefour, Boeing, Aeon…
Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa “Viet Nam International Sourcing Expo” 2023 diễn ra tại TP.HCM và kéo dài từ ngày 13 – 15/9. Năm nay, sự kiện ghi nhận quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới với sự góp mặt của Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển); LuLu (UAE)… cùng hàng trăm DN, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lâm Đồng khuyến cáo không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng: Sở NN-PTNT Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân không tự phát tăng diện tích sầu riêng và thu hoạch phải đảm bảo độ chín của quả, theo báo Thanh Niên.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021; trong đó có hơn 10.800 ha đã cho sản phẩm, dự kiến sản lượng năm 2023 đạt khoảng 115.000 tấn. Với việc diện tích sầu riêng tăng mạnh trong hai năm vừa qua, dự kiến năm 2027 – 2028 toàn tỉnh sẽ có khoảng 19.000 ha đến thời kỳ cho sản phẩm, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, gấp đôi so với sản lượng hiện nay.
Indonesia tính chuyện cấm bán hàng hóa trên mạng xã hội: Jerry Sambuaga, Thứ trưởng Bộ Thương mại, nói trước Quốc hội Indonesia: “Mạng xã hội và thương mại điện tử không thể kết hợp với nhau”, lấy ví dụ về người bán sử dụng tính năng “trực tiếp” trên nền tảng video ngắn TikTok để bán hàng, theo Nikkei Asia. Ông Sambuaga nói: “Việc sửa đổi các quy định thương mại đang được tiến hành sẽ cấm điều này một cách dứt khoát và rõ ràng”.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia với dân số hơn 270 triệu người chiếm gần 52 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong số này, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua phát trực tiếp. Ngành thương mại điện tử của Indonesia được dự báo sẽ tăng lên 95 tỉ USD vào năm 2025.
Trung Quốc kéo nhu cầu sầu riêng thế giới tăng 400%: Ngân hàng HSBC tuần trước ra báo cáo cho biết nhu cầu sầu riêng trên thế giới trong quý 1 tăng 400% so với cùng kỳ năm 2022, VnExpress dẫn tin từ SCMP cho biết.
“Cơn sốt sầu riêng” tập trung chủ yếu ở Trung Quốc – nơi người tiêu dùng coi đây không chỉ là một loại quả, mà còn là món quà thể hiện tiềm lực tài chính của người tặng. Việc dùng sầu riêng làm quà cưới, quà đính hôn, tặng bố mẹ vợ/chồng đang ngày càng phổ biến tại đây.
Nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc bắt đầu tăng từ năm 2017. Tuy nhiên, sự bùng nổ chỉ mới diễn ra từ cuối năm ngoái, theo HSBC. SCMP trích số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho biết năm ngoái, nước này nhập khẩu số sầu riêng gấp 4 lần năm 2017, với tổng trị giá 4 tỷ USD.
Châu Âu sẽ điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc: TBKTSG dẫn tin từ Bloomberg cho biết, Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã công bố về kế hoạch mở cuộc điều tra này trong bài phát biểu hàng năm của bà trước các nhà lập pháp ở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) hôm 13/9.
Bà Ursula von der Leyen cho rằng các công ty châu Âu “thường xuyên” bị rơi khỏi các thị trường nước ngoài” do hàng giá rẻ hơn từ các đối thủ cạnh tranh được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước. Cuộc điều tra được tiến hành bất chấp rủi ro trả đũa từ Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất ô tô châu Âu ngày càng lo ngại sự trỗi dậy nhanh chóng của xe điện Trung Quốc.
Lộ diện “bom tấn” IPO lớn nhất thế giới năm 2023: Arm, công ty thiết kế chip thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank Group, ngày 13/9 cho biết sẽ đặt giá 51 USD/cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq (Mỹ), TTXVN dẫn tin từ Reuters cho biết.
Hoạt động giao dịch cổ phiếu của Arm trên sàn Nasdaq được dự đoán sẽ bắt đầu vào ngày 14/9 (theo giờ địa phương). Mức giá nói trên sẽ đem lại cho công ty này mức giá trị vốn hóa thị trường hơn 52 tỷ USD.
Ban đầu, Arm tìm kiếm mức giá trong khoảng 47-51 USD/cổ phiếu. Trước đó cùng ngày, nhiều bài báo đưa tin công ty này đang cân nhắc mức giá 52 USD/cổ phiếu. Trong thời gian trước khi niêm yết, nhu cầu mua cổ phiếu của Arm đã cao hơn lượng cổ phiếu phát hành đến 10 lần. Là một công ty lớn trong ngành bán dẫn toàn cầu, sự kiện “lên sàn” của Arm có thể thúc giục nhiều công ty công nghệ khác nối gót.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này