
15:02 - 05/09/2018
‘Thầy ơi, con chuột này không thích chiếc máy’
Các bạn đã từng nghe về các thầy cô giáo cõng các con chữ, cõng sách và thậm chí cõng cả bàn ghế để đem ánh sáng, đem lại cái học cho các em dân tộc miền núi.

Bạn Trần Xuân Trường xin được một số bàn phím của phòng internet người ta loại ra ở Đà Nẵng, bạn đã đóng thùng và gửi xe vào cho thầy trò em với lời dặn: “Anh phải chụp ảnh để làm bằng chứng là cho các em học sinh chứ không phải xin để bán lại”
Nhưng cõng cả một phòng máy tính trên lưng đến với các em miền núi là một câu chuyện kỳ lạ có thật.
Người thầy đó chính là thầy giáo Huỳnh Thái Điệp của trường tiểu học Lý Tự Trọng, điểm trường chính đóng trên địa bàn thôn 6, xã Dăk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Dăk Nông. Thầy vốn là sinh viên của khoa Tin học, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, tốt nghiệp năm 2011 và đã cùng với vợ, cũng là giáo viên tin học về công tác tại đây. Cả hai vợ chồng nguyên học cùng một lớp và khi ra trường có nguyện vọng đi cùng nhau.Sau khi nghe thầy giáo chủ nhiệm lớp đại học động viên và tư vấn để làm sao hai đứa có thể về dạy cùng một nơi, đôi bạn trẻ đã quyết định về với Dăk Nông và bây giờ họ đang hạnh phúc với một ngôi nhà nhỏ và hai đứa con xinh xắn ngoan hiền.Họ đã chọn nơi này làm quê hương.
Phòng máy tính di động trên lưng
Mùa hè năm 2012, theo lời kể, thầy đến nhận nhiệm sở tại một trường tiểu học gần biên giới. Một trường học với ba điểm trường cách nhau gần năm cây số đường rừng. Khi năm học mới bắt đầu với chủ trương đưa môn tin học vào cho học sinh lớp 3, 4 và 5, thầy là người tiên phong trong việc đứng lớp. Chủ trương có nhưng tài liệu, sách vở, máy móc thiết bị thì không.Giữa những bộn bề khó khăn, thầy vẫn quyết tâm dạy tin học.
Những ngày tháng đầu tiên cả thầy và trò được học tin học trong… trí tưởng tượng về nội dung.Thầy kể các em nghe về lịch sử tin học, những thay đổi của thế giới khi tin học ra đời. Đôi lúc các em được nhìn, được sờ, được quan sát qua cái máy tính xách tay cũ rích của thầy hồi còn học đại học, và đôi khi là thầy trò học qua các bức tranh do thầy vẽ về bàn phím, về con chuột, màn hình, v.v. Các em học tin học qua những bức tranh đó, qua trí tưởng tượng phong phú mà thầy gieo. Ấy thế mà cả ba điểm trường và hàng chục em học sinh vẫn say sưa thích thú đợi chờ tiết học của thầy. Rồi thầy được bạn bè ở Đà Nẵng gởi lên hơn mười cái bàn phím cũ để các em ngày qua ngày ngồi gõ lóc cóc như đang gõ những phím đàn. Nhìn các em mân mê bàn phím, tay sờ lên các con chuột mà lòng thầy thắt lại, vì không biết làm thế nào để các học trò của mình được tiếp xúc với một chiếc máy tính thật đúng nghĩa. Các em học sinh bé nhỏ của thầy đã làm quen với máy tính bằng những bài học vỡ lòng như thế.
Cho đến một ngày khi phụ huynh và nhà trường và các thầy cô bàn bạc và đồng lòng cùng đóng góp để mua sáu cái, rồi 15 cái máy tính xách tay phục vụ cho việc dạy tin học thì khái niệm phòng máy di động bắt đầu ra đời. Nhà trường không thể xây phòng máy, vì các điểm trường xa nhau các em không đi lại được, điện lại lúc có lúc không. Vì vậy giải pháp đưa ra là mua máy tính xách tay, thầy có nhiệm vụ sạc pin đầy đủ cho 15 máy và vận chuyển các máy đến điểm trường mỗi khi dạy. Thầy kể: “Tôi là vệ sĩ cho 15 cái máy tính. Đường đi rất khó phải vác trên vai 15 máy tính nên xe có thể ngã, người có thể trượt nhưng máy tính phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn, vì đó là tiền của phụ huynh (hàng trăm triệu chứ không phải nhỏ), là ước mơ, là khát khao và là sự ham học hỏi của các em trong suốt mấy năm qua”. Và thầy nâng niu và giữ gìn phòng máy tính trên lưng hết sức cẩn thận, chu đáo và an toàn.

“Tôi là vệ sĩ cho 15 cái máy tính. Đường đi rất khó phải vác trên vai 15 máy tính nên xe có thể ngã, người có thể trượt nhưng máy tính phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn, vì đó là tiền của phụ huynh (hàng trăm triệu chứ không phải nhỏ), là ước mơ, là khát khao và là sự ham học hỏi của các em trong suốt mấy năm qua” – thầy Huỳnh Thái Điệp
“Thầy ơi, con chuột này không thích chiếc máy”
Và cứ thế, ngày qua ngày dù mưa hay nắng, thầy vẫn miệt mài cõng máy tính đến với các em. Nhiều người tưởng thầy đi bán hàng đa cấp, có người tưởng thầy đi tiếp thị hàng hoá, vì khi nào cũng thấy thầy kè kè túi ba lô, túi đựng gạo chứa máy tính bên mình đi khắp nẻo đường thôn xóm.Thầy nói hạnh phúc lớn nhất của thầy là mỗi lần đến trường thấy các em đang háo hức đứng chờ và xem thầy có mang ba lô không?Vì nếu có thì các em được thực hành được nâng niu chiếc máy tính mà các em mong đợi trong tuần. Nhìn các em gõ từng con chữ trên bàn phím, cầm chuột vẽ các bức tranh ngoặt ngoẹo; lòng thầy bỗng ấm lên, mắt thầy vui sáng hẳn vì biết rằng ước mơ tiếp cận với thế giới văn minh đang ngày càng đến gần với các em hơn. Và hơn hết là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần dần mở ra
trong mỗi tâm hồn, trí óc của các em.
Và câu chuyện cứ tiếp tục không dứt. Thầy nhiệt tình và say sưa kể cho tôi nghe từng câu chuyện nhỏ, chuyện to, chuyện vui, chuyện buồn khi các em học máy tính. Thầy nhớ mãi câu hỏi của em học trò người M’Nông: “Thầy ơi con chuột này không thích chiếc máy”, khi máy không nhận tín hiệu từ chuột. Đó là khoảnh khắc vui mừng tột độ của cô bé khi đánh được những dòng chữ đầu tiên xuất hiện trên máy. Đó là cái nắm tay thật chặt, cái ôm vai chân tình của phụ huynh cảm ơn thầy khi biết con mình đang được học cái mới, cái hay, cái tiến bộ nhờ thầy. Tôi thấy trong mắt thầy ánh lên niềm hạnh phúc, và tôi biết trong tim thầy đang sục sôi dòng máu nhiệt tình nghề nghiệp.
Thầy Điệp nói với tôi rằng, nếu không có những bài giảng, lời khuyên của thầy hồi đại học và nếu không có chủ trương của trường, đặc biệt là sự ủng hộ của phụ huynh thì rất khó để có được kết quả như thế này. Đó cũng chính là lời kết luận cho những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó nếu muốn con em mình tiếp cận với máy tính thì nhà trường, phụ huynh phải đồng lòng, ủng hộ, và đặc biệt ở đó phải có những người thầy như thầy Huỳnh Thái Điệp.
Lê Viết Chung
Giảng viên khoa Toán tin ĐH Sư phạm Đà Nẵng
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này