11:58 - 04/06/2021
‘Việt Nam muốn thành công thì nên học theo Singapore’
“Nhật, Mỹ đi trước. Hàn Quốc thành công là cũng học từ Nhật. Việt Nam muốn thành công thì nên học theo Singapore và học từ thất bại của Thái Lan. Do Việt Nam có thời gian dài chịu chiến tranh, cần rút ngắn thời gian thì nên học theo Singapore, chọn lọc và kết hợp cả hai cho phù hợp” – ông Tanit Wongdurongdet nói.
Tanit Wongdurongdet từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, và rồi trở thành nhà tư vấn cho các công ty Thái Lan tại Việt Nam. Ông nói khi các chuyến bay từ Thái Lan vào Việt Nam bị gián đoạn vì dịch bệnh, cơ hội thúc đẩy dự án hợp tác xuất khẩu chế biến trái cây và nông sản sẽ phải chờ lâu hơn nữa.
– Có thay đổi gì trong việc làm ăn của người Thái ở đồng bằng?
– Dịch Covid-19 hoành hành, những doanh nghiệp Thái đầu tư ở đồng bằng, làm bài bản, có kế hoạch kinh doanh đàng hoàng, đầu tư cơ sở sản xuất, hợp đồng lao động… cùng chịu ảnh hưởng như doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, tiểu thương có xu hướng gia tăng nhiều hơn. Họ đến tìm hiểu xem ở đây cần gì thì nhập hàng để bán chứ không thuê đất, làm cơ sở sản xuất như hồi xưa nữa. Các tiểu thương tận dụng ưu thế về chất lượng, mẫu mã, tiện ích. Họ làm ăn được là do làm thương hiệu, hình ảnh quốc gia.
Hiện nay, các tiểu thương tại Việt Nam nói bán đồ Thái, nhưng bao nhiêu phần trăm là đồ Thái rất khó biết. Trước khi tôi sang Việt Nam, cũng đem hàng của Trung Quốc về Thái để bán. Chỉ cần thấy mẫu, một tuần là có hàng. Họ phân ra hàng loại 1,2… Khi lấy hàng, họ cho 30% thì ai mà không thích. Họ làm đồ giả mà thật – giả khó phân biệt. Giới trẻ Trung Quốc tư duy “cần tiền”, bất chấp luật pháp. Tôi từng mua bán các loại phế phẩm với họ. Lúc cần thì tăng giá đột ngột, tới khi họ biết mình dựa vào họ rồi thì đủ chiêu trò nhằm hạ giá.
– Theo ông, việc đầu tư hậu đại dịch cũng sẽ thay đổi?
– Việt Nam có ưu thế là các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Nhiều nước vô để dựa vào lợi thế đó. Nếu các lợi thế này kéo dài thì các nước sẽ hướng tới Việt Nam. Việt Nam có thể phát triển mạnh nếu lôi kéo được những doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Nhật… Họ làm việc bài bản, có đạo đức, chịu đầu tư công nghệ nhiều hơn. Nên nhớ các nước cũng có chính sách để giữ chân doanh nghiệp ở lại hoặc đẩy ra xa.
Singapore khôn khéo trong cách xếp hạng và lựa chọn dự án đầu tư, ngành nghề, dùng nguyên liệu gì, mức độ ô nhiễm sao? Ngành làm vỏ xe, bình ắc quy… ô nhiễm nhiều thì họ tìm cách đẩy ngành này đi nước khác. Malaysia cũng tương tự. Từng làm việc với các công ty đa quốc gia, tôi nhận ra sự thay đổi trong cách chọn nơi đầu tư, chẳng hạn tìm nơi có nguồn lao động địa phương ổn định, tránh nơi có giá thuê đất quá cao. Hỏi nhà đầu tư sao không chọn Cần Thơ để gia công áo quần thể thao cho Adidas và Nike. Họ nói giá thuê đất ở Cần Thơ cao, lao động địa phương chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, đa số là người lao động đến từ tỉnh khác. Họ theo dõi thị trường lao động ở các công ty may, có công ty treo bảng tuyển dụng 200 lao động. Nhìn cái bảng cũ mèm vẫn còn treo, chứng tỏ tuyển dụng lao động khó. Họ đi khảo sát mức lương ở các tỉnh, sau đó chọn Long Xuyên, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long. Nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ lắm, họ tính kỹ như vậy nghĩa là muốn làm lâu dài.
– Làm cố vấn cho một số công ty, nhìn những thành công của doanh nhân Thái tại Việt Nam, chợ Thái do người Việt tổ chức ông nghĩ gì về nơi ông đang sống? Nhất là với tư cách là con rể của miền Tây…
– Sống và công tác ở miền Tây cũng giống như Thái Lan trước đây, hiện tại gặp nhiều khó khăn. Nhưng cần có sự chuẩn bị tốt khi gặp phải, đôi khi sẽ khó khăn hơn.
Hồi còn trẻ, tôi chọn cách học: để có kỷ luật tốt nên học theo Đức. Muốn mua bán thì học theo Nhật. Muốn giỏi luật thì học cách làm luật theo Pháp. Thời điểm này thì chọn Singapore vì họ đã chọn lọc từ những cái tốt của các nước khác.
Nhật, Mỹ đi trước. Hàn Quốc thành công là cũng học từ Nhật. Việt Nam muốn thành công thì nên học theo Singapore và học từ thất bại của Thái Lan. Do Việt Nam có thời gian dài chịu chiến tranh, cần rút ngắn thời gian thì nên học theo Singapore, chọn lọc và kết hợp cả hai cho phù hợp.
Miền Tây có nhiều sản phẩm OCOP. Bên Thái có OTOP, mỗi làng một sản phẩm đặc trưng. OTOP làm rất bài bản, ví dụ làng này nổi tiếng về mãng cầu, ngon nhất thì người ta biết rồi, làm gì cho khác biệt, độc đáo để nói đến sản phẩm là biết tiếng làng, xã, huyện đó. Làng sạch sẽ, lịch sự và làng nào cũng quen sử dụng phế liệu để làm thành sọt rác, tận dụng phế liệu… Cách tổ chức làng, xã ở Thái Lan đã được hình thành từ lâu rồi. Những người ở làng, họ sống lâu và yêu mến làng quê.
Làng quê có công ăn việc làm, có thu nhập, họ hài lòng như bây giờ là được định hình từ thời Quốc vương Rama I từ cuối thế kỷ 18. Đức Vua đến châu Âu thấy Pháp, Anh sống như thế nào, đưa kiến thức đó về Thái. Khoảng 240 năm trước, người Thái nghĩ tới làm đường xá, đổi cách ăn mặc. Rồi dần dần cải cách về pháp luật.
Đức Vua tập trung cho sự phát triển đất nước và ngành nông nghiệp bởi nông nghiệp là nền tảng, nếu muốn công nghiệp hóa nông nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Ngài đích thân đi từng làng quê, nói chuyện hỏi thăm dân và hướng dẫn các cán bộ từ tỉnh cho tới xã làm theo. Dân cảm mến vì họ thấy nhà vua hành động thực tế, thương dân.
Tính cộng đồng ở Thái Lan rất cao. Các hiệp hội, Bộ Nông nghiệp hoạt động mạnh và hỗ trợ lẫn nhau. Thí dụ mình muốn trồng, muốn làm gì thì liên hệ Sở Nông nghiệp. Họ sẽ có bộ phận chuyện trách, chuyên viên tới đánh giá, hướng dẫn thậm chí tìm thị trường cho mình. Bởi vì họ quan niệm nhiều người có đất đai nhưng chưa chắc biết cách trồng, chưa biết bán ở đâu.
Thái Lan cũng giống Việt Nam là có mùa vụ, cũng có chuyện giá lên xuống. Nhưng nếu giá sản phẩm tươi mùa này thấp quá thì người ta làm thành bánh, kẹo. Sầu riêng mùa này rẻ quá thì họ làm bánh sầu riêng, kẹo sầu riêng, cấp đông… tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Âu cũng là cách tự giải cứu cho các ngành hàng.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này