10:55 - 04/02/2022
Vũ Kim Hạnh: Học phí trả bằng tro
Chúng tôi hẹn nhau ra quán cà phê quen thuộc mà dễ thường có đến cả năm tôi không mảy may nghĩ đến chuyện ghé quán dù một lần. Đến trước, ngồi chờ một mình, tôi phát hiện ra đám đèn lồng bằng mây tre đẹp lung linh một cách…xa xỉ bởi chắc lâu rồi không ai ngắm.
Bạn tôi, chuyên gia quản trị chất lượng Vũ Thế Thành trông rất trầm tư còn bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, một người thuộc “team Bình Dương” đến sau, trông rất thong dong. Tôi hình dung những ngày anh bạn này bạc mặt chiến đấu giữa tuyệt vọng và hy vọng sao cho bệnh nhân khỏi “leo lên” tầng cao hơn.
Thịnh giãi bày, “ Lực lượng y tế Bình Dương bị hạn chế về nguồn lực, chỉ có 3 bệnh viện tầng 3 là Bệnh viện tỉnh, khu Covid Phú Chánh và Becamex Bình Dương với số giường thở máy chỉ khoảng hơn 100 giường. Bình Dương không thể chạy đua mở bệnh viện tầng 3 với tốc độ tăng lên chóng mặt của dịch nên đã tiến hành sục sạo sàng lọc các trường hợp giảm ôxy máu âm thầm để tiến hành can thiệp điều trị chống viêm chống đông sớm ngay từ tầng 1, ngay tại các trung tâm cách ly, ngay tại các bệnh viện dã chiến với một hy vọng sao cho bệnh nhân khỏi “leo lên” tầng cao hơn”
Thịnh than vậy nhưng rồi cũng nói thêm. Đâu chỉ Bình Dương có năng lực y tế hạn chế. Cả nước mình, ngay TP.HCM là địa phương có năng lực y tế mạnh nhất cả nước, nhưng trang thiết bị ICU tính trên số dân so với Mỹ và châu Âu chẳng thấm gì, vậy mà Mỹ và EU còn lao đao điêu đứng với con Sars-Cov2. Trông người phải tính cách tồn tại của ta thôi… Việt Nam mình nhờ Zero Covid mà có được một năm rưỡi an lành, thật cũng phải biết ơn thời gian đó lắm, đủ để mình đọc và ngẫm về cách mình phải làm gì để sống sót trong hoàn cảnh hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn lực về y tế.
Phải chăng tỉnh Bình Dương là một trường hợp chống dịch hoàn toàn khác cách TP.HCM? Thành phố luôn phải tuân thủ sát sao vì bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Y tế nằm ngay tại đây. Người đại diện Bộ Y tế chỉ huy trận chiến ở Bình Dương là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu luôn nói rõ là làm theo chỉ đạo, phác đồ của Bộ Y tế với sự… sáng tạo.
Trong một bài báo đăng trên trang website chính thức của Bộ Y tế, tôi thấy bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trả lời phỏng vấn báo chí khoảng tuần thứ tư của tháng 8/2021 rằng, chống dịch Bình Dương đang đi đúng hướng. Ông nhận định: ngày 22/8 là đỉnh dịch của Bình Dương. Số người nhiễm mới và ra viện ngang nhau. Phát hiện sớm, điều trị sớm, ra viện đúng phác đồ. Đóng cửa các khu cách ly tập trung nhỏ, tăng cường nhân lực cho tầng 1 điều trị sớm người bệnh và cho ra viện, trở về cách ly tại nhà.
Lúc ấy Sài Gòn đang làm gì bạn nhớ không? Ngày 22/8/2021 là ngày TP nhận công điện của Thủ tướng chuẩn bị “siết chặt hơn chỉ thị 16, đón tổ công tác đặc biệt của chính phủ tăng cường lực lượng bộ đội, công an, toàn dân TP, ai ở đâu ở đó, 312 phường xã là 312 pháo đài, thần tốc xét nghiệm toàn dân, phát hiện sớm bóc tách F0 khỏi cộng đồng, phủ nhanh vắc xin, quyết kiểm soát dịch trước 15.9”.
Tháng 8. Tháng đau thương của thành phố khi bệnh nhân nhiễm Covid rất nhanh, ồ ạt ra đi cũng thật đột ngột; hầu như xóm nào, khu phố nào, chung cư nào cũng có người vừa nghe bị “bế” đi đã biến mất rất nhanh vì Covid. Và đông nhất là… người già. Vì sao, chúng ta biết rồi, vì họ không được tiêm vắc xin, họ được sàng lọc và… để lại, không tiêm, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Sáng nay, ngay trên trang web của Bộ Y tế, tôi vừa đọc một bài tường thuật cuộc hội thảo “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong của nhóm nguy cơ cao” tổ chức ngày 29/12” mà dòng chữ tô đậm nhấn mạnh tình hình là: “Trên 84% ca Covid 19 tử vong là từ 50 tuổi trở lên. Cần cấp thiết, quyết liệt bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao”. Kinh ngạc được chưa, vào tháng 8/2021, con số “hơn 84% tử vong vì Covid là nhóm người trên 50 tuổi” là con số tuyệt mật, nói ra đứt đầu và tôi được nghe giám đốc một bệnh viện hồi sức thì thào bằng giọng thật thấp thật khẽ, như sợ có ai phát hiện mình “tiết lộ” tỷ lệ khủng khiếp đó. Chung quanh anh, anh kể, tháng 8, ở bệnh viện mọi sự cứ như hoảng loạn, cứ sôi, chực bùng, áp lực căng, lòng người tan nát.
Tới bây giờ tôi vẫn cứ rùng mình nhớ lại nỗi ám ảnh bởi hai chữ: QUÁ TẢI. Vì quá tải nên ai nấy sợ hãi, dù bệnh nặng cũng không muốn đến bệnh viện. Vì (bệnh viện) quá tải nên các bệnh nặng khác ngoài Covid cũng bị ngó lơ, bệnh nặng thêm không được điều trị, thật đáng sợ hãi. Quá tải, sợ hãi, càng khổ ải. Ôi, sao tự dưng tôi viết giống như lời một bài… rap vậy trời?
Chỉ mới bốn tháng, nhận thức cơ bản trong chủ trương phòng chống dịch và chỉ đạo ngành hình như đổi chiều rõ rệt theo chiều hướng đáng lạc quan. Không thấy nói “thần tốc xét nghiệm là then chốt phòng chống dịch” nữa. Vẫn còn nói “thần tốc” nhưng là “muốn mở cửa phải thần tốc vắc xin”. “Cấp thiết bảo vệ nhóm nguy cơ cao” chứ không phải xếp những người trên 65 tuổi vào hàng thứ 11 của danh sách thứ tự ưu tiên sàng lọc tiêm vắc xin. “Đưa F0 về nhà, cách gọi F0, F1 không còn phù hợp khi dịch lan quá rộng ra cộng đồng”. “Hãy trả quyền kiểm soát dịch cho từng người dân, từng gia đình”… “Không cần phải đếm số ca nhiễm mới nữa mà hãy quan tâm ca chuyển nặng và tử vong”. “Phải để lực lượng y tế tư nhân tham gia đội hình phòng chống dịch cả nước”…
Như Thủ tướng Singapore có một đúc kết hữu lý: chúng ta thay đổi sự lựa chọn từ “Zero Covid” sang “sống chung thích ứng an toàn với virus” là do 2 yếu tố chính: (1) Khoa học mang lại hiểu biết đúng và (2) biến thể Delta quá nhanh và nguy hiểm.
Nhiều cuộc đối thoại với lãnh đạo TP.HCM hay một số chuyên gia, đâu là cú “lội ngược dòng” về. Câu trả lời chung là ta học được nhiều điều từ thực tiễn và dám – biết thích nghi để tồn tại và phát triển. Giải pháp căn cơ nhất của mọi giải pháp là phủ vắc xin. Và còn nữa, khi ta dừng săn đuổi, tập trung F0 để “ngồi ngó” mà đưa F0 không có triệu chứng về nhà và phát huy mạng lưới y tế cơ sở.
Ngày cuối năm 2021, tôi được nghe một vị lãnh đạo nhìn nhận về 3 nguyên nhân khiến đại dịch đã tàn phá khủng khiếp đến thế. Thứ nhất là không có vắc xin. Thứ hai là không hiểu biết về tốc độ lây nhanh và độc lực của biến thể Delta. Và thứ ba là không có kinh nghiệm gì với đại dịch này. Giờ ngẫm nghĩ lại, không có kinh nghiệm sao không học các nước, họ đã lâm nạn trước mình cả năm và đúng là họ đã lâm vào tình cảnh rất khốc liệt. Còn sự ác nghiệt hung hiểm của con Delta thì các nước cũng đều đã trải qua với biết bao nhiêu bài viết rút kinh nghiệm trùng trùng những phân tích và lời khuyên. Cũng may là thực tế cuộc sống đã lay tỉnh và tạo những cú sốc cần thiết cho sự thay đổi.
Cuối cùng phải nói là trong biến động, có một điều bất di bất dịch, không thay đổi: Tình người. Sài Gòn bao thương (như mấy chị tiểu thương hay nói khi bán trái sầu riêng mà quảng cáo hột lép, em bán sầu “bao” ăn). Sài Gòn ơi cố xuống, nhiều bạn trẻ phải đặt bài hát vậy để năn nỉ Sài Gòn đừng theo cách cổ vũ thông thường “Cố lên, cố lên” vì mỗi ngày, số người chết tăng lên nhanh quá. Thương Sai Gòn lắm, những tháng ngày lâm trọng bịnh, bị TRỌNG THƯƠNG mà vẫn luôn TRỌNG TÌNH THƯƠNG giữa con người với nhau, chữ THƯƠNG ấy thật bao la, thật không gì đáng quý trọng hơn..
Sai Gòn vẫn tất tưởi chở những bình oxy nặng lầm lũi bươn đi giữa trời tối đen, mặc giới nghiêm, phong tỏa. Vẫn chia nhau từng nhúm rau cọng hành. Vẫn hùn tiền mua tới 5 cái xe cứu thương cho bệnh viện, chuyện những người doanh nhân cứ câm lặng giúp đời không một tiếng tự “pi a” (PR). Vẫn sôi sục khi quán cơm Nụ Cười phải đóng cửa vì bị coi là “tự phát, nhỏ lẻ”.
Trong khi những người có quyền cứ mãi mê làm theo công thức cũ như bị cầm tù khá lâu trong chính chiếc lồng son thành tích cũ (thành tích của quá khứ là quá lớn, lớn thật từng gây chấn động năm châu?).
Ông bạn Vũ Thế Thành xen vào, khi tổ chức “thần tốc xét nghiệm”, không ai nghĩ là sẽ diễn ra “thần tốc lây nhiễm” do chen chúc náo loạn trong công tác tổ chức cụ thể. Hay khi ra lệnh “ai ở đâu ở đó” thì lại lập tức diễn ra cảnh dân chúng tụ tập đông đặc ở các siêu thị để mua đồ dự trữ. “Thần tốc vắc xin”, thì dân lại chen chúc tiêm vắc xin. Virus chui vào mũi trước khi vắc xin tiêm vào tay.
Bùi Nghĩa Thịnh nói dứt khoát, khi vắc xin đã phủ đủ rộng thì chỉ còn cần khẩu trang và khử khuẩn. Tôi nói với Thịnh, cần 3K chứ, vì khoảng cách cũng rất cần, khi mà F0 ở cạnh ta lúc nào đâu biết. Khi đỉnh dịch ở Sài Gòn đi xuống, trên nói chú trọng đến y tế cơ sở, thế là mọi người đều nói về y tế cơ sở. Nhưng thế nào là y tế cơ sở? Thịnh nói một vấn đề thực tế ít ai chú ý, ở các tỉnh, y tế cơ sở là trạm y tế xã. Còn với Sài Gòn, có mấy ai biết trạm y tế phường ở đâu, vì hệ thống khám chữa bệnh tư nhân ở đây dày đặc. Tại sao không để các phòng khám tư nhân tham gia chống Covid để trở thành y tế cơ sở? Ai có tiền thì đến khám chữa bệnh tại hệ thống y tế tư nhân, ai khó khăn thì đến hệ thống y tế công lập. Bà Phạm Khánh Phong Lan khi nghe vậy thì gật gù đồng tình, đúng rồi, ở nhà tôi, hỏi trụ sở y tế phường ở đâu mấy ai biết, họ thường biết đến phòng mạch bác sĩ tư gần nhà hơn. Sống chung không phải là “tiến bộ” hơn zero Covid, mà còn tùy vào từng giai đoạn chống dịch. Nếu chưa phủ đủ vắc xin thì làm sao chúng ta có thể sống chung? Còn nếu đã phủ tương đối rồi thì còn cách ly tập trung F1 làm gì, thậm chí nhiều trường hợp F0 cũng không cần phải cách ly như thế. Bài học không có sẵn nhưng cũng có công thức để tự tìm được giải pháp. Hãy học từ những định đề và kết luận khoa học, đồng thời cũng không quên nghiền ngẫm bài học từ thực tiễn.
Chính sách đúng là tham khảo từ các bài học trên và thái độ tiếp thu cẩn trọng, trung thực. Không thể thiếu kiến thức khoa học, những kết luận chỉ có thể có được từ data dữ liệu lớn được phân tích khách quan, khoa học.
Một người Sài Gòn ham đọc tiểu thuyết nói với tôi.: Việt Nam học từ đại dịch và thay đổi cách đối xử với nó cũng nhanh đó chứ. Chỉ đáng tiếc là đã phải trả học phí bằng tro, mà nhiều tro nữa…
Ký của Vũ Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này