
08:28 - 29/06/2022
4 huyện ‘đại nhảy vọt’ lên thành phố
Tại hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021 – 2030 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 2/6, đã có định hướng được “vẽ” ra: 4 huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ “đại nhảy vọt” lên thành phố, riêng Nhà Bè sẽ trở thành quận vệ tinh.
Tất nhiên, trong phạm vi của một “đề án khoa học”, hàm lượng khoa học – ứng dụng sẽ được biện giải cụ thể như thế nào để đảm bảo cơ sở khoa học, tính khả thi của đề án. Nhưng, nó lại đặt trong định hướng thực tiễn “đầu tư -xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố”, với mốc thời gian cận kề (7 năm tới cho một đề án đầy tham vọng như thế!) thì những ảnh hưởng của nó đối với tâm lý chung, thói quen đón đầu (kể cả đón… gió) của không ít nhà đầu tư (và đầu cơ) sẽ tác động phức tạp lên thị trường đất đai, xã hội.
Thật ra, vẽ một bản quy hoạch trên giấy là không khó. Phác thảo quy hoạch tổng thể với từng biên độ mở thời gian, không gian; năng lực, nguồn lực để hiện thực hóa từng giai đoạn, từng khu vực của quy hoạch ấy như thế nào; sự hiện diện, tương tác của người dân, doanh nghiệp, chính quyền ra sao trước/trong và sau khi hoàn tất, công bố quy hoạch ấy, đó mới là những yêu cầu quan trọng. Vậy, trước khi hình thành cái định hướng 4 huyện lên thành phố, TP.HCM đã điều chỉnh, công bố về quy hoạch tổng thể thành phố hay chưa? Việc tổng kết Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM và nhận diện mô hình “thành phố trong thành phố” đã thực sự rút tỉa được những bài học thành-bại gì để tham chiếu cho việc triển khai định hướng 4 huyện lên thành phố?
Đó là chưa nói đến việc TP.HCM đã “tất toán” được hay chưa những “món nợ” của nhiều nhiệm kỳ trước, cũng là cam kết của nhiệm kỳ này, nhất là dự án giải tỏa nhà ven kênh rạch, dự án chống ngập, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp… Đặt trong tình hình vừa trải qua cơn đại dịch, những vấn đề xã hội mang tính dân sinh cấp thiết nói trên lại càng cần phải tính toán nhanh, hành động quyết liệt, cụ thể.
Do đó, đặt ra định hướng phát triển mà chưa hoàn tất quy hoạch tổng thể, chưa đảm bảo nguồn lực, phân vai trách nhiệm (và năng lực đủ để đi cùng trách nhiệm ấy) để triển khai, thực hiện quy hoạch thì ít nhiều đó là sự vội vàng, dễ gây ra những xáo trộn, tác động tiêu cực không đáng có. Cần nhớ, trước và trong khi thành phố mới Thủ Đức ra đời, và ra đời khá cấp tập thì giá đất ở khu vực 3 quận (2, 9, Thủ Đức) đã tăng theo chiều thẳng đứng. Cũng như nhiều cơn sốt đất đã “hành hạ” thị trường TP ở những thời điểm nóng trước đây, buộc chính quyền phải “kê đơn” bằng các biện pháp can thiệp mạnh.
Có lẽ vậy mà trong buổi làm việc với huyện ủy Hóc Môn, ngày 8/6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói thẳng quan điểm “lên thành phố hay quận không quan trọng mà phải đảm bảo chất lượng sống của người dân và tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn, phát triển”. Do đó, ông “chưa chốt lại” đối với việc huyện Hóc Môn đề xuất lên thành phố, “tránh những ồn ào trong việc mua bán đất, chưa có lợi gì cho người dân”.
Và ông yêu cầu “khoan nói nhiều, khoan bình luận nhiều, khoan bàn nhiều, cũng không đao to búa lớn”, hãy xử lý căn bản cho xong những cái tồn tại hiện nay chứ không thể “tự nhiên mà nhảy, bỏ qua”, Hóc Môn phát triển bền vững thì trước hết phải có tinh thần chủ động, huy động sức mạnh nội sinh để phát triển, vượt qua những chướng ngại vật còn tồn đọng.
Đó là một sự cẩn trọng đầy trách nhiệm, không vẽ vời theo nhiệm kỳ, tập trung một cách thực chất cho những đầu việc thiết thực dân sinh trong tổng thể phát triển mà thành phố sẽ hướng tới. Tại Bình Chánh, để giải quyết vấn nạn xây nhà trái phép, chính quyền thành phố đã phải ban hành không biết bao nhiêu văn bản, kết hợp các đợt ra quân để chấn chỉnh, dọn dẹp.
Hay ngay tại TP Thủ Đức, hiện trạng giao thông, xây dựng trái phép vẫn ngổn ngang. Ngược lên hướng Tây Bắc, chỉ mới có thông tin mở rộng khu vực này thì đất ở Hóc Môn, Củ Chi đã nóng sốt… Hay, chỉ mới manh nha lấn biển Cần Giờ, đã dậy lên nỗi lo, liệu hệ sinh thái tự nhiên của rừng ngập mặn có chịu nổi sự ngăn – đắp nhân tạo?
Tất cả đều đang hiện diện, là tiền đề cho mỗi nhà khoa học, chuyên gia, người tham vấn phát triển trước khi đưa ra gợi mở, đề xuất, định hướng, hãy nhìn cho thật rõ, cúi xuống cho thật gần, thấy cho thật xa và thấu hiểu cho thật sâu, từ trong đời sống, mưu cầu an cư – lạc nghiệp của người dân.
Lê Huyền Ái Mỹ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này