![Phát hành giai phẩm Thế Giới Hội Nhập xuân Ất Tỵ 2025](https://thegioihoinhap.vn/data/uploads/2025/01/COVER-2025-01-1.jpg)
11:15 - 25/01/2017
Hành giả bơ vơ hơn cả sương gió
Tôi không tự tin lắm khi điểm cuốn “Sương gió bơ vơ” của Nguyễn Hàng Tình. Đó là một cuốn sách hay nhưng không thể theo thông lệ là đọc một lèo từ đầu tới cuối. Chỉ có thể đọc ngắc ngứ.
Mỗi ngày đọc một vài đoạn rồi thả hồn lang thang theo dấu chân của hành giả từ trên non cao xuống đáy biển sâu. Tôi đã bắt gặp một chút quê hương của mình trong Hai kẻ vô danh và cơn vật vã giác ngộ của đáy biển. Đó là sự tháo khớp một ngôi làng biển ra khỏi một huyện biển. Huyện biển quê nhà là cả một vùng rạn; rạn là tạo hoá của biển. Đã bao đời người dân xứ Vạn Giã này dùng phương tiện giã cào giết chết tạo hoá. Biển Xuân Tự mà Nguyễn Hàng Tình tháo khớp ra khỏi Vạn Ninh cũng là một vùng rạn. Nơi người dân ghi nhận hiện tượng rạn trào – nước trào lên từ đáy biển đầy san hô. Các nhà hải dương gọi nó là hiện tượng nước trồi; nước trồi mạnh nhất ở biển Phan Thiết.
Ngày xưa, con người còn cho biển nghỉ Tết. Trước khi đóng cửa biển ngư dân cúng. Sau Tết khi mở cửa biển, ngư dân cũng cúng. Trong suốt thời gian biển nghỉ không ai xâm phạm biển, đó là lệ làng. Bây giờ người ta đã tiêu diệt xác xơ một vùng rạn của vịnh Vân Phong. Muộn mằn hơn, người dân được khuyến cáo và họ chấp nhận không khai thác “tạo hoá”, để cho biển tự làm lành vết thương của mình, lên sẹo và tạo hoá tái sinh. Lời của Nguyễn Hàng Tình như hồi chuông dóng dả, hồi chuông nguyện hồn biển…
Khi đọc Đi quanh giọt nước tôi mới được lột vẩy nơi con mắt mà sáng ra “… thiếu nữ, thanh niên, trẻ em, kéo xuống sinh hoạt cùng một nguồn nước…” Đó gọi là Giọt nước, nơi sinh ra làng, cưu mang làng. “Nó tự nhiên có. Nước chảy từ trong lòng đất ra, chảy mãi mà không bao giờ cạn, cho dù mùa khô. Dù ở mùa mưa nó cũng chảy bình tâm, rỉ rả đều như thế thôi. Nguồn nước từ nó bao giờ cũng lành. Ai uống cũng khoẻ mạnh; cả cộng đồng khoẻ mạnh”, H’Ben kể. “Dù mùa mưa giọt nước cũng chảy bình tâm, vâng, vì chúng được trữ và điều độ bởi rừng. Rừng không còn, nước khi mưa thì giận dữ, khi nắng thì cạn kiệt…”
Hành giả đã đi mãi khiến một kẻ thường xuyên ngồi văn phòng như tôi mắc cỡ khi nhìn lên anh như một đỉnh núi cao. Nếu ta dùng một thứ thước thông minh nào đó đo hết chiều dài anh đã đi qua trong cuốn sách, anh đã đấu nối biết bao nhiêu núi non, biển cả, đất trời và những trái tim “gùi Phúc Âm đi trong cô quạnh”, có lẽ chiều dài ấy cũng giáp một vòng trái đất. Phần anh, anh chỉ coi mình như những cây cầu hoang phế… Coi mình là sự đấu nối nhỏ nhoi như thế quả là một thứ chủ nghĩa đấu nối hiến dâng cho đời những con mắt nhìn thấu suốt một đống cõi.
Công Khanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này