11:14 - 19/04/2022
Nguy cơ thiếu hụt cung, giá ngô sẽ tăng?
Kể từ tháng 9/2021 đến nay, giá ngô thế giới đã tăng 7 tháng liên tiếp và hiện tại đang hướng đến tháng tăng giá thứ 8.
Giá hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn CBOT tính đến ngày 6/4 giao dịch quanh mức 755,6 cent/giạ, tương ứng tăng khoảng 47,5%.
Các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng giá ngô được hỗ trợ bởi việc sản lượng không theo kịp nhu cầu tiêu thụ, và nhất là viễn cảnh sản lượng suy giảm trong mùa vụ 2022-2023 do sản xuất ở Ukraine có nguy cơ tổn hại nặng nề do chiến tranh.
Bên cạnh sự gián đoạn trực tiếp do xung đột Nga – Ukraine, giá chi phí đầu vào là phân bón tăng liên tục cũng dẫn tới việc chuyến đổi cơ cấu cây trồng tại Mỹ. Trong khi đó, nguồn cung phân bón khó khăn ở Brazil sẽ hạn chế khả năng mở rộng diện tích canh tác của quốc gia này trong mùa vụ sắp tới.
Sự thay đổi ở Mỹ và Ukraine
S&P Global đưa tin về báo cáo khảo sát mùa vụ cây trồng 2022-2023 phát hành ngày 31/3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính diện tích trồng ngô của nước này giảm khoảng 4% so với mùa vụ trước, chỉ đạt 89,5 triệu mẫu. Trong khi đó, diện tích trồng đậu nành dự kiến tăng 4%, lên mức 91 triệu mẫu. Con số ước tính mới nhất này đối với ngô là sự điều chỉnh giảm so với báo cáo hồi tháng 2 rằng diện tích trồng ngô khoảng 92 triệu mẫu.
Theo ghi nhận lịch sử từ năm 1926 tới nay, đây là lần thứ 3 Mỹ chứng kiến diện tích trồng đậu nành vượt qua diện tích trồng ngô. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này của nông dân Mỹ do giá phân bón tăng liên tục, cùng với các yếu tố cơ bản cho thấy sẽ duy trì mức cao trong vài năm tới. Trong khi đó, đậu nành là loại cây sử dụng ít phân bón hơn so với ngô.
Mặc dù thời tiết mùa vụ tới được đánh giá thuận lợi giúp năng suất thu hoạch ngô dự kiến đạt 181 giạ/mẫu, cao hơn so với năng suất 177 giạ/mẫu của mùa vụ hiện tại, nhưng do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng ngô dự kiến chỉ đạt 14,8 tỷ giạ, tương ứng giảm 2%. Tồn kho cuối vụ tới dự kiến chỉ ở mức 1,3 tỷ giạ, tương đương với 8,7% nhu cầu tiêu thụ, giảm so với tỷ lệ 9,6% của mùa vụ hiện tại. Và tỷ lệ tồn kho này là lần thứ 7 lặp lại mức thấp nhất trong lịch sử.
Ukraine có sản lượng ngô mùa vụ hiện tại 41,9 triệu tấn, đứng ở vị trí thứ 5, tương đương tỷ trọng 3,5% sản lượng thế giới, trong khi lượng xuất khẩu đứng ở vị trí thứ 4 với khối lượng 27,5 triệu tấn, thị phần chiếm khoảng 14,3% thị trường xuất khẩu thế giới. Khủng hoảng xung đột kéo dài ở quốc gia này dẫn tới việc gieo trồng mùa vụ mới bị ảnh hưởng nặng nề, bởi khó tiếp cận được nhiên liệu, hạt giống và phân bón.
Theo Reuters, diện tích trồng ngô mùa vụ tới tại Ukraine chỉ khoảng 3,3 triệu hecta, giảm tới 38,9% so với diện tích 5,4 triệu hecta hiện tại. Không chỉ cây ngô bị ảnh hưởng, tổng diện tích gieo trồng cũng giảm mạnh hơn 50%, dự kiến, khi chỉ có khoảng 7 triệu hecta được gieo trồng so với 15 triệu hecta của mùa vụ 2021-2022. Với diện tích trồng ngô giảm 38,9% như vậy, nếu năng suất duy trì như hiện tại, sản lượng ngô dự kiến chỉ đạt 25,6 triệu tấn. Tuy nhiên năng suất hầu như sẽ giảm do thiếu phân bón, và như vậy sản lượng chỉ khoảng 20 triệu tấn.
Cán cân cung – cầu mùa vụ 2022-2023
Với sản lượng ngô dự kiến giảm tới 21,9 triệu tấn ở Ukraine và giảm 7,4 triệu tấn ở Mỹ, trong điều kiện sản lượng ở các quốc gia khác không thay đổi, dự kiến sản lượng ngô toàn cầu mùa vụ 2022-2023 chỉ đạt 1,18 tỷ tấn, giảm khoảng 2,4% so với mức 1,21 tỷ tấn của mùa vụ 2021-2022. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng trưởng nhờ GDP toàn cầu tăng. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ ngô dự báo khoảng 1,2 tỷ tấn, tức thiếu hụt khoảng 23,3 triệu tấn. Dự kiến tồn kho cuối kỳ chỉ khoảng 277,7 triệu tấn, tương đương tỷ lệ tồn kho trên tiêu thụ 23,1%, thấp nhất kể từ mùa vụ 2014-2015 đến nay. Như vậy, viễn cảnh mùa vụ tới có rủi ro rất lớn đối với nguồn cung dẫn tới thiếu hụt.
Tuy nhiên, rủi ro đối với nhu cầu tiêu thụ chính là vấn đề dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc. Nếu như quốc gia này vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid và phong tỏa kéo dài, các chuyên gia ước tính GDP có thể sụt giảm 50% trong vòng 4 tháng. Điều này cũng có thể gây gián đoạn nhu cầu tiêu thụ trong năm nay, gây áp lực lên giá. Đối với yếu tố này, sau khi Trung Quốc hồi phục kinh tế trở lại, nhu cầu sử dụng ngô sẽ tăng cao để bù đắp, có nghĩa khi đó thị trường sẽ quay trở lại bối cảnh thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh rủi ro từ Trung Quốc, rủi ro còn đến từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, nếu ngân hàng trung ương này tăng lãi suất quá nhanh (do áp lực từ lạm phát), có thể dẫn đến rủi ro suy thoái kinh tế, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, các lo ngại này chỉ là thoáng qua, dự kiến Trung Quốc có thể trải qua đỉnh dịch trong vòng 4 tháng như thực tế diễn ra ở các quốc gia khác. Còn Fed, vốn có động thái thận trọng và được hỗ trợ bởi nhiều chỉ báo kinh tế quan sát được, nên sẽ có các giải pháp khéo léo trong việc thu hồi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng không gây đổ vỡ đối với nền kinh tế thế giới.
Theo Phạm Tuấn/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này