09:55 - 28/10/2016
Những góc tối xã hội thời Lê mạt
Tủ sách Biên khảo – Sử liệu tiếp tục ra mắt cuốn sách Lê mạt sự ký – Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ 18 do DT Books và NXB Khoa học Xã hội xuất bản. TS Nguyễn Duy Chính biên soạn và viết khảo luận.
“Nhìn từ nhiều góc độ, chỉ trong một thập niên, các thế lực tranh bá đồ vương từ Nam Quan đến vịnh Xiêm La đã phát huy tất cả tiềm năng mong đạt được mục tiêu sau cùng. Những liên minh chồng chéo khiến việc phân tích, gỡ rối càng thêm phức tạp và phân định thù bạn, đúng sai, chính tà thật không đơn giản.
Trong tập hợp ngắn này, chúng tôi chỉ nhìn lại đời sống và sinh hoạt của những người lưu lạc ra bên ngoài, nay đã vô can với biến chuyển, đổi thay ở trong nước. Họ sống như thế nào? Nỗ lực của họ về đâu?
“Vua Chiêu Thống sống và chết trong vòng kiềm toả của nhà Thanh. Người vợ trẻ xa chồng xa con sống lẻ loi trong một ngôi chùa chờ đón linh cữu cố quân về nước. Một bầy tôi bị đánh lừa sang Trung Hoa bị cầm tù hơn mười năm vì không chịu cắt tóc đổi áo. Đó là những góc tối của xã hội trong một giai đoạn đầy sóng gió, nhiễu nhương”, đoạn cuối lời Dẫn nhập, tác giả Nguyễn Duy Chính viết.
Trong cuốn sách dài 407 trang này, tác giả đã ưu ái viết riêng một chương về người vợ trẻ vua Chiêu Thống (Lê Duy Kỳ) tên là Nguyễn Thị Kim, sinh năm Ất Dậu (1765) tại làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc.
Câu chuyện tình bi thương được nhắc trong văn chương thời bấy giờ sáng danh lòng chung thuỷ của bà và cả vị vua Chiêu Thống sau này cũng đã từ chối không lấy vợ “trong hoàn cảnh hoạn nạn, không nỡ nào vui sướng một mình”.
“Cuộc đời hai người – nếu không lâm vào cảnh tù đày thì cũng bị săn đuổi – sống lẩn lút long đong vất vả nơi thôn xóm. Điều an ủi sau cùng của vua Lê và vương phi có lẽ là được mai táng bên cạnh nhau ở tỉnh Thanh Hoá, làng Bố Vệ” (Lê mạt ký sự – trang 237).
Tất nhiên cuốn sách còn nhiều những câu chuyện lịch sử trong thời kỳ này được trình bày khoa học, rõ ràng, khúc chiết. Nó không hấp dẫn như đọc Tiêu sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng hay Chàng đi theo nước (Tô Nguyệt Đình)… Nhưng nó đem lại cho chúng ta một góc nhìn khác về chính sử đã bị khuất lấp một thời gian, bởi yếu tố nhà Tây Sơn nổi bật trong lịch sử Việt Nam được xướng danh như vị vua đánh tan quân xâm lược, lập những chiến công hiển hách nên xứng đáng với ngôi vua.
Tuy nhiên, sử tính của một thời đại không nằm ở chiến công, nó còn mang nhân tính, đằng sau là những mất mát đau thương của những góc khuất cuộc đời.
Nguyễn Duy Chính tuy là tiến sĩ quản trị kinh doanh hiện sống tại Mỹ, nhưng hơn mười năm qua, ông đã đầu tư khai thác được nhiều tư liệu quý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là khối tư liệu đồ sộ từ kho tàng thư tịch Trung Hoa như: Thượng dụ, Tấu triệp, Đáng án, Thực lục… có liên quan đến Việt Nam.
Khai thác những tư liệu gốc này qua sự phân tích tỉ mỉ và đối chiếu cẩn trọng với các tài liệu Việt Nam, phương Tây…, ông đã thực hiện một chương trình nghiên cứu lớn về triều đại Quang Trung – triều đại mà nhiều tài liệu trong giai đoạn lịch sử này bị mất mát hoặc sai lệch, làm cho một số vấn đề về triều đại Quang Trung và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 18 có nhiều điều chưa được sáng tỏ.
Trần Hoài Khanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này