
08:28 - 19/07/2019
GS Hoàng Tuỵ: Sống ở đời không thể là phù vân
Vào lúc 15h30 chiều ngày 14/7/2019, GS Hoàng Tuỵ đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi ở tuổi 92.

GS Hoàng Tụy, nhà toán học có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học.
“Tôi đã gắn bó với giáo dục gần suốt cuộc đời. Từ năm 19, 20 tuổi tôi đã bước vào ngành và cho tới nay, dù tôi đã hết sức cố gắng đưa ra nhiều kiến nghị để thay đổi; nhưng cũng phải nói thật, nhiều lúc cũng rất nản, cũng muốn bỏ cuộc, nhưng cuối cùng thấy trẻ em, thanh thiếu niên của chúng ta khổ quá so với nỗ lực, nên tôi tiếp tục cố gắng góp ý kiến trong phạm vi có thể được”, ngày 16/11/2013, trong buổi gặp gỡ với nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập, ông đã thổ lộ lòng mình.
Liên tục trong nhiều năm, từ 2004 – 2008, nhà giáo Hoàng Tuỵ và nhóm các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được ông quy tụ, họp bàn và đưa ra những kiến nghị sát thực và cụ thể về bốn vấn đề giáo dục Việt Nam cần cải cách triệt để, toàn diện, đó là:
Thứ nhất phải khẳng định giáo dục của chúng ta hiện nay đang lạc điệu, chứ không còn gọi là lạc hậu được nữa.Lạc điệu, nghĩa là chỉ có mình ta, không giống ai cả.Như vậy phải thay đổi từ gốc.
Thứ hai, một mặt rất tôn vinh thầy giáo, thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta, người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay.
Thứ ba là giáo dục phổ thông với mô hình hiện nay hết sức lạc hậu, vì nó có tham vọng rất ảo tưởng là trong 12 năm sẽ cung cấp mức học vấn cần thiết cho cả đời người. Ngay cả những nước văn minh, giàu có hiện nay cũng chỉ yêu cần ở mức 9 –10 năm là giáo dục phổ thông, còn sau đó là định hướng nghề nghiệp, và như vậy, cách đào tạo đấy là đào tạo hướng hẳn vào sở thích.
Thứ tư, giáo dục đại học, điều hết sức cơ bản để có một môi trường giáo dục đại học lành mạnh và phát triển là: phải được tự chủ đại học và tự do học thuật. Nếu không có hai điều kiện này, thì không thể nào đại học của chúng ta đuổi theo kịp đại học của các nước.
Cách đây một tháng, ngày 7/6/2019, nhà văn Nguyên Ngọc đến thăm ông vừa từ bệnh viện Việt Pháp về nhà.Người nhà cũng cho biết ông ra vào bệnh viện suốt từ khoảng một năm nay. Tuy yếu và gần như không còn nghe thấy gì nữa, GS Hoàng Tuỵ vẫn cầm tay nhà văn Nguyên Ngọc, và không hiểu sao như có một sức lực nào đó thật kỳ lạ trỗi dậy trong ông, mà sau đó ông đã nói liên tục gần một giờ đồng hồ. Ông nói như trăng trối những lời cuối: “Các anh còn gặp nhau, còn trò chuyện với nhau được, còn tôi chỉ có một mình, tôi cô đơn lắm. Tôi thấy cuộc sống đúng là phù vân, nhưng sống ở cuộc đời thì không thể là phù vân được.Thấy sự bất bình ở đời, không thể không nói nên có lẽ tôi cũng làm mất lòng nhiều người. Nhưng không thể không nói…”.
Đó cũng là lần cuối cùng ông nói chuyện, về sau (cũng như trước đó đã rất lâu) cho đến ngày mất, ông không còn nói lời nào nữa.
Trong bài diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh năm 2011, GS Hoàng Tuỵ cũng khẳng định: “Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy, tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua, không những không có tác dụng, mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống.Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên”.
Và cũng như bất kỳ một người trí thức yêu nước nào, ông thể hiện sự tin tưởng vào tương lai: “Xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ”.
GS Hoàng Tuỵ sinh năm 1927 tại Quảng Nam.Ông là tác giả của thuyết “Tối ưu toàn cục” được vinh danh ở các nước trên thế giới. Tháng 9/2011, GS Hoàng Tuỵ vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do đại hội Quốc tế Tối ưu toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này. Cũng trong năm này, ông vinh dự được trao giải Phan Châu Trinh tại Việt Nam. Ông có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm… Ông là tổng biên tập của hai tạp chí toán học tại Việt Nam (1980 – 1990), uỷ viên ban biên tập của ba tạp chí toán học quốc tế. Có thêm một truyền thuyết về ông là có một thói quen mà ông không bao giờ bỏ là mỗi ngày ông đều ngồi giải mười đề toán được cập nhật trên các tạp chí toán học của thế giới, để rèn luyện trí óc minh mẫn.Thói quen này được duy trì cho đến khi ông bị bệnh ở tuổi 90.
Ngân Hà (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
GAS SOUTH không ngừng chuyển dịch, linh hoạt theo thị trường
Tuấn Khanh: Đường trải thảm đến cửa địa ngục
Khoảng lặng: Giỗ Ba lần thứ mười một
Nguyễn Quốc Vương: Dịch sách là một công việc độc lập và cô đơn
‘Cây hoa bản địa’ nguồn cảm hứng miền sơn cước
Tags:giáo sư hoàng tụy
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này