
10:59 - 07/02/2022
Phim chiếu rạp bắt tay phim chiếu trực tuyến
Dịch Covid-19 khiến tất cả những ai yêu điện ảnh nhớ rạp quay quắt. Nhưng khán giả vẫn hài lòng với sự đầu tư cho phim ảnh ngày càng lớn của các nền tảng trực tuyến.
Một sự tồn tại song hành và hỗ trợ nhau, người được lợi là khán giả. Còn các nhà làm phim lại có thêm sự lựa chọn cho tác phẩm của mình.
SquidGame của điện ảnh Hàn Quốc do Netflix đầu tư ra mắt vào ngày 17/9/2021. Theo thống kê vào tháng 11, bộ phim nằm trong top những phim của Netflix có lượt xem cao nhất, trở thành một hiện tượng của Netflix và điện ảnh Hàn Quốc.
Phần 3 trong loạt phim về người nhện do Tom Holland thủ vai, nằm trong vũ trụ điện ảnh Marvel đã giúp cho rạp chiếu phim bừng sáng trở lại sau một thời gian quá dài bị dịch xua vào bóng tối và yếu thế so với phim trực tuyến. Spider-Man: No Way Home trở thành một trong những phim có doanh thu ba ngày mở đầu cao nhất mọi thời đại, đứng cùng hàng ngũ với những bom tấn thời chưa đại dịch như Avengers: Endgame, Avatar, Star Wars: The Force Awakens…
Paul Thomas Anderson, một trong những đạo diễn tài năng nhất ở Mỹ, đã thốt lên rằng Spider-Man sẽ giải cứu điện ảnh, kéo mọi người đến với rạp trở lại trong một cuộc phỏng vấn với The New Yorker để quảng bá cho bộ phim mới nhất của ông có tên là Licorice Pizza. Mặc dù trước đó nhiều đạo diễn gạo cội như Martin Scorsese hay Ridley Scott không cho rằng các phim siêu anh hùng là điện ảnh và đánh giá thấp. Nhưng với doanh thu mà Spider-Man làm được, và giúp cho điện ảnh trở nên sôi động hơn đặc biệt là ở mảng chiếu rạp, những nhà sản xuất từ các hãng phim lớn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng rạp chiếu phim vẫn là một thiên đường cho điện ảnh.
Người xem vẫn được lợi
Sự song hành giữa nền tảng trực tuyến và hình thức chiếu rạp đang dần trở nên dung hòa, chấp nhận nhau và giúp cho điện ảnh thế giới cũng như Việt Nam đứng vững hơn dù trong hoàn cảnh nào. 2022 là năm thứ ba kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.
Nhiều thứ của điện ảnh đã thay đổi, rạp chiếu phim không còn độc quyền trong vòng 90 ngày với các tác phẩm điện ảnh lớn nữa. Thay vào đó, bộ phim sẽ được trình chiếu trên các nền tảng trực tuyến sau 45 ngày chiếu rạp. Rạp chiếu không có cách nào khác phải thoả hiệp để tồn tại. Nhưng nó cũng không phải là điều gì quá thiệt thòi trong thời đại bùng nổ của công nghệ số.
Người được lợi nhất chắc chắn là khán giả khi mà giờ đây, khán giả có thể lựa chọn ra rạp để có được trải nghiệm điện ảnh tốt nhất . Đồng thời, khán giả cũng có thể ở nhà tận hưởng những tác phẩm điện ảnh lớn không kém trên các nền tảng như HBO Max, Netflix, Amazon Prime vì họ đang dần trở thành những đơn vị sản xuất phim rất lớn.
Qua một thời kỳ đủ dài của đại dịch Covid-19, chúng ta hiểu rằng cần thương yêu, đồng cảm và chấp nhận nhau để sống. Hệ thống điện ảnh cần phim bom tấn để đưa khán giả quay trở lại rạp, khán giả cần có những nền tảng số để dễ dàng tiếp cận hơn với điện ảnh. Nhà làm phim được mặc sức sáng tạo nhờ vào nguồn ngân sách vô tận của các nền tảng trực tuyến. Khi tất cả bắt tay nhau thì ta sẽ luôn có win-win & win dành cho tất cả mọi người.
AI thay đổi thế giới điện ảnh
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được các nhà làm phim Hollywood và thế giới đưa vào trong phim từ rất lâu để dự báo tương lai loài người. Một quan ngại được đặt ra, liệu AI có thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật thay thế con người khi mà hiện nay những bức tranh mà AI vẽ vừa nhanh vừa đẹp, AI cũng có khả năng sáng tác nhạc. Vào năm 2019, bản nhạc Symphony số 8 của Schubert bị nhà soạn nhạc lừng danh bỏ dở đã được một nhà soạn nhạc ở Los Angeles sử dụng AI để giúp hoàn thiện bản nhạc đó – theo NBC News. Vậy liệu, AI có thể làm phim?
Có thể, nhưng có lẽ còn rất xa vời. Một tác phẩm điện ảnh được hình thành với công sức của rất nhiều người, mà người đạo diễn chỉ là một người đóng vai trò chính yếu để kết nối các bộ phận và hoàn thiện tác phẩm. Tuy vậy, hiện nay AI đang được ứng dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp điện ảnh để hỗ trợ người làm phim, cũng như nhà sản xuất có thể tìm ra phương cách tốt nhất cho các sản phẩm của mình để đạt hiệu quả cao về cả nghệ thuật và thương mại.
Điều này đang được ứng dụng nhiều ở phần tiền kỳ của dự án trong khâu hỗ trợ biên kịch viết kịch bản bằng cách tổng hợp dữ liệu, thông tin nhân vật giúp cho người viết kịch bản không mất nhiều thời gian tham chiếu. Bên cạnh đó, bằng những thuật toán phân tích thị trường, và dữ liệu về diễn viên, doanh thu phòng vé, AI cũng có thể giúp cho nhà sản xuất chọn ra được những diễn viên tốt nhất cho bộ phim của mình. Tất nhiên, điều này chỉ được áp dụng chính đối với các hãng phim lớn khi họ có kinh phí đầu tư vào công nghệ – những thuật toán thông minh thậm chí đọc được ý thích của khán giả.
Netflix đã sử dụng các thuật toán AI để điều hướng dữ liệu sao cho những nội dung tương tự luôn được gợi ý đến khán giả, đồng thời họ biết được khán giả muốn gì để sản xuất những bộ phim phù hợp. Chính vì vậy, khi bạn vào Netflix xem phim, bạn luôn được gợi ý phim cùng quốc gia, hoặc phim của cùng một thể loại mà bạn hay xem, bạn gần như không phải lựa chọn và tìm kiếm.
Hiện có một số công ty trên thế giới đang đầu tư rất lớn vào mảng AI cho các nhà làm phim như Legendary Entertainment. Hãng này đang đầu tư rất nhiều vào cách mà AI quyết định chọn và không chọn những hình ảnh nào để đưa vào trailer quảng bá cho một bộ phim cụ thể.
Hay công ty Vault ML với khối dữ liệu khổng lồ họ lưu trữ về doanh thu hay kịch bản và các chi tiết khác, Vault dùng AI để dự đoán doanh thu của bộ phim nhằm giúp nhà sản xuất không quá mạo hiểm với mỗi dự án của họ – theo Bold Business.
Nguyễn Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này