
16:19 - 20/11/2023
Thị trường 24/7: Giá USD giảm mạnh; Vịnh Hạ Long bị đưa vào danh sách ‘No list 2024’

Số lượng khách đến Vịnh Hạ Long năm 2022 là hơn 7 triệu và dự kiến đạt khoảng 8,5 triệu vào năm 2023, theo số liệu thống kê từ Fodor’s Travel.
Vịnh Hạ Long bất ngờ bị đưa vào danh sách ‘No list 2024’: Sau khi công bố danh sách các điểm đến nên ghé thăm “Go list”, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel đầu tháng này công bố top “No list” với 9 điểm đến cần cân nhắc khi tới năm 2024.
“No list 2024” xét trên 3 tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch: quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Vịnh Hạ Long của Việt Nam được nhắc đến ở tiêu chí “tạo rác thải”.
Theo tạp chí này, trong các chuyến du ngoạn trên vịnh, du khách thường xuyên nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng với những vệt dầu diesel từ việc chèo thuyền của khách du lịch. Ngoài ra, còn có rác thải từ các khu dân cư và cộng đồng ngư dân dọc các bãi biển. Fodor’s Travel dẫn chứng một nghiên cứu năm 2020 ước tính có hơn 28.000 tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm ở vịnh Hạ Long, trong đó gần 5.300 tấn thải ra biển, tương đương 34 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch.
Đà Nẵng vào Top 11 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á 2024: Tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler vừa gợi ý 11 điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á không thể bỏ qua vào năm tới. Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách này.
Đà Nẵng được Condé Nast Traveler đề xuất là điểm đến hấp dẫn với những bãi biển tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, tổ hợp vui chơi giải trí sôi động, khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái độc đáo, ẩm thực đặc sắc và Lễ hội pháo hoa quốc tế thường niên.
Là thành phố biển hiện đại nằm giữa nhiều địa danh được UNESCO công nhận, Đà Nẵng là một trong những thành phố du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhất ở châu Á sau đại dịch Covid-19, một phần nhờ việc nối lại các đường bay quốc tế, tăng tần suất các chuyến bay từ nước ngoài đến thành phố và tổ chức các chương trình khuyến mại kích cầu du lịch.
Vàng SJC giảm trở lại: Lúc 9 giờ ngày 20/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 70,05 triệu đồng/lượng, bán ra 70,75 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng SJC được các doanh nghiệp thu hẹp xuống còn 700.000 đồng/lượng, thay vì mức gần 1 triệu đồng/lượng những ngày trước, phản ánh nhu cầu giao dịch không cao buộc doanh nghiệp phải thu hẹp biên độ để kích thích thị trường.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại tiếp tục duy trì ở mức cao lịch sử, đạt 59,1 triệu đồng/lượng mua vào, 60,1 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm qua. Biên độ giá mua – bán vàng nhẫn được các doanh nghiệp duy trì ở mức cao 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng hôm nay biến động trong biên độ hẹp, khi trên thị trường quốc tế, giá vàng mở cửa tuần giao dịch mới quanh mốc 1.980 USD/ounce, giảm nhẹ khoảng 1 USD/ounce so với cuối tuần.
Hầu hết mặt hàng tiêu dùng nhanh đều tăng giá: Khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ.
Mức tăng giá trung bình của nhóm hàng tiêu dùng nhanh nói chung trong 8 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022 là 4,4%. Các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm (+7,6%), bia (+7,3%) và sản phẩm từ sữa (+4,9%). Kết quả nghiên cứu của Nielsen IQ cũng tương đồng với các chuyển động gần đây trên thị trường. Theo đó, các nhà bán lẻ, chủ hệ thống siêu thị gần đây cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là giá đầu vào, điện và xăng dầu tăng.
Phản ứng với tăng giá, nghiên cứu cho biết cách phổ biến nhất của người tiêu dùng là mua ít hơn, với 33% chọn giải pháp này. Một số phương án chính khác bao gồm: chọn thương hiệu rẻ hơn (21%); mua gói lớn hơn để tiết kiệm (16%) và mua các sản phẩm khuyến mãi (16%). Ngoài ra, còn có 10% chọn “dừng mua sắm”.
Giá USD giảm mạnh: Sáng 20/11, trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng giảm mạnh giá USD gần 100 đồng, giao dịch xuống còn 24.180 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại đã giảm tỷ giá 70 – 80 đồng/USD chỉ trong vòng vài giờ mở cửa thị trường.
Tại Eximbank, giá mua USD thủng mức 24.000 đồng/USD, xuống còn 23.940 – 24.010 đồng, bán ra còn 24.330 đồng. Tại Vietcombank, giá mua USD cũng xuống còn 23.990 – 24.020 đồng, bán ra 24.360 đồng… Như vậy, các ngân hàng đã giảm giá USD tổng cộng 370 đồng, tương ứng 1,5%. Mức giảm này đã lấy đi toàn bộ đà tăng giá trước đó của đồng bạc xanh.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 18 đồng, xuống còn 23.954 đồng. Do đó, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng giảm giá bán ra xuống còn 25.101 đồng/USD, mua vào giữ nguyên giá 23.400 đồng/USD.
KIDO ‘bắt tay’ TikTok mở kênh giải trí và livestream bán hàng: KIDO cùng TikTok lập kênh E2E (giải trí và livestream bán hàng) đầu tiên tại Việt Nam để các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh sức mua yếu.
Chia sẻ tại buổi công bố tối 18/11 ở TP HCM, ông Trần Lệ Nguyên – CEO Tập đoàn KIDO – cho biết sau nhiều tháng nghiên cứu về thương mại điện tử, công ty quyết định “bắt tay” TikTok lập kênh E2E (Entertainment & E-commerce) tạo sân chơi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Sàn sẽ được xây dựng trên nền tảng TikTok. Trong đó, KIDO là nhà đầu tư dự án, còn TikTok là đơn vị hỗ trợ tạo traffic, tìm kiếm các KOL (chuyên gia, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng), KOCs (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) tư vấn doanh nghiệp cách livestream bán hàng.
Ấn Độ có thể duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024: Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024. Động thái này có thể sẽ giữ giá gạo toàn cầu ở mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008.
Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo 100% tấm cũng như gạo trắng phi basmati và áp đặt mức giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo thơm basmati. Giá gạo trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm hồi tháng 8 khiến các nước nhập khẩu dễ bị tổn thương nhất hạn chế mua. Nhiều nước đã tìm kiếm sự miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Hồi tháng 10, Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu 1,34 triệu tấn gạo sang 7 nước bao gồm Bờ Biển Ngà, Cameroon, Guinea và Seychelles.
Theo Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, trong tháng 10, giá gạo vẫn cao hơn 24% so với một năm trước. “Chừng nào giá gạo trong nước Ấn Độ còn đối mặt với áp lực tăng giá, các hạn chế đó có thể sẽ tiếp tục được duy trì và gia hạn ngay cả sau cuộc tổng tuyển cử (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 và tháng 5/2024)”, Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng khu vực Ấn Độ và châu Á của Nomura Holdings, bình luận.
Thái Lan tổ chức 3.000 sự kiện, cân nhắc miễn thị thực cho khách Âu để thúc đẩy du lịch: Chính phủ Thái Lan cho biết có thể miễn thị thực cho du khách từ nhiều nước châu Âu hơn và lên kế hoạch tổ chức khoảng 3.000 sự kiện thể thao, văn hóa để tăng doanh thu du lịch.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 16/11, Prommin Lertsuridej, Tổng thư ký của Thủ tướng Srettha Thavisin, tiết lộ chính phủ đang thảo luận kế hoạch cho phép du khách của một số nước châu Âu lưu trú đến 90 ngày ở Thái Lan mà không cần thị thực. Ngoài ra, ông cũng cho biết, từ nay đến sang năm, Thái Lan sẽ tổ chức khoảng 3.000 sự kiện hòa nhạc, marathon và các lễ hội văn hóa khác để thu hút du khách nước ngoài.
Tuần trước, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết sẽ đề xuất chính phủ nâng thời gian miễn thị thực cho du khách của hơn 50 nước từ 30 ngày lên 60 ngày. Trong giai đoạn đầu tiên, kế hoạch nâng thời gian miễn thị thực sẽ nhắm đến các nước ở châu Âu như Anh, Đức, các nước thuộc vùng Scandinavi và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan. Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Sudawan Wangsupakijkosol nói rằng biện pháp này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Giá USD thị trường tự do lên 25.850 đồng; Honda chốt thời điểm ‘khai tử’ xe máy xăng
Thị trường 24/7: Chứng khoán tăng mạnh nhất từ đầu năm; Tiêu thụ ô tô sụt giảm nghiêm trọng
Israel sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ‘miễn nhiễm’ với Covid-19
Kim ngạch xuất khẩu 11 loại trái cây giá trị cao năm 2021
Thị trường 24/7: Vàng miếng SJC lập kỷ lục gần 82 triệu đồng mỗi lượng; Giá cà phê vượt mức 90.000 đồng/kg
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON 95 xuống dưới 19.000 đồng/lít; Dòng tiền trở lại, VN-Index đảo chiều đi lên

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này