15:25 - 02/10/2023
Thị trường 24/7: Giá gas tháng 10 tiếp tục tăng; Mì gói Việt Nam hút hàng ở Nhật Bản
Giá gas tháng 10 tăng thêm 75.000 đồng/bình 45kg: Từ 7 giờ sáng 1/10, theo thông báo của các doanh nghiệp kinh doanh gas khu vực miền Nam, giá bán lẻ gas tháng 10 tiếp tục tăng.
Theo đó, so với tháng 9, gas tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng đồng loạt tăng 20.000 đồng/bình; bình 45kg tăng 75.000 đồng và bình 50kg tăng 83.000 đồng. Sau khi tăng, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) thông báo giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng của thương hiệu này là 426.500 đồng/bình 12kg. Các thương hiệu gas khác cũng tăng giá, nâng giá bán lẻ lên mức từ 410.000 – 470.000 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty kinh doanh gas, nguyên nhân khiến giá gas trong nước tăng là do giá gas thế giới tăng. Giá gas thế giới bình quân tháng 10 chốt hợp đồng ở mức 607,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 9. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh tăng theo.
Quỹ đầu tư Bain Capital rót 200 triệu USD mua cổ phần Masan: Sáng 2/10, Công ty CP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) công bố, Bain Capital – quỹ đầu tư có tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD – đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị mỗi cổ phần 85.000 đồng.
Cụ thể, khoản đầu tư của Bain Capital dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi lên đến 10%/năm.
Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác. Jefferies Singapore Limited đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho Masan Group trong giao dịch này.
Manulife trả hơn 1.500 tỷ đồng tiền hủy hợp đồng: Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023, với nhiều dữ liệu đáng chú ý. Theo đó, đối với mảng cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp mang về hơn 11.090 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quá trình vận hành, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Riêng chi phí bán hàng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1.200 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp cắt mạnh khoản chi phí khen thưởng và hỗ trợ đại lý bán bảo hiểm, chỉ còn hơn 570 tỷ đồng (-68%). Ngoài ra, chi phí hoa hồng bảo hiểm cũng giảm xuống còn hơn 910 tỷ đồng (-43%).
Đáng chú ý, trong mục chi bồi thường bảo hiểm gốc và trả tiền bảo hiểm, doanh nghiệp đưa ra số tiền hơn 1.500 tỷ đồng cho phần “hủy bỏ hợp đồng”, tăng hơn 280% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn nhiều so với các khoản như: bảo tức, quyền lợi tiền mặt và lãi phân bổ cho chủ hợp đồng, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men, bồi thường tử vong, đáo hạn hợp đồng…
Mì gói Việt Nam, Thái Lan hút hàng ở Nhật Bản: Thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết nhập khẩu mì gói từ các khu vực khác ở châu Á đạt khoảng 8,6 tỷ yen (57,6 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) vào năm 2022, gấp 3,1 lần so với năm 2017.
Khoảng 80% lượng nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, bao gồm cả món Shin Ramyun cay của Nongshim. Mì gói đến từ Đông Nam Á đang có mức tăng trưởng đáng kể. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt tổng cộng khoảng 500 triệu yen (3,35 triệu USD) vào năm 2022, gấp 5,6 lần năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu từ Thái Lan tăng gần gấp đôi, lên 510 triệu yen (3,41 triệu USD).
Mì ăn liền ra đời ở Nhật Bản cách đây sáu thập kỷ và ngày càng phổ biến toàn cầu. Những năm gần đây, bên cạnh hàng nội địa và Hàn Quốc, mì gói nhập từ Đông Nam Á ngày càng được ưa chuộng. Một phần nguyên nhân là Covid-19 khiến người Nhật không thể du lịch nước ngoài. Khi ấy, họ quyết định mua mì gói của Việt Nam hoặc Thái Lan để trải nghiệm chỉ sau 5 phút chế biến.
Đường sắt bắt đầu nhận đăng ký vé tàu tập thể Tết Giáp Thìn 2024: Ngày 1/10, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết vừa có thông báo về việc nhận đăng ký mua vé tàu tập thể Tết Giáp Thìn 2024.
Theo đó, chi nhánh sẽ nhận đăng ký mua vé tập thể (cả lượt đi và lượt về, mỗi lượt từ 5 vé trở lên) kể từ ngày ra thông báo đến 16h ngày 10/10. Thời gian bán vé tập thể dự kiến từ 8h ngày 15/10 đến hết ngày 22/10.
Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, vé tàu tập thể sẽ ưu tiên các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổ chức xã hội, các đơn vị trong ngành đường sắt. Người dân có nhu cầu mua vé tàu tập thể có thể đến các nhà ga đường sắt như ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Bình Thuận, Phan Thiết, Tháp Chàm, Sông Mao… để đăng ký.
Giá ớt tại nhà vườn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tăng vọt: Hiện ớt tại đang được bán giá 25.000-35.000 đồng một kg, tăng 66% so với tháng trước đó.
Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh so với vụ trước do đang vào mùa mưa bão, sản lượng thấp, chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá đi lên. Với mức giá ổn định như hiện nay, người nông dân có thu nhập trên 300-350 triệu đồng mỗi ha một năm (chưa trừ chi phí).
Số liệu từ Cục trồng trọt cho thấy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, người dân cũng đã thu hẹp diện tích trồng còn khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.
Trung Quốc đẩy mạnh trồng thanh long ruột đỏ, và bán giá rẻ hơn so với hàng nhập từ Việt Nam: Năm ngoái, Trung Quốc công bố trồng được 67.000 ha thanh long, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam cả về diện tích và sản lượng. Nước này sau đó cho nông dân tăng thêm diện tích, đa dạng sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật để đạt năng suất cao.
Theo People’s Daily, gần đây nông dân tại Từ Hi, Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, liên tục làm việc thâu đêm để thụ phấn nhân tạo cho thanh long, đảm bảo một vụ thu hoạch thành công. Tại đây, nông dân vùng này cũng đẩy mạnh diện tích hơn so với trước. Điều này khiến giá hàng ruột đỏ ở Nam Ninh đang có giá thấp hơn so với hàng Việt.
Khảo sát của Produce Report cho thấy tháng 7-8 là cao điểm mùa cung cấp thanh long. Tại Quảng Tây – nơi sản xuất thanh long lớn nhất Trung Quốc – giá đã xuống thấp kỷ lục. Thanh long ruột đỏ tại một khu chợ ở thủ phủ Nam Ninh có giá bán lẻ khoảng 7 nhân dân tệ (23.000 đồng một kg), trong khi thanh long ruột trắng từ Việt Nam có giá khoảng 9 nhân dân tệ (30.000 đồng một kg).
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 4,7%: Trong báo cáo kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thường kỳ 6 tháng công bố ngày 2/10, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, nhu cầu trong nước yếu kéo dài, bên cạnh những yếu kém gia tăng ở khu vực tài chính trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025. Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.
Cân đối ngân sách dự kiến có bội chi ở mức 0,7% GDP trong năm 2023 khi chính sách tài khóa vẫn phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng Chính phủ sẽ quay lại vị thế tài khóa thận trọng hơn trong năm 2024, phù hợp với chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021-2030. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ xuất khẩu sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi, và nguồn kiều hối vẫn đứng vững.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này