
16:17 - 26/09/2023
Thị trường 24/7: Doanh nghiệp điều than trời vì quy trình kiểm dịch mới; Indonesia sắp thông qua quy định về bán hàng qua mạng xã hội
Doanh nghiệp điều than trời vì quy trình kiểm dịch mới: Quy định mới của Bộ NN-PTNT yêu cầu kiểm dịch 100% lô hàng thực vật nhập khẩu và cả chế biến tái xuất. Nguồn nhân sự kiểm dịch hạn chế khiến cho doanh nghiệp chế biến chờ dài cổ, bị động trong việc thực hiện đơn hàng và xoay vòng vốn.
Trao đổi với báo Thanh Niên ngày 26/9, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết: Các doanh nghiệp đã xuất khẩu điều nhân hơn 30 năm nay, việc kiểm dịch thực vật diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên gần đây, cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm 100% các lô hàng hạt điều đăng ký xuất khẩu tại nhà máy của doanh nghiệp xuất khẩu trải rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Bình quân trong một ngày, riêng tỉnh Bình Phước có khoảng gần 30 doanh nghiệp rải rác khắp các huyện đăng ký kiểm dịch thực vật với số lượng khoảng 60 – 70 container/ngày nên rất mất thời gian. Trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp điều, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chia sẻ quy định áp dụng kiểm dịch là theo thông tư mới của bộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đúng là có hạn chế do nhân lực không đáp ứng đủ, nhất là tại khu vực cảng TP.HCM do lượng hàng nhiều.
Xuất khẩu tôm hùm tại cửa khẩu Móng Cái trở lại bình thường: Ngày 25/9, thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, hoạt động thông thương tại Lối mở Km3+4 (P.Hải Yên, TP.Móng Cái) đã trở lại như cũ, sau nhiều ngày phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu tôm hùm.
Cũng theo Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nguyên nhân khiến các mặt hàng bị ùn ứ được cho là từ ngày 20/9, lực lượng chức năng cửa khẩu của phía Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra 100% hàng hóa là mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc, thay vì chỉ kiểm tra từ 20 – 30% như trước kia.
Điều này khiến cho thời gian thông quan bị kéo dài, dẫn đến hàng hóa bị ùn ứ tại Lối mở Km3+4. Tuy nhiên sau 2 ngày, việc xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đi vào ổn định bởi lực lượng chức năng phía TP Đông Hưng (Trung Quốc) được tăng cường để kiểm tra hàng hóa tôm hùm.
Malaysia tăng cường xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc: Theo hãng tin AFP, Malaysia tăng cường xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc sau khi 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu ăn Malaysia để ngăn nạn phá rừng từ đầu năm 2023.
Ngày 25/9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cây trồng và Hàng hóa Malaysia Fadillah Yusof cho biết nước này sẽ tăng lượng dầu cọ xuất khẩu sang Trung Quốc thêm 500.000 tấn mỗi năm. “Trong năm 2022, tổng khối lượng dầu cọ và các sản phẩm từ cọ Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,14 triệu tấn. Không những vậy, tổng khối lượng xuất khẩu sang Bắc Kinh của mặt hàng này dự kiến đạt 3,2 triệu tấn trong năm 2023”, ông Yusof nói với AFP.
Hồi tháng 1/2023, Malaysia – nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới – tuyên bố họ có thể ngừng xuất khẩu sản phẩm này sang EU sau khi khối này áp đặt các lệnh hạn chế nhập khẩu đối với dầu ăn để ngăn chặn nạn phá rừng.
Indonesia sắp thông qua quy định về bán hàng qua mạng xã hội: Theo AFP, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa thông báo các quy định mới về hoạt động mua bán hàng trên mạng xã hội tại nước này sẽ được thông qua, có thể sớm nhất là vào ngày 26/9, nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương.
Trong năm vừa qua, người dân Indonesia chi nhiều tiền để mua sắm trên mạng xã hội TikTok so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Kể từ khi ra mắt năm 2021, TikTok Shop – tính năng cho phép người dùng được mở gian hàng trên nền tảng TikTok – đã thu hút được hơn 2 triệu người bán tại Indonesia.
Một số quan chức Chính phủ Indonesia đã kêu gọi tách biệt mạng xã hội hay thương mại điện tử, đặc biệt là những nền tảng bán hàng có các hoạt động độc quyền đe dọa đến các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.
Doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty tương đương 20% GDP: 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm ngoái có doanh thu gần 82 tỷ USD, tương đương 20% GDP, theo ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Ông Sơn cho biết vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng đáng kể so với 2018 – thời điểm các doanh nghiệp này được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu của các “ông lớn” tới cuối năm ngoái là hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% sau 5 năm. Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
So với GDP 2022, doanh thu từ các tập đoàn, tổng công ty này tương đương 20% (tức gần 82 tỷ USD). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản (TKV) là những đơn vị ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập.
‘Quả bom nợ’ của bất động sản Trung Quốc Evegrande tiếp tục lỡ hạn thanh toán: Ngày 25/9, Hengda Real Estate Group – chi nhánh tại Trung Quốc của hãng bất động sản China Evergrande Group – cho biết không thể hoàn trả lô trái phiếu trong nước trị giá 4 tỷ nhân dân tệ (547 triệu USD) kèm lãi suất. Hồi tháng 3, Hengda cũng đã lỡ hạn trả lãi với lô trái phiếu phát hành năm 2020 này.
Khi đó, họ cho biết “sẽ tích cực” đàm phán với các trái chủ để tìm ra giải pháp. Hôm qua, Hengda tiếp tục lặp lại cam kết này. Evergrande gần đây liên tiếp gặp rắc rối. Họ hiện là hãng bất động sản nặng nợ nhất thế giới và là ví dụ điển hình cho khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc.
Caixin hôm 25/9 cũng cho biết Xia Haijun – cựu CEO Evergrande và Pan Darong – cựu giám đốc tài chính – đang bị giới chức bắt giữ để điều tra. Cổ phiếu Evergrande hôm qua giảm 21,8%, xuống thấp nhất kể từ ngày 5/9. “Hy vọng của các chủ nợ Evergrande đã tan biến”, Fern Wang – nhà nghiên cứu cấp cao tại KT Capital Group cho biết trên Reuters.
Khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng gần 270%: Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 9 tháng của năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, hành khách quốc tế tăng 266,8%, đạt 23,7 triệu khách và khách nội địa giảm 3,6%, đạt 65,2 triệu khách.
Riêng các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 44,1 triệu khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hành khách quốc tế tăng mạnh tăng 300,2%, đạt 11,5 triệu khách, còn khách nội địa giảm 3,6%, đạt 32,6 triệu khách.
Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang tiếp tục duy trì đà phục hồi đối với phần lớn các thị trường truyền thống (ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga) và sự góp mặt của một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Australia.
Cà phê Việt Nam khai trương gian hàng tại Triển lãm và Hội nghị cà phê quốc tế: Chiều 25/9 (giờ địa phương), Gian hàng cà phê Việt Nam đã được khai trương tại Triển lãm và Hội nghị cà phê thế giới (WCC) ở thành phố Bengaluru, bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ.
Triển lãm và WCC được tổ chức 5 năm một lần, lần đầu tổ chức năm 2001, lần thứ 5 dự kiến tổ chức năm 2020 nhưng do đại dịch Covid-19 nên được chuyển sang năm nay 2023. Bangaluru vinh dự là thành phố đầu tiên tại châu Á đăng cai hội nghị từ ngày 25-28/9. Chủ đề của WCC năm nay là “Phát triển bền vững thông qua kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp thông minh”.
Hội nghị kéo dài 4 ngày sẽ chứng kiến sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia. WCC là diễn đàn quan trọng để thảo luận và hợp tác xây dựng ngành công nghiệp cà phê bền vững, từ hạt cà phê đến cà phê uống liền. Đại diện và chủ sở hữu các công ty khởi nghiệp cà phê, người rang cà phê, người trồng cà phê đặc sản và nông dân nhỏ có sản phẩm tốt nhất cũng sẽ giới thiệu sản phẩm của mình tại sự kiện.
Có thể bạn quan tâm
8 ngân hàng Đài Loan và Ấn Độ hợp vốn cho HD Bank vay 71 triệu USD
Thị trường 24/7: Bitcoin không ngừng lập đỉnh; SpaceX cân nhắc chuyển sản xuất đến Việt Nam
Thị trường 24/7: Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS tăng; Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup
Máy bán pizza tự động và câu chuyện bảo tồn văn hóa ẩm thực
Bảo hiểm Thái Lan tung sản phẩm điều trị tác dụng phụ của vắc xin Covid-19
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn vượt 96 triệu đồng/lượng; Giá gạo xuất khẩu đảo chiều, tăng liên tục

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này