21:23 - 09/11/2016
Con của Noé
Sách mới do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ, phát hành 9/11/2016 nhân dịp tác giả Éric-Emmanuel Schmitt tới Việt Nam và có cuộc giao lưu với độc giả tại Hà Nội vào lúc 18 giờ tại hội trường trung tâm Văn hoá Pháp, cùng ngày.
Câu chuyện bắt đầu vào mùa xuân 1942 khi người Do Thái bắt đầu bị càn quét ở Paris. Với một chi tiết ngộ nghĩnh như trong Cuộc sống tươi đẹp của Roberto Benigni, cậu bé Joseph tám tuổi chơi “trốn tìm’’ với bố mẹ và thoát khỏi cuộc càn quét.
Em được đưa về một tu viện và được một linh mục tên là Pons che chở. Linh mục Pons có sở thích đặc biệt là sưu tập những đồ vật đang bị đe doạ biến mất.
Cùng với dân làng trong một ngôi làng ở Bỉ, ông che chở cho 12 đứa trẻ Do Thái (12 – con số tượng trưng cho truyền thuyết dân tộc Do Thái được hình thành từ 12 bộ tộc).
Ông không những giúp các cậu bé thoát khỏi những cuộc càn quét mà còn giúp chúng hiểu biết hơn về chính tôn giáo gốc của mình – đạo Do Thái. Một việc làm gần như không tưởng và vô cùng nguy hiểm dưới thời Đức quốc xã.
Những tình huống càn quét, khám xét hồi hộp đến ngạt thở; sự hy sinh của những người dám che chở cho những đứa trẻ Do Thái; sự tinh ranh, sắc sảo và mẫn cảm của những đứa bé, những điều diệu kỳ tưởng như khó thể xảy ra lại xảy ra, người sĩ quan Đức trong truyện biết gần như chắc chắn rằng những đứa trẻ này là Do Thái, nhưng không bắt chúng mà lại còn tặng kẹo (một chi tiết gợi nhớ đến bộ phim đã đoạt giải Oscar – Bệnh nhân người Anh).
Lại một lần nữa, tác giả sử dụng mô hình một thầy – một trò, một người đỡ đầu – một người được che chở – như trong tác phẩm Ông Ibrahim và những đoá hoa của kinh Coran và Oscar và bà áo hồng. Cha Pons đã giải thích ý nghĩa của tôn giáo, ý nghĩa của cuộc sống.
Trả lời thắc mắc của cậu bé và có lẽ của tất cả những ai từng nghĩ đến tôn giáo: nếu Chúa Trời quyền năng như thế, yêu con người như thế, tại sao thế giới lại thê thảm thế này?, Cha Pons nói: “Chúa chỉ tạo ra thế giới này một lần duy nhất. Người đã làm ra bản năng và sự thông minh để con người chúng ta tự xoay xở mà không cần tới Người”.
Nếu không có chiến tranh và xung đột các tôn giáo sẽ nói gì với nhau, sẽ tồn tại như thế nào? Liệu người ta có thể nói đến một sự chung sống? Nên nhìn sự sống và cái chết như thế nào?
Yêu thương, sự tôn trọng, thù hận, cô đơn, chủng tộc, màu da, đức tin, trẻ em, người già, xã hội, tệ nạn… người ta đã đang và sẽ nhìn nhận những cảm xúc và thực tại đó như thế nào?
Éric-Emmanuel Schmitt chọn đi vào con đường đầy gai góc ấy bằng tâm thức như của một đứa trẻ. Qua mỗi tác phẩm của mình, ông dành tặng độc giả một món quà tư duy, nhẹ nhàng về hình thức mà ý nghĩa lại nặng sâu.
Bộ truyện năm tập trong đó ba cuốn đã được Nhã Nam xuất bản gồm: Chàng su mô không thể béo (Nguyễn Đình Thành dịch); Oscar và bà áo hồng (Ngô Bảo Châu, Nguyễn Khiếu Anh dịch); Con của Noé (Nguyễn Đình Thành dịch). Còn lại hai cuốn Milarepa; Ông Ibrahim và những đoá hoa của kinh Coran.
Éric-Emmanuel Schmitt là tác giả nổi tiếng Pháp – Bỉ sinh năm 1960 tại Sainte-Foy-lès-Lyon (Pháp). Ông xuất thân từ gia đình trí thức, và bản thân cũng là tiến sĩ triết học. Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ sở thích đối với văn học và từng viết một truyện ngắn khi mới 11 tuổi. Sau một thời gian làm giáo viên, Éric-Emmanuel Schmitt chuyển hoàn toàn sang mảng sáng tác. Hai thập kỷ sau tác phẩm kịch đầu tay Đêm Valognes khá thành công, Éric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, các sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.
Thành Nguyễn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này