16:09 - 19/09/2023
Thị trường 24/7: Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm; Gạo 25% tấm của Việt Nam rớt mốc 600 USD/tấn
Vàng trong nước bật tăng mạnh lên 69,2 triệu đồng/lượng: Sáng 19/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua – bán vàng miếng SJC ở mức 68,5 – 69,2 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch giá mua – giá bán ở mức 700.000 đồng/lượng, theo ĐTTC.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 68,45 – 69,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán cũng ở mức 850.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, vàng đã tăng cao hơn vào đầu tuần trước quyết định chính sách của Fed trong tuần này, thị trường kỳ vọng rất nhiều vào việc Fed giữ lãi suất ổn định. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% ở mức 1.953,40 USD. Trên Kitco, giá vàng giao ngay sáng nay (giờ Việt Nam) giao dịch quanh mức 1.933 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng 12,1 triệu đồng/lượng.
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đang tăng mạnh ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn: Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho biết xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt đang tăng nhanh, theo báo Thanh Niên.
Trong ngày 15/9, các cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn đã xuất khẩu được 521 xe hàng, trong đó trái cây chiếm số lượng nhiều nhất với 421 xe hàng. Trước đó, thống kê tuần từ ngày 8 – 14/9, các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu cho 8.698 xe hàng, tăng 18,4% so với tuần từ ngày 1 – 7/9.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu các loại mặt hàng đạt 1,13 tỷ USD. Trong đó, số xe chở hàng xuất khẩu từ Việt Nam là 3.247 xe, tăng 23% so với tuần trước; số xe chở hàng nhập khẩu 5.451 xe, tăng 16% so với tuần trước. Ghi nhận từ đầu tháng 9 đến nay, xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất sôi động, tăng trưởng mạnh so với những tháng trước đây, mỗi ngày có trên dưới 1.000 xe hàng được làm thủ tục thông quan.
Nhân viên tập đoàn bất động sản Evergrande bị bắt, cổ phiếu giảm 25%: Cổ phiếu Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc giảm tới 25% vào ngày 18/9, sau khi cảnh sát bắt giữ một số nhân viên tại đơn vị quản lý tài sản của họ, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Reuters cho biết.
Theo hãng tin Reuters, Evergrande hiện là tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và là tâm điểm của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này ở Trung Quốc. “Gần đây, cơ quan công an đã thực hiện các biện pháp hình sự bắt buộc với Du và những nghi phạm khác tại Công ty quản lý tài sản tài chính Evergrande”, cảnh sát thành phố Thâm Quyến cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội. Tuyên bố của cảnh sát không nêu rõ số người bị giam giữ, nội dung cáo buộc hay ngày họ bị bắt.
Cổ phiếu Evergrande đã giảm tới 25% xuống còn 0,465 HKD trong phiên giao dịch sớm, mức thấp nhất trong 2 tuần. Tháng 8 vừa qua, Evergrande đã công bố lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD), so với khoản lỗ 66,4 tỷ nhân dân tệ cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương cơ cấu lại ngân hàng SCB: Theo VnExpress, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng cũng như đề xuất chủ trương của SCB và ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Đây là một nội dung trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Theo nội dung của báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
EU đau đầu tìm cách giảm phụ thuộc pin Trung Quốc: Theo hãng tin Reuters, một tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào ngày 5/10 tới đã bày tỏ lo ngại EU sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine.
Mặc dù EU có vị thế vững chắc trong lắp ráp sản xuất máy điện phân, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu, nhưng EU lại phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về pin nhiên liệu và pin lithium-ion, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Reuters cho biết.
“Nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hệ sinh thái năng lượng châu Âu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc vào năm 2030, với mức độ nghiêm trọng tương tự như phụ thuộc năng lượng vào Nga trước cuộc xung đột Ukraine”, tài liệu viết.
Gạo 25% tấm của Việt Nam rớt mốc 600 USD/tấn: Ngày 18/9, thông tin từ Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, sau khoảng 1 tuần điều chỉnh giảm nhẹ, đầu tuần này, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 15 USD/tấn, về mức 613 USD/tấn; giá gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD/tấn, xuống còn 598 USD/tấn, theo SGGP.
Mặc dù loại gạo 25% tấm đã rớt khỏi mức 600 USD/tấn nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với trước khi có cơn sốt gạo của thế giới. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, do nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam trong năm 2023 tăng thêm ít nhất là 1 triệu tấn so với trung bình các năm, nên thị trường xuất khẩu trong các tháng còn lại vẫn sẽ khả quan.
Dự báo, Philippines vẫn là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, chiếm 40% thị phần. Trung Quốc gần đây nhập gạo chậm lại do giá cao, nhưng nước này có thể tăng nhập trở lại trong thời gian tới vì đang mất mùa.
El Nino bắt đầu hình thành trên Thái Bình Dương: Ngày 19/9, Australia thông báo hiện tượng El Nino đã hình thành, kéo theo các điều kiện thời tiết khô và nóng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng và hạn hán, theo TTXVN.
Australia trước đó chưa xác nhận El Nino xuất hiện dù phải đương đầu với thời tiết khô và nóng bao trùm Nam Bán cầu trong mùa Xuân và Hè 2023. Thời tiết khô có thể ảnh hưởng tới sản lượng lúa mì ở Australia, một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, khi vụ thu hoạch Đông sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo 90% khả năng El Nino xuất hiện trong nửa cuối của năm 2023. Trung tâm Dự báo khí hậu của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng El Nino xuất hiện từ tháng 6.
Nhiều sản phẩm OCOP tham gia dự án khởi nghiệp xanh: Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quy tụ 179 dự án của 36 tỉnh, thành tham gia. Theo đó, 108 dự án vào vòng bán kết; trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP, đặc trưng địa phương, theo TTXVN.
Cụ thể, tại vòng bán kết vừa diễn ra ở TP.HCM có thể kể đến những dự án nổi bật, gồm: Dự án phát triển lạp xưởng cá lóc (cá quả) của tỉnh Đồng Tháp; nấm Linh Chi Thành Đồng của tỉnh Đắc Lắk; rượu Cần Đắk Giang – đặc sản văn hóa của người BAH NAR; sản phẩm từ hàu sữa tại các vùng Đầm Phá tỉnh Thừa Thiên Huế; sản phẩm sữa dê gắn với du lịch nông trại… Bên cạnh đó, nhiều dự án sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm như các loại hoa, măng, hạt mắc ca, mật ong, atiso, dừa, bưởi non, măng tây, trái nhàu…
Trao đổi với TTXVN, chị Dương Thị Hồng Chuyên – chủ dự án phát triển lạp xưởng cá lóc của tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, sản phẩm được phát triển xuất phát từ tài nguyên bản địa và có nguồn cung nguyên vật liệu dồi dào tại quê hương. So với với những loại lạp xưởng được chế biến nguyên vật liệu từ thịt gia súc, gia cầm…,lạp xưởng cá lóc có lợi thế vì thuộc nhóm thực phẩm có nguồn nguyên liệu xuất xứ tự nhiên (thiên nhiên) và tốt cho sức khỏe, nhất là những người có nhu cầu hạn chế dầu, mỡ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này